Tại các cơ sở giáo dục hiện nay, cán bộ quản lý gồm có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn do có hưởng phụ cấp chức vụ.
Tuy nhiên, có một nghịch lý tồn tại thời gian qua là việc có nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết, nhiều thành tích nhưng khi quy hoạch để bổ nhiệm các chức vụ cán bộ quản lý trường học như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì lại từ chối.
Không những thế một số giáo viên sau khi được đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý như phó hiệu trưởng sau một thời gian lại từ chức.
Thực tế tại địa phương người viết công tác, chỉ trong vòng 2 năm qua tại cấp trung học cơ sở, tiểu học đã có hơn 10 phó hiệu trưởng xin thôi chức vì áp lực.
Ảnh minh họa. |
Vì sao nhiều giáo viên giỏi không muốn làm cán bộ quản lý?
Trước hết phải khẳng định cán bộ quản lý trường học trong giai đoạn hiện nay đang rất vất vả, áp lực nhiều, thời gian làm việc nhiều, trách nhiệm cao, dễ bị kỷ luật,…nên nhiều giáo viên dù giỏi nhưng thường không có xu hướng làm lãnh đạo, quản lý trường học, chỉ yêu thích công việc chuyên môn giảng dạy.
Được đề bạt, bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là một vinh dự rất lớn lao, thể hiện là một người có năng lực lãnh đạo, quản lý, được tín nhiệm nhưng tại sao lại có nhiều giáo viên giỏi lại từ chối. Dưới đây là các nguyên nhân:
Thứ nhất, chế độ phụ cấp chức vụ cán bộ quản lý chưa tương xứng
Hiện nay, nếu giáo viên được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,25-0,7 theo mức lương cơ sở và phải đóng bảo hiểm xã hội thu nhập này.
Với mức phụ cấp chức vụ này mỗi phó hiệu trưởng chỉ nhận hàng tháng từ 300.000-1.000.000 đồng mỗi tháng tùy theo hạng trường.
Công việc áp lực nhiều, trách nhiệm cao nhưng chỉ hưởng phụ cấp chỉ được vài trăm ngàn đồng mỗi tháng nên nhiều người không muốn nhận nhiệm vụ này.
Thứ hai, thời gian làm việc nhiều, áp lực lớn
Theo quy định hiện nay, giáo viên công tác theo định mức tiết dạy và công việc khác như giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần (35 phút mỗi tiết), giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/ tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần.
Nên thời gian giáo viên trực tiếp đứng lớp mỗi giáo viên đi khoảng 5 buổi/tuần.
Trong khi đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải làm việc giờ hành chính, thường phải làm 40 giờ/tuần, ít nhất 8 buổi/tuần.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm với toàn bộ công việc của trường, công việc hiệu trưởng rất quan trọng là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của trường liên quan giáo viên, học sinh.
Đôi khi những áp lực không liên quan như học sinh vi phạm giao thông, đánh nhau, vi phạm pháp luật,…bên ngoài nhà trường cũng được quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, vì là thủ trưởng chịu trách nhiệm chính nên khi sai phạm của các bộ phận, giáo viên,…hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm, áp lực rất lớn.
Phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng nhưng cũng chịu trách nhiệm rất lớn trong các hoạt động liên quan khi được giao phó, phụ trách,…
Thứ ba, khó làm thêm, khó tăng giờ
Giáo viên khi dạy theo tiết vẫn còn thời gian để có thể dạy thêm hoặc làm thêm các công việc khác trang trải cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm việc giờ hành chính nên gần như có mặt suốt ở cơ quan nên hầu như rất khó có thể làm thêm.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng khó có thể được thanh toán tiền thừa giờ do dạy vượt số tiết quy định.
Ví dụ theo quy định hiện nay hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần, do thiếu giáo viên nên hiệu trưởng có thể dạy 4 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 6 tiết/tuần (vượt định mức 2 tiết) nhưng lại không toán tăng giờ được vì đã làm việc giờ hành chính, dạy vượt số tiết trong giờ hành chính vẫn không được tính dư giờ.
Thứ tư, nhiều phó hiệu trưởng bị "đì"
Thực tế, vì phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng nên hầu như dù làm rất nhiều công việc, áp lực lớn nhưng lại không có quyền gì.
Nhiều hiệu trưởng "đì" phó hiệu trưởng là có thật, nên nhiều phó hiệu trưởng vì không chịu nổi áp lực đã từ chức hoặc không muốn nhận nhiệm vụ.
Có thể nói, hiện nay thu nhập không tăng bao nhiêu khi làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng áp lực lớn, trách nhiệm cao, dễ mất chức, dễ kỷ luật,…nên rất nhiều người giáo viên giỏi không muốn nhận nhiệm vụ này, việc quy hoạch giáo viên giỏi đến quy trình bổ nhiệm gặp nhiều khó khăn.
Hệ lụy lớn khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không…giỏi
Chính vì có nhiều nguyên nhân giáo viên giỏi không muốn làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cộng với việc một số phó hiệu trưởng giỏi xin từ chức,…dẫn đến một thực tế đang tồn tại hiện nay là có một số người đang làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không…giỏi.
Do nhà trường cần phải có người để lãnh đạo, điều hành trường nên khi người giỏi không nhận nhiệm vụ thì đương nhiên phải bổ nhiệm người khác là người có thể không giỏi.
Bên cạnh đó, tại một số nơi có tình trạng “chạy” để được bổ nhiệm, mà người chạy thì đa số không giỏi, nịnh bợ, uy quyền.
Vai trò của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là cực kỳ quan trọng nhưng nếu bổ nhiệm những người không giỏi thì hệ lụy sẽ vô cùng lớn.
Hàng loạt vụ việc vi phạm pháp luật, chuyên môn, bạo lực, mất đoàn kết nội bộ…xuất phát từ những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không giỏi này.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là đầu tàu có vai trò rất quan trọng trong điều hành nhà trường, trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nên rất mong có những chế độ phù hợp, có cơ chế khuyến khích, thu hút người tài và sa thải người yếu kém để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải là những người giỏi, có trách nhiệm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.