Thiếu giáo viên: Hiệu trưởng, hiệu phó ở Kon Tum thay nhau đứng lớp

19/09/2022 06:53
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu giáo viên, nhiều thành viên trong Ban giám hiệu của nhà trường phải thay nhau xuống đứng lớp, còn giáo viên tiếng Anh thì được bố trí dạy liên trường.

Đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở ở hai huyện miền núi của tỉnh Kon Tum là Tu Mơ Rông và Kon Plông khi năm học 2022-2023 vừa mới bắt đầu được vài tuần.

Vừa quản lý vừa đứng lớp

Tại Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông), dù năm học mới đã bước sang tuần thứ ba nhưng nhà trường vẫn còn thiếu ít nhất 12 giáo viên nữa mới đảm bảo việc dạy học. Nhiều thầy cô trong trường phải tăng tiết để bù lấp vào khoảng trống của việc thiếu giáo viên bộ môn.

Thầy Phạm Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông) phải đứng lớp 32 tiết/tuần vì trường thiếu giáo viên. Ảnh: MT

Thầy Phạm Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông) phải đứng lớp 32 tiết/tuần vì trường thiếu giáo viên. Ảnh: MT

Theo cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng nhà trường, để đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhà trường cần phải bổ sung thêm 15 giáo viên nữa.

Trong đó, môn tiếng Anh của nhà trường hiện không thể triển khai dạy học cho học sinh do thiếu giáo viên. Bù vào đó, trường đã tăng cường dạy Toán và Tiếng Việt để bổ trợ cho học sinh trong khi chờ có giáo viên tiếng Anh được tuyển dụng và phân bổ về trường.

“Trước tình cảnh thiếu giáo viên nghiêm trọng như vậy, lãnh đạo nhà trường đã quyết định phân công các thành viên trong Ban Giám hiệu gồm: Hiệu trưởng và 2 Hiệu phó về đứng lớp.

Toàn trường có 671 học sinh với 25 lớp nên công tác quản lý cũng bận rộn. Vừa lo quản lý các vấn đề về thu chi tài chính, cơ sở vật chất, con người, chuyên môn… Ban giám hiệu còn phải soạn bài giảng để tham gia giảng dạy”.

Cô Vân chia sẻ thêm, theo quy định, mỗi tuần hiệu trưởng chỉ có 2 tiết đứng lớp nhưng bản thân cô phải đứng lớp 26 tiết/tuần. Việc phải thường xuyên soạn bài giảng, dành thời gian đứng lớp giảng bài cũng đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của nhà trường.

Cô Vân cho biết, nhiều báo cáo, kế hoạch đã bị chậm lại, nhiều cuộc họp phải hoãn vì không đủ thời gian bố trí. Hơn nữa, việc phải “kiêm nhiệm” thêm công tác giảng dạy khiến chất lượng dạy học cũng không được đảm bảo.

Tương tự cô Vân, thầy Phạm Văn Hùng – Hiệu phó nhà trường cũng phải đứng lớp 32 tiết/tuần thay vì 4 tiết/tuần như quy định.

“Cũng vì tình cảnh chung mà mỗi người đều phải cố gắng, chia sẻ khó khăn cùng với nhà trường. Do phải đảm nhận nhiều khâu từ: kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động chuyên môn của giáo viên… đến việc soạn bài giảng, đứng lớp dạy học trò nên chất lượng quản lý cũng như dạy học sẽ có phần nào bị ảnh hưởng”, thầy Hùng nói.

“Nhà trường rất mong mỏi các cấp chính quyền địa phương sớm tuyển dụng đủ đội ngũ giáo viên để phân bổ về cho các trường nhằm đảm bảo công tác dạy học. Trước mắt thì có thể điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu để cân bằng đội ngũ.

Hiện trường không chỉ thiếu giáo viên mà còn thiếu cả nhân viên y tế học đường, thư viện, văn thư. Chúng tôi đã liên hệ với một số giáo viên đến hợp đồng giảng dạy nhưng không tìm được người đảm bảo các điều kiện phù hợp”, cô Vân cho hay.

Thầy cô dạy liên trường

Nếu như tại huyện Tu Mơ Rông, trường không có giáo viên tiếng Anh thì sẽ chuyển sang dạy Toán và Tiếng Việt (dạy bù môn tiếng Anh sau khi tuyển được giáo viên) thì tại Trường trung học cơ sở Pờ Ê (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Kon Tum) lại chọn phương án cho giáo viên dạy liên trường.

Theo thầy Nguyễn Thanh Trường - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Pờ Ê thì do nhà trường chưa có giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học nên đã tiến hành hợp đồng với các giáo viên ở trường khác đến dạy.

“Hiện môn tiếng Anh, chúng tôi đã hợp đồng với một giáo viên cấp trung học cơ sở ở xã Hiếu để người này dạy liên trường. Còn với môn Tin học, đơn vị đang liên hệ các trường lân cận để tìm giáo viên đến giảng dạy.

Đây là phương án tạm thời trong khi nhà trường chưa tuyển được giáo viên vì việc dạy liên trường như vậy cũng sẽ không đảm bảo được chất lượng cũng như công tác quản lý nhân sự”, thầy Trường nói.

Còn tại Trường trung học cơ sở bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông thì đang thiếu 5 giáo viên ở các môn: Vật lí, Toán, Tin học. Đối với những môn này, nhà trường linh động bố trí các giáo viên dạy tăng tiết hoặc điều động giáo viên thuộc tổ hợp môn Khoa học tự nhiên đến giảng dạy.

Theo phòng Nội vụ huyện Kon Plông thì địa phương này đang tiến hành tuyển dụng 108 chỉ tiêu biên chế giáo viên để phân bổ về các trường. Trong đó có 28 giáo viên mầm non, 51 giáo viên tiểu học và 27 giáo viên trung học cơ sở.

Còn tại huyện Tu Mơ Rông, ngành giáo dục địa phương này đang thiếu khoảng 120 giáo viên nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ giao về 72 chỉ tiêu. Trong đó, có 13 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 36 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, 21 chỉ tiêu giáo viên trung học cơ sở, nhân viên thư viện là 2 người.

MINH THẢO