Điện Biên kiến nghị có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng với GV diện NĐ116

05/01/2023 06:55
Trần Phương
GDVN- Việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn khó khăn, vướng mắc nên chưa có cơ sở để đặt hàng đào tạo giáo viên. 

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học sư phạm nhưng nâng tầm lên một bước.

Trả lời công văn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều công văn, hướng dẫn và tiến hành khảo sát, phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức triển khai thực hiện.

Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố, ngày 10/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan.

Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị liên quan cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn khó khăn, vướng mắc nên chưa có cơ sở để đặt hàng đào tạo giáo viên.

Tại Điện Biên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: LC

Tại Điện Biên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: LC

Để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên cho tỉnh, việc triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP cần gắn liền với nguồn tuyển sinh tại địa phương, tránh trường hợp sinh viên sau khi đào tạo không quay trở lại công tác tại tỉnh nhưng vẫn không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Về nguồn kinh phí đặt hàng, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, theo quy định tại mục a, Khoản 1 và mục a, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, kinh phí thực hiện chính sách sử dụng từ nguồn chính sách địa phương, vì vậy, địa phương có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách đảm bảo theo quy định.

Trường hợp khả năng cân đối chính sách địa phương không thể đáp ứng nhu cầu, địa phương đề xuất kiến nghị với trung ương đề nghị hỗ trợ đảm bảo thực hiện chính sách.

Trường hợp địa phương có nhu cầu đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng, địa phương sẽ có trách nhiệm bố trí kinh phí đảm bảo hỗ trợ đến người học kịp thời, đúng quy định.

Về dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, do chưa thể xác định được số lượng người làm việc được giao đến năm 2025 và nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP chưa đảm bảo nên dù có nhu cầu đặt hàng nhưng tỉnh Điện Biên không thể dự báo chính xác số lượng, thông tin đặt hàng đào tạo giáo viên.

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi phải đáp ứng đủ đội ngũ giáo viên để triển khai thực hiện nhưng do tình trạng giao thiếu chỉ tiêu số lượng người làm việc nên không có cơ sở dự báo chính xác thông tin đặt hàng.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng chỉ ra khó khăn về việc không có cơ sở để tuyển dụng 100% giáo viên được đào tạo theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ bởi hiện nay việc tuyển dụng được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ- CP ngày 25/9/2020, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ.

Theo các văn bản này của Chính phủ, các đối tượng tham gia dự tuyển đều bình đẳng như các đối tượng khác.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Điện Biên kiến nghị thực hiện sửa đổi các mục tiêu cụ thể của Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đề nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng là giáo viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể việc bồi hoàn kinh phí đào tạo và trách nhiệm thu hồi tiền bồi hoàn trong các trường hợp cụ thể:

Người học do địa phương đặt hàng nhưng không trúng tuyển trong đợt tuyển dụng.

Người học do địa phương đặt hàng nhưng trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng của địa phương khác; người học đào tạo theo nhu cầu xã hội khi phải bồi hoàn kinh phí.

Điện Biên cũng đề nghị Bộ Nội vụ thông báo số biên chế viên chức tỉnh Điện Biên được giao của năm 2025 và 2026 để làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Trần Phương