Mới đây, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định chính thức buộc thôi học 37 sinh viên chính quy vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ 2 năm học 2021 - 2022. Ngoài ra, trường cũng cảnh báo học vụ lần 1 đối với 89 sinh viên vì điểm trung bình theo thang 4 xét học kỳ 2 năm 2021-2022 dưới 1 điểm.
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hơn 200 sinh viên bị xem xét buộc thôi học và hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 ngay từ học kỳ 1 năm học 2021 - 2022.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của việc này do định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường, thậm chí chọn bậc học đã khiến không ít sinh viên ngồi nhầm chỗ. Từ đó, trong quá trình học tập, nhiều sinh viên cảm thấy không phù hợp, kết quả học tập không đạt yêu cầu, quyết định bỏ học giữa chừng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đức, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết:
“Tình trạng sinh viên bị buộc thôi học và xin nghỉ học tại các trường đại học hiện nay khá phổ biến với rất nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lựa chọn ngành nghề từ ban đầu chưa thực sự phù hợp”.
Sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa trong giờ học thực hành (Nguồn: Fanpage nhà trường) |
Theo thầy Đức, từ khâu tư vấn tuyển sinh ở bậc phổ thông chưa được sát sao khiến các em chưa hình dung được ngành nghề phù hợp với mình sau này.
Đơn cử như có trường hợp sinh viên đang học bình thường, thậm chí có kết quả tốt sau một thời gian học năm nhất lại nhận ra ngành học không phù hợp, nên phải chuyển ngành hoặc trường, thời gian các em nhận ra việc mình không phù hợp là quá lâu.
Không những vậy, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh nhưng trong đó có những phương thức chưa đánh giá đúng được năng lực thực sự của người học.
"Như tôi thấy, có nhiều bạn điểm học bạ cao nhưng khi vào trường học lại không có năng lực phù hợp với ngành mình đã lựa chọn nên không thể tiếp thu được kiến thức và yêu cầu đưa ra của chương trình.
Việc này đã phát sinh ra tình trạng khi học thực tế thì năng lực, điểm số không đáp ứng được ngành học, dẫn đến người học bị cảnh báo học vụ quá mức quy định và bị buộc thôi học", thầy Đức nói thêm.
Bên cạnh đó, việc học trái ngành trái nghề cũng khiến cho sinh viên bị chán nản nên đã tự ý bỏ học trong suốt thời gian dài như 1 tháng, 6 tháng, 1 năm liên tục cũng khiến nhà trường phải cảnh báo học vụ nhiều lần và buộc thôi học số lượng người học này.
Mặt khác, lý do khiến nhà trường phải buộc thôi học sinh viên cũng do một số em bị gánh nặng học phí do hoàn cảnh khó khăn nên phải vừa đi học vừa đi làm, không thể tập trung trong quá trình học dẫn tới kết quả kém và bị cảnh báo nhiều lần.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là lý do nhỏ bởi thậm chí có ngành sư phạm được miễn chi phí nhưng vẫn có các em bị buộc thôi học do không có khả năng theo được chương trình.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đức, việc nhiều sinh viên bị buộc thôi học sẽ gây ra hệ lụy như lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc cho cả bản thân người học, gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Không những vậy, việc các trường đại học phải buộc thôi học quá nhiều sinh viên cũng gây ra sự xáo trộn trong việc đào tạo nhân lực cho xã hội mỗi năm.
Ví dụ chỉ cần một trường có đến 700-800 em bị buộc nghỉ học mỗi năm sẽ gây ra khó khăn, bất cập trong việc dự báo nguồn nhân lực cho nhiều ngành nghề của xã hội.
Do vậy, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Khánh Hòa cũng đưa ra một số đề xuất để giúp khắc phục tình trạng này.
“Theo tôi, trước hết, các trường cần tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh ở bậc phổ thông để dựa vào năng lực thực tế xem học sinh học tốt môn gì và nên vào học ngành học nào cho phù hợp.
Bởi, định hướng nghề nghiệp luôn là vấn đề cốt lõi để đưa ra hướng đi đúng đắn cho các em trong tương lai. Các em học sinh cũng cần xác định tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề phù hợp với mình.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần tinh giản các phương thức tuyển sinh để tránh trường hợp nhiều em biết bản thân không đủ năng lực nhưng thấy có phương thức giúp mình vào được nên vẫn sử dụng để vào trường”, thầy Đức nói.
Cũng bình luận về lý do tại sao năm học vừa qua có nhiều sinh viên bị cho thôi học, thầy Nguyễn Như Trường, Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Phan Thiết (Bình Thuận) chia sẻ:
“Việc phải buộc thôi học sinh viên xảy ra bởi nhiều lý do, đối với các trường đại học lớn thì có thể do năng lực của người học kém và nghỉ học nhiều, nhưng đối với trường địa phương như Trường Đại học Phan Thiết thì vấn đề này xảy ra chủ yếu do các em có hoàn cảnh khó khăn”.
Theo thầy Trường, mỗi năm trường có khoảng 40 - 50 em bị buộc thôi học vì lý do này, các em dù đã vào trường học nhưng không nộp học phí, dẫn đến quá hạn nhiều lần nên nhà trường phải buộc thôi học.
"Trường cũng có đề xuất chính sách với các ban ngành liên quan để có thêm nhiều suất học bổng hơn cho các em có hoàn cảnh khó khăn cũng như để khắc phục tình trạng sinh viên phải nghỉ học mỗi năm. Tuy nhiên, Bình Thuận cũng là địa phương kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí hỗ trợ cho các em cũng còn hạn chế", thầy Trường chia sẻ.
Những trường hợp sinh viên bị buộc thôi học
Trường hợp sinh viên bị buộc thôi học đào tạo theo tín chỉ
Theo khoản 2 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo;
Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT: Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Trường hợp sinh viên bị buộc thôi học đào tạo theo niên chế
Theo khoản 2 Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
Điểm trung bình năm học đạt dưới 0,8;
Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 sau 2 năm học, dưới 1,4 sau 3 năm học và dưới 1,6 từ sau 4 năm học trở đi;
Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT:
Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.