Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 vừa qua có quá nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó một số phương thức được đánh giá chưa hiệu quả, xét về góc độ nào đó đã gây mất công bằng cho các em học sinh dân tộc thiểu số và miền núi.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Giáo dục cho rằng, từ thực tế của công tác tuyển sinh năm 2022 cho thấy, việc kỳ tuyển sinh có quá nhiều phương thức xét tuyển, dẫn đến mất công bằng là có thật, nó xuất hiện ở một vài phương thức cụ thể.
Tiến sĩ Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Giáo dục. (Ảnh: NVCC). |
Với gần 20 phương thức tuyển sinh như hiện nay, mỗi trường lại có một cách áp dụng là quá nhiều, nên sẽ gây không ít phiền toái cũng như phức tạp cho các em học sinh để tìm hiểu, phân loại và ra quyết định.
Cũng theo Tiến sĩ Cù Văn Trung, đối với phân cấp giáo dục từ bậc đại học trở lên thì việc phân loại năng lực, trình độ là cần thiết, là lẽ tất nhiên của đời sống kinh tế - xã hội.
Những trường trọng điểm như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương thức tuyển sinh riêng bằng kỳ thi đánh giá năng lực, cộng thêm tiêu chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL IBT…) để xét tuyển, nhằm mục đích chọn lựa được những học sinh nổi trội và đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu vào của các trường lớn này.
Ông Trung cho rằng, việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như vậy rõ ràng là trở ngại đối với các em học sinh ở nhiều vùng nông thôn, vùng khó khăn cũng như dân tộc thiểu số.
"Đôi khi, bất công bằng trong tuyển sinh xảy ra do một số trường tổ chức nhận hồ sơ dự tuyển rất sớm, thường là sau Tết Âm lịch, vào khoảng tháng 2 – 3 dương lịch, với các phương thức như xét học bạ, công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển thẳng đối với các học sinh đạt giải quốc gia…
Do vậy, chỉ tiêu vào đại học bị hạn chế đi phần nào đối với những bạn đăng kí sau, có thể thấy, không ít thí sinh sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông có điểm số rất cao nhưng không trúng tuyển vào được trường mình mong muốn vì chỉ tiêu còn ít.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thông tin, cập nhật và thao tác kĩ thuật để đăng kí của học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn yếu và chậm... điều này vô tình gây ra sự bất công bằng cho các em để tiếp cận thêm nhiều cơ hội đỗ đại học", ông Trung chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Cù Văn Trung, học sinh khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn luôn được nhà nước và xã hội lưu tâm, tạo điều kiện từ trước tới nay. Chính sách ưu tiên cụ thể đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Tuy nhiên, những hạn chế nêu trên về khả năng tiếp cận các phương thức tuyển sinh là có thật, cần phải lưu ý để ngành giáo dục ngày càng thêm tính ưu việt cho những đối tượng dễ bị tác động này.
Việc chỉ ra nguy cơ, là để có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh phù hợp của các trường, chứ không nên nhìn nhận rằng đó là tiêu cực hay bất công bằng thái quá, dễ khiến các em học sinh khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa… hiểu sai, rụt rè, thiếu tự tin.
Với sự hội nhập và phát triển của đất nước như hiện nay, tất cả các em học sinh đều cần phải cố gắng, ra sức học tập, thông qua các kênh thông tin khác nhau, để lựa chọn những ngành nghề phù hợp, tiếp cận những phương thức tuyển sinh phù hợp, phấn đấu vào trường bản thân mong muốn.
“Cùng với sự phát triển, cùng với sự nở rộ nhiều năng lực riêng biệt của các cá nhân và cùng với yêu cầu đào tạo, chuẩn hóa con người hiện đại trong một xã hội phát triển không ngừng thì việc tìm kiếm, đa dạng các phương thức tuyển chọn để thu hút được những học sinh có triển vọng, năng lực trong tương lai là ý định và mục tiêu của từng trường đại học.
Mỗi nhà trường đều có hướng đi riêng, có bản sắc và nhiều ngành nghề khác nhau tương ứng với nhiều đối tượng người học (cả các trường dạy năng khiếu, chuyên biệt). Do vậy, việc tuyển sinh dưới nhiều hình thức, phương pháp là yêu cầu tất yếu của bối cảnh mới. Đặc biệt, vấn đề này cũng nằm trong chủ trương chung về tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm mà nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra, giao cho các nhà trường”, ông Trung nói thêm.
Tiến sĩ Cù Văn Trung cũng cho biết, hiện nay, nhiều chuyên gia đã đưa ra những phương thức tuyển sinh thông dụng là: xét học bạ; xét tuyển thẳng; căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; điểm bài thi đánh giá năng lực, tư duy; kết hợp điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ… vì những phương thức này đã được kiểm chứng qua thời gian là có hiệu quả, đã có căn cứ và các số liệu dẫn chứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường.
Đó là những mẫu số chung cần được khuyến khích và phổ biến để lấn át, loại trừ và cắt giảm những phương thức tuyển sinh gây nhiễu, ít hiệu quả, khó tiến hành.
Cũng bàn về việc ngày càng gia tăng phương thức tuyển sinh riêng của các trường đại học hiện nay, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest cho biết:
“Với tuyển sinh, các trường đã được giao tự chủ mấy năm gần đây. Trong các phương thức tuyển sinh của các trường, tôi thấy phương thức sử dụng kết quả của bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS có vẻ chưa được công bằng với học sinh miền núi hay dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào bức tranh tổng thể thì có thể thấy, các trường sử dụng phương thức này chủ yếu ở khối ngành kinh tế, họ đã xác định đầu ra khi đi làm của người học khối ngành này bắt buộc phải có kỹ năng ngoại ngữ. Vì thế, đầu vào cần tiêu chí ngoại ngữ mới có thể đảm bảo hiệu quả xuyên suốt trong chương trình được.
Còn các trường khối kỹ thuật thì gần như không áp phương thức xét tuyển có yêu cầu đầu vào tiếng Anh như vậy, chỉ là ưu tiên xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế mà thôi".
Cũng theo ông Minh, sử dụng phương thức xét tuyển có cộng điểm tiếng Anh IELTS chỉ mang tính thời điểm, các trường cũng cần chọn ra cách thức khác để phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của mình.
Thời gian gần đây, một số trường đại học đã thông báo về phương thức tuyển sinh năm 2023, trong đó có trường giảm phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia.
Xét về khía cạnh chuyên môn, ông Minh cho rằng, bài thi đánh giá năng lực đánh giá đúng năng lực của thí sinh hơn so với bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vậy nên, theo ông Minh, nếu 2 đại học quốc gia mở rộng ra được nhiều điểm thi thì việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực còn công tâm hơn rất nhiều so với các phương thức xét tuyển khác.
Ông Minh cũng cho rằng, ngành giáo dục không nên thống nhất một phương thức tuyển sinh bởi khi nền giáo dục ngày càng phát triển thì các trường đại học sẽ ngày càng có sự phân hóa và sàng lọc cao để tuyển chọn được những người học có năng lực thực sự phù hợp với ngành học.
Ví dụ như ngành công nghệ thông tin thì yếu tố quan trọng là tư duy logic nên không thể đánh giá thí sinh qua bài kiểm tra Toán được mà cần phải kiểm tra bằng một bài thi đánh giá năng lực riêng.
Mặt khác, theo ông Minh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn luôn có uy tín nhất định, gần như hầu hết các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tầm trung chủ yếu sử dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào điểm của kỳ thi này.
“Các trường sử dụng phương thức xét tuyển riêng chủ yếu nằm ở có 1 số trường đặc thù hoặc tốp đầu, họ nhận thấy rằng nếu chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ không chọn đúng được người học theo năng lực mà họ cần.
Trong đó, có điều tôi rất trăn trở là hiện nay các trường khối ngành cần phải có bài thi đánh giá năng lực riêng phù hợp với đặc thù của ngành nhưng hiện tại vẫn chưa có, dẫn đến bất cập trong đào tạo và đảm bảo đầu ra bởi điểm đầu vào của nhiều bạn cao nhưng năng lực lại không phù hợp với ngành này”, ông Minh nói.