“Tết trồng cây”: Đừng chỉ trồng mà cần nâng tầm ở khía cạnh văn hóa sinh thái

06/01/2023 06:39
PGS. TS Võ Văn Minh
GDVN- “Tết trồng cây” không chỉ chú trọng việc trồng mà cần nâng tầm ở khía cạnh văn hóa sinh thái, để cùng với khoa học và giáo dục kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn!

Tết cổ truyền dân tộc, chúng ta thường chúc nhau và chúc cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Năm 2021, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội, đây được xem là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá, nhìn nhận lại chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, tạo động lực để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng từ bao đời và mỗi thời có cách nhìn riêng, nhưng chung quy vẫn là mong sự yên bình và không nghèo khó…

Ảnh minh họa: nguồn Trường Mẫu giáo Mầm non A, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn Trường Mẫu giáo Mầm non A, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, đi kèm đó là thiên tai với nhiều tổn thất, đau thương. 2 năm qua cũng khép lại 2 thập niên đầu của thế kỉ XXI và ghi dấu hơn một thập niên của cách mạng công nghiệp 4.0. Loài người từng kì vọng về một tương lai tốt đẹp khi bắt đầu kỉ nguyên mới với mong đợi từ những thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng nếu nhìn một cách kĩ lưỡng thì bên cạnh những mặt nổi bật, sự phát triển cũng phủ lên “màu xám” đáng báo động trên quy mô toàn cầu và ở mỗi quốc gia.

Dịch bệnh COVID-19 cùng với các thảm họa thiên nhiên diễn ra trong những năm qua đã cho thấy có một dấu hiệu mất cân bằng đáng kể, và theo quy luật, mọi thứ đã xảy ra cũng là để thiết lập lại một trật tự mới, cân bằng mới.

Vận động của tự nhiên đã diễn ra từ muôn đời nay, và từ xưa ông bà chúng ta cũng đã nhận diện, dạy bảo con cháu sống thuận với thiên nhiên cũng như tôn trọng các quy luật của trời đất.

Trong thời kì cách mạng công nghiệp thứ nhất, Ph.Ăngghen cũng đã từng cảnh báo rằng: "Chúng ta hoàn toàn không thể thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là... nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác".

Xét về văn hóa của các cộng đồng người, từ trước đến nay phần lớn là tôn trọng thiên nhiên và thậm chí còn tôn thờ, sùng bái thiên nhiên. Thế nhưng trước các cuộc “cách mạng công nghiệp” con người quá tin vào sức mạnh của công nghệ - trí tuệ, cộng với lòng tham, tính ích kỉ, nên đã có lúc kiêu ngạo, phớt lờ tất cả; đã từng và hiện đang giữ tham vọng chinh phục, cải tạo và chống lại thiên nhiên. Và tất nhiên đã phải bị trả giá.

Để không phải trả giá đắt với những tổn thất, đau thương vì các thảm họa, chỉ có cách là loài người cần nhận thức đúng các quy luật vận động của tự nhiên và hành động ngay từ những việc nhỏ hằng ngày.

Bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ là cách hành xử đúng để gìn giữ sự hài hòa và phát triển bền vững. Thế nhưng, làm được điều đó cần xuất phát từ nền tảng văn hoá, chứ không phải chỉ dừng lại ở các thông điệp truyền thông.

Trong thực tế, các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị đã được thiết lập thành các khu bảo tồn với các tên gọi khác nhau. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, do nhận thức, do áp lực kinh tế,… nhiều nơi không giữ được, còn có nơi hệ sinh thái tự nhiên vẫn tiếp tục bị “gặm nhấm” từng ngày.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu quy định rõ: “Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa...là những di sản thiên nhiên. Di sản thiên nhiên là tài sản quốc gia và quốc tế được bao thế hệ ông cha để lại, giúp duy trì cân bằng sinh thái, để có đủ không khí, đủ nước, đủ thức ăn, dược liệu… phục vụ cuộc sống trực tiếp cũng như bảo vệ loài người.

Di sản thiên nhiên cùng với di sản văn hóa là những thứ tài sản vô giá, cần bảo vệ. Mặc dù đã được luật pháp quy định, nhưng để bảo vệ bền lâu vẫn cần “thẩm thấu” sâu trong tâm trí của mỗi con người và hình thành văn hóa sinh thái. Văn hóa xét cho cùng cũng là cách ứng xử của con người với tự nhiên và với nhau. Mỗi khi con người ứng xử hài hoà, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng các di sản, tôn trọng quyền con người và tôn trọng thế hệ tương lai, khi đó ắt có cuộc sống hạnh phúc, thái bình. Và có được sự tôn trọng đó, trước hết văn hóa – khoa học – giáo dục phải được tôn trọng và luôn gắn bó, đồng hành cùng nhau.

Tết ta là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Ngày Tết là thời khắc sum vầy, có ý nghĩa sâu sắc đối với giáo dục văn hóa truyền thống. Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện "Tết trồng cây" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bác là người gương mẫu thực hiện trước. Bác không quên căn dặn việc trồng cây: “… Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Ngày nay, chúng ta vẫn duy trì “Tết trồng cây” - được xem là một nét đẹp trong mỗi dịp mùa xuân về.

Như ý mở rộng quan điểm của Bác, nếu chỉ có trồng cây mà không có bảo vệ các di sản thiên nhiên đúng nghĩa, không kiến thiết xã hội dựa trên nền tảng văn hóa sinh thái đúng tầm thì khó lòng tiệm cận xã hội phồn vinh, hạnh phúc như kì vọng.

Di sản thiên nhiên là tài sản có giá trị lịch sử lâu đời, không phải do con người tạo ra, nhưng con người luôn đóng vai trò quyết định. Mỗi khi quyết định sai lầm thì không thể sửa và hậu quả cũng khó lường. Do đó, hơn bao giờ hết, “Tết trồng cây” không chỉ nên chú trọng trồng mà cần nâng tầm ở khía cạnh văn hóa sinh thái, để cùng với khoa học và giáo dục kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn!

PGS. TS Võ Văn Minh