Khi các trường đại học tự chủ tuyển sinh, việc tính đến phương án tổ chức những kỳ thi hoặc bài kiểm tra, đánh giá riêng sẽ được quan tâm nhiều hơn. Với kỳ thi đánh giá năng lực, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, để kỳ thi đạt hiệu quả cao nhất, ngành giáo dục cần thể hiện vai trò quản lý của mình bằng việc thẩm định chất lượng câu hỏi đề thi.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hữu Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu hướng nghiệp Hội nhập Quốc tế cho biết, việc một số đại học, trường đại học trong nước đang có xu hướng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để làm phương thức xét tuyển đại học là xu thế dần tiệm cận giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, đó là làm thế nào để đảm bảo được chất lượng của đề thi?
Chia sẻ chi tiết, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hữu Tiến, để kỳ thi đánh giá năng lực đạt hiệu quả thực chất, trước hết, khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có đơn vị giám sát, thẩm định chất lượng.
“Để đảm bảo chất lượng câu hỏi đề thi đánh giá năng lực, đòi hỏi phải có nguyên tắc tiếp cận tổng hợp, bao gồm những yếu tố liên kết với nhau, trong đó có yếu tố quản lý nhà nước thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và trách nhiệm của bản thân các trường đại học khi xây dựng đề.
Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, theo tôi hiểu, mỗi trường được phép xây dựng đề thi theo mục tiêu, yêu cầu để tuyển người học phù hợp với đặc thù trường. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đơn vị ra đề thi thường có tâm lý chủ quan, hay đôi khi đặt số lượng tuyển sinh lên đầu thay vì chất lượng, dẫn tới đề thi có thể quá dễ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hữu Tiến chia sẻ.
Tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ công tác tuyển sinh, trường đại học xây dựng đề, tiêu chí đánh giá nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Trường có đặc thù nào thì xây dựng đề thi tương ứng đặc thù ấy. Song, điều đó không có nghĩa là các trường xa rời cơ quan quản lý, chất lượng đề thi vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả kỳ thi.
“Để đảm chất lượng, thể hiện vai trò quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần là đơn vị thẩm định câu hỏi”, Phó Giáo sư Phạm Hữu Tiến chia sẻ.
Phó Giáo sư Phạm Hữu Tiến chỉ ra ưu điểm của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng vai trò thẩm định chất lượng đề thi:
Thứ nhất, Bộ sẽ đóng vai trò là bên thứ 3, thẩm định nội dung câu hỏi đề thi đánh giá năng lực có thuộc phạm vi ngành mà trường đào tạo hay không.
Thứ hai, kịp thời kiểm soát những câu hỏi mang tính chất nhạy cảm, đi ngược lại với chủ trương đường lối, văn hóa, phong tục dân tộc… hoặc gây tranh cãi do thang đánh giá không cụ thể.
Thứ ba, thông qua thẩm định, Bộ vừa tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo xây dựng, làm đầy ngân hàng đề thi đạt chuẩn chất lượng, không áp đặt, gây khó cho cơ sở giáo dục, vừa thể hiện vai trò quản lý nhà nước của mình trong giáo dục và đào tạo.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ở vai trò thẩm định chất lượng câu hỏi sẽ có thể hạn chế tình trạng các trường “bắt tay” nhau để “tuyển được” số lượng sinh viên thay vì “tuyển chất lượng” sinh viên. Bởi chúng ta không loại trừ trường hợp, tự chủ sẽ đặt ra áp lực việc phải có nhiều người học, vì vậy sẽ nảy sinh việc có trường đặt tiêu chí “tuyển được” sinh viên thay vì ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. Có thể dẫn tới việc hạ chuẩn chất lượng câu hỏi của đề thi để thí sinh làm bài một cách dễ dàng.
Mục đích cuối cùng của công tác tuyển sinh đó là tuyển được sinh viên phù hợp, đảm bảo chất lượng vào trường. Khi nhiều trường sử dụng điểm thi đánh giá năng lực thì đề thi cũng phải khách quan, công tâm, đặt tiêu chí “tuyển chất lượng” sinh viên lên hàng đầu. Bằng việc Bộ thẩm định đề thi kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phòng ngừa yếu tố lợi ích nhóm trong tuyển sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển năng lực người học.
"Khi thẩm định, Bộ cũng cần đảm bảo được thời gian, đội ngũ. Đặc biệt, quá trình thẩm định cũng cần siết chặt khâu quản lý để tránh tình trạng lộ đề thi", Phó Giáo sư Phạm Hữu Tiến nói.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Tuấn - Viện nghiên cứu hợp tác phát triển Giáo dục cho rằng: “Theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có nội dung chuyển từ dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực cho người học. Do đó, để dạy, phát triển năng lực thì trường phải đánh giá, phân loại năng lực người học. Vì thế, việc các trường đại học tiến tới tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực là đúng theo tinh thần Nghị quyết 29”.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Tuấn, các trường đại học khi tổ chức đánh giá năng lực như một phương thức tuyển sinh thì phải có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đề thi. Song, Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn cho rằng cần phải có con người, đơn vị đứng ra thẩm định bộ tiêu chí đánh giá năng lực, đề thi của trường đại học xây dựng.
Mỗi trường sẽ có một nhu cầu tuyển sinh đáp ứng đặc thù đào tạo riêng. Nếu tổ chức kỳ thi riêng, trường đại học phải có Hội đồng thẩm định đề thi đánh giá năng lực và cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải có vai trò quản lý, cử cán bộ, chuyên gia đến trường tham dự, theo dõi, đánh giá quy trình thẩm định của nhà trường có đúng hay không.
Theo Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn, cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xuống cơ sở trường đại học “có vai trò xem xét quy trình xây dựng bộ tiêu chí đề thi đánh giá năng lực có đúng hay không, quy trình thẩm định đề ra sao, những chuyên gia tham gia thẩm định có đủ trình độ, năng lực để thẩm định hay không, các ý kiến đóng góp có phù hợp hay không”- Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn chia sẻ.
Về cách thức thực hiện, cũng theo Phó Giáo sư Trần Đình Tuấn, thực hiện vai trò quản lý về đảm bảo chất lượng đề thi đánh giá năng lực của các trường đại học, Bộ có thể mời chuyên gia giáo dục thẩm định chéo giữa các trường, hoặc mời chuyên gia nước ngoài.