Chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến: "Lưu ý gì trong thi đánh giá năng lực - tư duy năm 2023?" diễn ra vào tối ngày 11/1, đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy đã có nhiều lưu ý tới thí sinh về việc ôn luyện.
Kỳ tuyển sinh 2023 dự kiến sẽ có nhiều trường đại học sử dụng chung kết quả bài thi đánh giá năng lực - tư duy để xét tuyển đầu vào. Đây cũng là xu hướng tuyển sinh sẽ ngày càng được ưu tiên. Cụ thể, năm 2022, nhiều đơn vị đã dành tới 40%-70% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này như: Đại học Bách Khoa Hà Nội dành tối đa 70% chỉ tiêu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội xét 40-70%, Trường Đại học Kinh tế-Luật xét 40-60% chỉ tiêu…
Tham gia luyện thi có tốt hay không?
Xuất phát từ nhu cầu của rất nhiều thí sinh đã xuất hiện trung tâm/lò luyện thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Chia sẻ tại buổi tư vấn, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm:
"Chúng tôi sẽ đánh giá năng lực của thí sinh thông qua hệ thống các câu hỏi theo đánh giá đa chiều, trực tiếp, gián tiếp, đánh giá tư duy, suy luận… Do đó, việc ôn luyện mang tính chất về kiến thức từ quá trình tích lũy, kiểu học gạo, học tủ sẽ không phù hợp với tính chất bài thi đánh giá năng lực.
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Thầy Thảo khuyên các thí sinh chú trọng việc học tốt, nắm vững các kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông - như vậy đã đủ điều kiện để tham gia làm bài thi đánh giá năng lực.
“Việc ôn luyện ở trung tâm sẽ không mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm chúng tôi thống kê được từ kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, các thí sinh đạt được điểm cao khi đối sánh với các kết quả thi khác hay chứng chỉ ngoại ngữ,... đều có mối tương quan rõ rệt”.
Phân tích thêm, theo Giáo sư Thảo, đề thi ở các trung tâm luyện thi chủ yếu dựa vào đề thi tham khảo hoặc tổng hợp từ đề thi của các đại học, vì vậy sẽ không thể đảm bảo về mặt kiến thức và độ bao quát của thi đánh giá năng lực. Trong khi đó, dự kiến năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội còn dự kiến sẽ dành hơn 10.000-12.000 câu hỏi để ra đề thi.
Do vậy, Giám đốc Trung tâm khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn đưa ra lời khuyên về việc ôn luyện thi đánh giá năng lực tại các trung tâm luyện thi:
“Theo quan điểm cá nhân tôi, việc tham gia các lớp hay nhóm luyện thi chủ yếu sẽ giúp bạn có nơi để tập trung học trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, với hi vọng đi ôn luyện mà không tập trung học thì sẽ không thể đạt được kết quả tốt!”.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Để có kết quả tốt khi thi bài thi đánh giá năng lực thì bản thân thí sinh phải có năng lực tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC |
Theo đó, thầy Chính cũng khuyến khích thí sinh tập trung vào việc học tập thực chất và có hiệu quả, dựa trên việc hiểu bản chất của vấn đề để phát triển nội dung, thay vì việc học và nhớ máy móc, học tập không có phương pháp hiệu quả.
“Để có năng lực tốt, chúng ta cần kết quả từ cách học trong một quãng thời gian dài chứ không phải trong một thời gian ngắn.
Kết quả thực sự của kỳ thi đánh giá năng lực trong những năm qua cho chúng tôi thấy rằng những thí sinh nào tiếp cận cách học khoa học, học có hệ thống, học phải hiểu bản chất của vấn đề thì sẽ đạt điểm cao. Đề thi sẽ bao phủ một lượng kiến thức vừa phải, nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng ra rất nhiều. Do đó, việc nhớ để đạt được điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực không phải cách làm tốt nhất”, ông nói.
Trả lời cho câu hỏi “Tham gia luyện thi có tốt hay không?”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính thẳng thắn bày tỏ: “Khi luyện thi chắc chắn có một phần nào đó giúp chúng ta tự tin hơn, có kĩ năng làm bài tốt hơn, và một phần nào đó giúp chúng ta có kết quả tốt hơn”.
Tuy nhiên, thầy Chính đặc biệt lưu ý với các thí sinh: Đối với luyện thi đánh giá năng lực, các thí sinh cần cẩn trọng vì nhiều trung tâm luyện thi của tổ chức, cá nhân dựa vào cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của các đại học, hoặc tự xây dựng đề thi cho thí sinh làm, do vậy tất cả đều là những đề thi chưa hề được thông qua kiểm chứng, do đó dễ dẫn đến các trường hợp như đề thi quá khó, đề quá dễ hoặc có sai sót.
“Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không có một trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào. Thí sinh lưu ý tất cả quảng cáo trên mạng do các tổ chức cá nhân thực hiện chứ không phải của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hay Đại học Quốc gia Hà Nội. Do đó, thí sinh khi sử dụng cần phải rất tỉnh táo, cách tốt nhất để đạt kết quả thi đánh giá năng lực cao là học một cách thực chất”, ông Chính nhấn mạnh.
Một số điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy của các trường
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BS |
Được biết, năm 2023 là năm thứ 6 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Chia sẻ tại buổi tư vấn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết, năm nay, cấu trúc đề thi vẫn giữ ổn định như các năm trước.
Một số điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay chính là việc mở rộng thêm 4 địa điểm thi, nâng tổng số điểm thi từ 17 điểm (năm 2022) lên thành 21 điểm thi (năm 2023). Các điểm thi trải dài từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bạc Liêu.
Năm nay, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 2 đợt thi, thí sinh được phép đăng kí tối đa 2 đợt. Ngày 1/2/2023, cổng đăng kí dự thi sẽ chính thức được mở.
Ngoài ra, Tiến sĩ Chính tiết lộ, 2 Đại học Quốc gia đã thống nhất công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để tuyển sinh.
Tương tự, chia sẻ về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo cho biết, năm nay cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên nhằm đảm bảo tương quan đồng đều đề thi giữa các năm.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 8 kỳ thi đánh giá năng lực, mỗi thí sinh được đăng kí tối đa 2 lần nhằm đảm bảo phục vụ đa số thí sinh dự thi.
Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BS |
Về kỳ thi đánh giá tư duy, chia sẻ tại buổi tư vấn, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, năm nay, kỳ thi sẽ được thực hiện trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm.
Đồng thời, cấu trúc và nội dung bài thi sẽ được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, giảm từ 270 phút xuống còn 150 phút. Cụ thể, bài thi gồm 3 nội dung thi: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Giải quyết vấn đề (60 phút).
Ông cũng cho biết thêm, nhà trường sẽ sớm công bố đề thi minh họa, sớm nhất vào thứ 6 tuần này (13/1) hoặc vào ngày thứ 2 (16/1) để các thí sinh có định hướng ôn luyện.