Liên quan đến sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển 2 nội dung sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định. Vụ việc này nhận được sự quan tâm của dư luận về tính chất, mức độ nghiêm trọng của những sai phạm.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, những sai phạm, thiếu sót trong giai đoạn 2014-2018 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam liên quan đến việc đấu thầu in ấn, phát hành sách giáo khoa, sách bài tập... Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Theo đó, sai phạm thứ nhất là về nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa cơ quan quản lý nhà nước với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thứ hai, về nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến. (Ảnh: Ngọc Thắng) |
Đây là hai vấn đề trước đó dư luận đã đề cập và từng đặt câu hỏi xung quanh những bất thường.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, về diễn biến vụ việc, trong thời gian tới cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, xem xét đánh giá thận trọng, khách quan theo trình tự pháp luật quy định. Đảm bảo việc xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm, góp phần thực hiện chủ trương chống tham nhũng của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
"Tôi tin rằng với tinh thần quyết tâm chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm cũng như tinh thần minh bạch, không “quản ngại” giải quyết các sai phạm, cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ và giải quyết sự việc này trên cơ sở Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018, trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra", Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhận định.
Bình luận về vụ việc, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay, đây là vụ việc có dấu hiệu lợi ích nhóm, cái lợi mang lại cho nhà xuất bản không nhỏ. Điều này có thể thấy từ những phản ánh của cử tri về việc sách tham khảo được nhiều nhà trường giới thiệu kèm sách giáo khoa cho học sinh mua.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: CB) |
"Việc kiến nghị chuyển 2 nội dung sang Bộ Công an để vào cuộc để kiểm tra, xử lý, thể hiện cơ quan Thanh tra Chính phủ xử lý vụ việc rất công tâm, quyết tâm đấu tranh đến cùng với các sai phạm", Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đối với vụ việc trên, cần có những thông tin chính thống được đăng tải công khai, khách quan về việc xử lý những người có sai phạm khi có kết quả điều tra.
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai với việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào việc in ấn, phát hành các bộ sách giáo khoa, đây là chủ trương đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở giai đoạn trước đó vừa mới được chỉ ra, vì vậy đối với sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ quan chức năng cần phải giám sát, quản lý chặt chẽ để ngăn chặn lợi ích nhóm có thể nảy sinh.
"Cơ quan thanh tra cần vào cuộc kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân, cần phải xử lý nghiêm khắc", Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tỉ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, điều này là đã làm giàu trên tiền của người dân. Vì vậy, việc thanh tra với các nhà xuất bản về khoản đầu tư, chi phí nằm trong những khoản nào và lợi ích của nhà xuất bản là bao nhiêu cần phải làm rõ ràng và công khai.
"Chúng ta phát hiện sai phạm tới đâu là phải xử lý đến nơi đến chốn...", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội cũng đánh giá vụ việc trên sẽ không được phơi bày, nếu Thanh tra Chính phủ không vào cuộc. Bởi vậy, ông Hòa đánh giá cao sự vào cuộc rất công tâm, khách quan của cơ quan thanh tra.
"Chúng ta cần có sự chấn chỉnh từ khâu biên soạn, tác giả... và phải tính được chi phí cho một bộ sách giáo khoa đó là bao nhiêu. Quốc hội đang thảo luận việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, và sẽ xem xét để thông qua việc này.
Giá sách giáo khoa được Nhà nước quản lý là điều rất cần thiết, bởi không thể có chuyện mỗi năm học lại có loại sách khan hiếm, hay mỗi bộ sách lại có giá chênh lệch", ông Hòa nhấn mạnh.