ĐBQH: Vi phạm của NXBGDVN làm tổn thương đến niềm tin của nhân dân

06/01/2023 06:56
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐBQH, thiệt hại về kinh tế trong vụ việc NXBGDVN có thể rà soát, đo đếm được nhưng sự tổn thương niềm tin của người dân thì không.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, trong đó có nêu những hạn chế, thiếu sót, vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những vi phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018, được nêu trong kết luận về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in; có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập; hạch toán giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sai sót dẫn đến phụ huynh, học sinh phải mua sách với giá cao...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương đã có những phân tích xoay quanh vụ việc trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: quochoi.vn)

Phóng viên: Những vi phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cũng như dấu hiệu "lợi ích nhóm" với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được nêu trong kết luận thanh tra, bà có nhận xét như nào về nội dung vụ việc này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Thực tế từ trước đến nay, dư luận cũng đã đặt rất nhiều câu hỏi về việc liệu có lợi ích nhóm giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không, khi việc in ấn sách giáo khoa được thiết kế chỗ trống để học sinh viết vào sách và chỉ dùng được một lần, rồi bỏ rất lãng phí.

Bên cạnh đó, việc xuất bản sách bài tập tràn lan nhưng lại được bán kèm sách giáo khoa như là một phần của loại sách này đã khiến dư luận rất bức xúc.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc trên, là câu trả lời khách quan nhưng dư luận cũng không quá ngạc nhiên, bởi người dân đã đặt câu hỏi từ lâu.

Đối với cá nhân tôi, tôi cảm thấy rất thất vọng, bởi vì đây là vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, tôi có tiếp xúc với phụ huynh, giáo viên, họ cảm thấy rất thất vọng và đau xót.

Phóng viên: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chiết khấu 25% trên hóa đơn bán hàng cho việc phát hành sách giáo khoa khiến đẩy giá sách lên cao và phụ huynh, học sinh là người gánh chịu hậu quả, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việc chiết khấu cao, khiến phụ huynh học sinh là những người phải trả tiền. Đây là việc rất phi lý, trong khi chúng ta đang tiến đến phổ cập toàn bộ đối với giáo dục phổ thông, và chúng ta xác định giáo dục là cốt lõi phát triển xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản cho người học như vậy. Tôi thấy đó là một điều bất cập, vì vậy việc quản lý giá sách giáo khoa cần phải làm ngay.

Ngoài ra, chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của dư luận, trong đó có ý kiến trực tiếp của giáo viên, phụ huynh, học sinh, và cũng những nhà nghiên cứu giáo dục, quản lý giáo dục. Từ đó có sự rà soát sớm khắc phục ngay những bất cập, để chúng ta triển khai được tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Trong vụ việc trên, nếu tính riêng thiệt hại do 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình học sinh và xã hội lên tới gần 2.400 tỷ đồng, hay gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa (giai đoạn 2014-2018) với giá cao hơn là 85 tỷ đồng. Vụ việc được nêu ra khi ngành giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều này có ảnh hưởng như nào đến việc thực hiện các mục tiêu của ngành, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tổng thiệt hại kinh tế được Thanh tra Chính phủ tạm tính là rất lớn. Nó làm tổn thương đến niềm tin của nhân dân.

Thiệt hại về kinh tế có thể rà soát, đo đếm được nhưng sự tổn thương niềm tin của người dân khó đong đếm được. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến những mục tiêu chúng ta đang thực hiện, ví như đổi mới chương trình sách giáo khoa, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo...

Những người vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ mất một khoảng thời gian rất dài để lấy lại niềm tin của người dân, dù hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất nỗ lực thực hiện các mục tiêu.

Phóng viên: Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giá sách giáo khoa cũng là vấn đề được dư luận quan tâm, vậy chúng ta cần sớm đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Cũng không phải đợi đến khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thì chúng ta mới đặt ra vấn đề đưa danh mục sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được quản lý giá của Bộ Tài chính. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề này tiếp tục được đặt ra. Tôi cho rằng chúng ta nên làm việc này sớm để có sự minh bạch, rõ ràng.

Sách giáo khoa là mặt hàng rất đặc biệt, tác động lên toàn xã hội, chúng ta có thể thấy sự việc vừa qua được kết luận sai phạm rất nghiêm trọng, nên chúng ta cần phải rà soát kĩ lưỡng và có hình thức quản lý sách giáo khoa, đảm bảo công bằng, minh bạch, quyền lợi tốt nhất cho người học.

Phóng viên: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều đơn vị sản xuất. Việc biên soạn, thẩm định cần chú trọng vấn đề nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa do các tổ chức biên soạn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, điều này đã phá vỡ được thế độc quyền in ấn, phát hành sách giáo khoa.

Tuy nhiên, theo tôi khâu thẩm định sách giáo khoa để có chất lượng tốt nhất, thì phải có Hội đồng thẩm định đủ tâm và đủ tầm.

Bên cạnh đó, về vấn đề giá sách giáo khoa, in ấn, phát hành sách phải được quản lý chặt chẽ.

Ngoài ra, việc cung ứng sách giáo khoa đến đầy đủ cho học sinh hay không, đây cũng là một vấn đề. Bởi lẽ, vừa qua có những cuốn sách được đưa đến tay người học rất chậm trễ, gây bị động cho cả giáo viên và học sinh, điều này chúng ta cần lưu ý.

Trân trọng cảm ơn bà!

Mạnh Đoàn