Đạt học bổng 10.000 bảng nhờ nghiên cứu dạy tiếng Anh cho trẻ rối loạn tâm thần

01/02/2023 06:48
Hoài Linh
GDVN- Với nghiên cứu dạy tiếng Anh cho trẻ rối loạn tâm thần, Nhã Uyên (Hà Nội) xuất sắc trở thành 1 trong 3 người Việt giành học bổng GREAT của Hội đồng Anh.

Hành trình từ thủ khoa đầu vào đến cử nhân xuất sắc

Nguyễn Nhã Uyên là thủ khoa đầu vào khóa 51 hệ chất lượng cao của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Về hành trình trở thành thủ khoa của bản thân, Uyên kể lại: “Khóa của em nếu muốn theo học hệ chất lượng cao, sinh viên phải tham gia một vòng thi sau khi đã trúng tuyển vào trường. Em rất bất ngờ khi có điểm số cao nhất ở vòng thi đầu vào hệ chất lượng cao thời điểm đó.

Ban đầu em cảm thấy áp lực vì biết hệ đào tạo này có tỉ lệ chọi cao, chưa kể còn có nhiều bạn từng là học sinh trường chuyên, từng đạt giải học sinh giỏi ngoại ngữ cấp quốc gia cũng tham gia thi vào hệ này. Thế nên khi biết mình là thủ khoa đầu vào của lớp, xen lẫn vui mừng, em tự nhủ phải giữ vững phong độ để đạt kết quả thật tốt khi ra trường”.

Nhã Uyên không chỉ giành thành tích cao trong học tập mà còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhã Uyên không chỉ giành thành tích cao trong học tập mà còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Nhã Uyên đã liên tục cố gắng, chăm chỉ học tập. Không phụ công miệt mài đèn sách, nữ sinh xuất sắc tốt nghiệp đại học với số điểm GPA là 3.87/4. Điểm số này đã giúp Nhã Uyên nằm trong top 4 những sinh viên có kết quả đầu ra cao nhất toàn khóa.

Trong suốt 4 năm đại học, không chỉ là một sinh viên có thành tích cao trong học tập, Uyên còn là một đoàn viên năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Nữ sinh dành nhiều thời gian để tham gia các sự kiện như: Diễn đàn ASEAN Rotaract 2020, Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (Hội nghị giả lập những phiên họp cấp cao của các Hội đồng trực thuộc Liên Hợp Quốc), các Hội nghị thượng đỉnh mô phỏng khác…

Bên cạnh đó, Nhã Uyên còn là thành viên mẫn cán trong ban tổ chức của nhiều chương trình, sự kiện cấp khoa, cấp trường... Uyên cho biết: “Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa đã giúp em được thử thách và rèn luyện bản thân, cải thiện kỹ năng mềm và làm quen với những người bạn mới, cũng như học cách xây dựng những chương trình với đa dạng quy mô”.

Không những thế, Uyên còn đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, là chủ nhân của nhiều bài báo quốc tế. Đồng thời, Uyên cũng là một sinh viên tiêu biểu từng được nhận giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Uyên trở thành giáo viên tiếng Anh của một trường phổ thông liên cấp chuẩn quốc tế, đây cũng là ngôi trường mà em theo học từ cấp 3. Việc đứng trên bục giảng đã giúp Uyên có sự rèn luyện tốt hơn, hiểu hơn về công việc của một nhà giáo. Đồng thời cũng hiểu được những kỳ vọng và mong muốn của học sinh đối với mình.

Trong quá trình làm việc, Nhã Uyên cũng rèn luyện được tính kỷ luật và học cách làm việc khoa học. Không chỉ đi làm để kiếm thu nhập, Uyên còn chịu khó quan sát, tiếp cận và tự học hỏi thêm, so sánh về xu hướng giáo dục trong nước và sự phát triển giáo dục của các nước tiên tiến.

Uyên cho biết: “Học sinh ngày càng giỏi giang, các em đa tài và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải có năng lực cao cũng như thường xuyên cập nhật những kiến thức mới. Vì vậy, sau một thời gian dạy học, em quyết định sẽ ra nước ngoài học Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục của Đại học London, một trong những ngôi trường có tuổi đời lâu và uy tín nhất nước Anh”.

Trở thành một trong 3 người Việt giành học bổng GREAT năm 2022

Khi còn là sinh viên, Nhã Uyên đã có nghiên cứu khoa học về dạy tiếng Anh cho trẻ rối loạn tâm thần. “Đề tài này xuất phát từ câu chuyện của bản thân. Lúc đó em là sinh viên năm nhất và may mắn được nhận làm trợ giảng tại Hội đồng Anh để tích lũy kinh nghiệm. Tình cờ trong lớp học đó có một bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ, cậu bé không bao giờ nói chuyện với các bạn khác và thường hay ngồi làm việc riêng.

Thế nhưng sau một lần được em giúp đỡ, cậu bé ấy đột nhiên nói “thank you” (cảm ơn). Giây phút đó, em nghĩ rằng không phải cậu bé đó không tiếp thu được kiến thức mà do cậu ấy chưa thực sự muốn giao tiếp với người khác. Sau lần đó, cậu bé này đã cởi mở và tương tác với em nhiều hơn. Và em đã phát hiện ra rằng, cậu bé có thể học và ghi nhớ từ mới rất tốt.

Cũng từ câu chuyện ấy, em đã nuôi suy nghĩ phải làm điều gì đó để thay đổi cái nhìn của mọi người về trẻ tự kỷ và tạo cơ hội để các em được học tập bình đẳng như các bạn cùng trang lứa”.

Với mục tiêu ấy, Uyên đã gần gũi và cố gắng giao tiếp với nhóm học sinh bị rối loạn tâm thần để tìm ra phương pháp giảng dạy hợp lý nhất dành cho nhóm trẻ này. Sau giờ học, cô bạn dành thời gian trò chuyện với các bậc phụ huynh và tìm gặp bác sĩ tâm lý của từng học sinh để hiểu hơn về tính cách của các em.

“Trẻ tự kỷ hoặc tăng động thường bị mặc định là học tiếng Việt còn khó nữa là học tiếng Anh. Vì thế, các em thường ít được quan tâm đến khả năng phát triển ngoại ngữ. Thế nhưng nếu được động viên, khích lệ và được giáo dục trong môi trường hòa nhập, các em hoàn toàn có thể học được tiếng Anh, thậm chí một số bạn còn có thể học tốt hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa”, Uyên chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, khi vừa học trên lớp, vừa đi làm thêm, Nhã Uyên thường thức đến 4h sáng để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Thế nhưng cô vẫn luôn kiên trì, bền bỉ, cố gắng hoàn thành nghiên cứu. “Em may mắn nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy nhiệt tình của các giảng viên. Mỗi khi nản lòng, em lại tự động viên bản thân, tự nhủ nghiên cứu này sẽ góp một phần nhỏ bé cho cộng đồng và đặc biệt là cho trẻ tự kỷ. Cứ nghĩ như vậy, em dần hoàn thiện báo cáo khoa học”.

Nhã Uyên trở thành chủ nhân của học bổng GREAT do Hội đồng Anh kết hợp với chiến dịch GREAT Britain và các trường đại học Vương quốc Anh trao tặng năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhã Uyên trở thành chủ nhân của học bổng GREAT do Hội đồng Anh kết hợp với chiến dịch GREAT Britain và các trường đại học Vương quốc Anh trao tặng năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghiên cứu khoa học “Dạy tiếng Anh cho trẻ rối loạn tâm thần” đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, được công bố trong hội thảo quốc tế về đa dạng và hòa nhập trong dạy ngoại ngữ do các trường Đại học Monash (Úc), Đại học York (Canada), Đại học Thammasat (Thái Lan) tổ chức. Nghiên cứu cũng góp một phần không nhỏ giúp Nhã Uyên giành suất học bổng GREAT trị giá 10.000 bảng Anh, cho một năm học tại Anh.

Chia sẻ về học bổng của bản thân, Nhã Uyên cho biết: “Em đã biết đến GREAT từ trước đó, nhưng chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội chạm tay tới học bổng này. Ban đầu em chưa thực sự quyết định đi du học hay ở lại Việt Nam làm công việc giáo viên mà bản thân yêu thích. Bởi em có quan điểm, nếu muốn đi du học, điều đầu tiên cần làm là phải xác định rõ ràng bản thân muốn trau dồi điều gì và mục đích của việc đi du học là gì. Vì vậy, khi mới ra trường, chưa xác định được mục tiêu của bản thân, em không lựa chọn đi du học ngay.

Sau một năm gắn bó với công việc giáo viên, Nhã Uyên quyết định nộp hồ sơ xin học bổng. “Vì trước đó có chút không tự tin vào bản thân nên em đắn đo mãi việc có nên xin học bổng hay không. Bởi thế, em chỉ có 2 tháng để chuẩn bị các giấy tờ và nộp trước hạn 3 ngày. Giá như bản thân dũng cảm và đưa ra quyết định sớm hơn thì hồ sơ của em đã đẹp hơn”.

Gửi lời khuyên đến những bạn đang nuôi ước mơ đi du học, Nhã Uyên cho biết: “Việc nhận được học bổng không hoàn toàn dựa vào thành tích học tập khủng mà còn dựa trên cả những gì bạn đã làm được cho xã hội, cũng như tầm nhìn, hướng đi của bạn trong tương lai. Tất cả những điều này nên được đề cập trong bài luận xin học bổng. Và bên cạnh đó, nếu quyết tâm giành học bổng, cần phải dũng cảm và tin vào bản thân. Đừng chần chờ, e sợ vì nếu cứ sợ hãi, bạn có thể đánh mất cơ hội của chính mình”.

Hoài Linh