Rời quê lên Hà Nội sinh sống và học tập đến nay đã được hơn 2 tháng, nhưng nữ sinh Trịnh Thị Thanh Huyền (19 tuổi, quê ở Hà Nam) vẫn chưa quen môi trường ồn ào, náo nhiệt ở thành phố lớn. Việc thuê nhà, ăn uống, đi lại bằng xe buýt được cô gái gói ghém vỏn vẹn trong mức chi tiêu khoảng hai triệu đồng/tháng.
Đây là số tiền mà Huyền đã dành dụm được từ việc đi làm thuê trong nửa năm trời, để nuôi giấc mơ đại học. Vất vả vừa làm, vừa ôn luyện nhưng Huyền vẫn đỗ đại học với số điểm 28,05 khối A00 (chưa tính điểm cộng), cô xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của ngành Kế toán, Học viện Ngân hàng.
Ít ai biết được rằng, nữ thủ khoa đó từng hai lần giành giải trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, bởi nhà nghèo không có tiền đóng học nên cô phải tạm gác cánh cửa đại học để đi làm kiếm tiền một năm, rồi lựa chọn năm sau thi lại.
Đã có lúc, cánh cửa đại học như khép lại
Khoảng hai năm trước, bố qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, dưới căn nhà cấp bốn lụp xụp mới được lợp lại mái tôn, chỉ còn 3 mẹ con. Dịch Covid-19 bùng phát, trụ cột của gia đình là mẹ Huyền nhưng công việc không ổn định càng khiến gia đình thêm khó khăn.
Tốt nghiệp phổ thông, Trịnh Thị Thanh Huyền thi đỗ đại học ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, khi cầm trên tay tờ thông báo trúng tuyển cùng các khoản phí phải đóng lên đến 10 triệu đồng, em lo nhiều hơn là mừng.
"Mẹ tâm sự với em là mức học phí cao quá, mẹ không lo được. Mất khoảng nửa tháng để em lấy lại sự cân bằng và bình tĩnh", Huyền nói.
Nửa tháng trời đó là sự đắn đo, chờ đợi rồi nuối tiếc khi con đường đến trường như đã khép lại, Huyền đã khóc rất nhiều, để rồi cô bắt buộc phải đưa ra một quyết định mới cho hoàn cảnh hiện tại.
Huyền quyết định đi làm thêm, phụ việc may tại một xưởng ở gần nhà với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, để tích lũy tiền cho năm sau thi lại đại học.
Nữ sinh Trịnh Thị Thanh Huyền hiện đang là sinh viên năm nhất của Học viện Ngân hàng. Để đến được giảng đường đại học, cô đã phải tự lực vượt qua khó khăn về hoàn cảnh. (Ảnh: NVCC) |
Những ngày tăng ca đêm, đôi mắt của cô như trùng xuống, đôi tay nhỏ bé phải bưng bê đồ cũng khiến cô rã rời nhưng nghĩ đến tương lai, cô gái có vóc dáng bé nhỏ lại gắng vượt qua. Lúc đó, cô càng nhận thấy rằng chỉ có con đường học tập mới giúp bản thân thoát khỏi nghèo khó.
"Em cũng từng nghĩ đến việc đi làm ở công ty xa nhà chút để có thêm thu nhập, nhưng vì trong nhà có mỗi chiếc xe máy để cho mẹ đi lại, nên đã từ bỏ ý định này", Huyền nhớ lại.
Gắn bó với công việc phụ may được khoảng nửa năm, Huyền quyết định xin nghỉ để ở nhà ôn luyện thi lại đại học. Lúc ấy, cô đã dành dụm được khoảng 10 triệu đồng cho tương lai, đổi lại, cô đã bị sút đi mấy cân, đôi mắt cũng thâm quầng do tăng ca đêm.
Thay đổi về việc chọn ngành học
Trong khoảng thời gian ở nhà ôn luyện thi đại học, Huyền đã tìm hiểu kĩ càng về ngành học và nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành Quản trị kinh doanh, cô đã chọn ngành Kế toán tại Học viện Ngân hàng.
"Mức học phí ở đây cũng tương đối phù hợp với hoàn cảnh gia đình, cũng như với bản thân em", Huyền chia sẻ.
Trịnh Thị Huyền cũng chia sẻ rằng, bản thân cô từng mong muốn thi vào trường quân đội, công an nhưng có những yêu cầu riêng về yếu tố về ngoại hình, điểm đầu vào cao... nên cô không lựa chọn các nguyện vọng theo khối ngành an ninh, quân đội nữa.
Trịnh Thị Thanh Huyền dự tính thời gian tới sẽ đi làm thêm gia sư để có kinh phí trang trải sinh hoạt, học tập. (Ảnh: NVCC) |
Trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng với số điểm 28,05, Trịnh Thị Thanh Huyền đã trở thành thủ khoa của ngành Kế toán. Cô đã dùng số tiền tích lũy 10 triệu đồng để đóng 4 triệu đồng học phí, số còn lại để trang trải cho sinh hoạt.
"Em ở cùng các bạn nên tiền trọ hết một triệu đồng/tháng, vé xe buýt 100 nghìn đồng/tháng, còn khoảng 1 triệu đồng tiền mua thức ăn... Em dự tính sắp tới sẽ đi làm thêm gia sư để kiếm thêm thu nhập trang trải các chi phí", Huyền giãi bày.
Bên cạnh việc đi làm thêm, Huyền cũng đặt mục tiêu giành học bổng trong quá trình học tập, để tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Hướng đến tương lai xa hơn, cô mong muốn có một công việc ổn định để sau này có thể tự nuôi sống bản thân và có khoản tiết kiệm cho mẹ.
Chia sẻ thêm về cô con gái lớn, bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ Huyền) cho biết, chồng mất khiến gia đình càng trở nên khó khăn, bản thân bà rất đau lòng khi phải để con dang dở con đường học hành.
Có những hôm thấy con gái đi làm tăng ca đêm về, với nét mặt mệt mỏi, Huyền bật khóc xin đi học lại, là mẹ, bà thương con và suy nghĩ nhiều vô cùng.
Thấy con gái có ý chí quyết tâm theo học bằng được để thoát nghèo, và đạt được số điểm cao trong kì thi năm 2022 vừa qua, bà nhận thấy rằng, chỉ có con đường học hành mới giúp con thoát được cái nghèo. Bởi vậy, bà quyết định sẽ cố gắng chạy vạy lo cho con ăn học.
"Dưới Huyền còn một em trai năm nay cũng học cuối cấp ba, kinh tế của gia đình không khá giả nhưng tôi sẽ cố gắng vay mượn để cho các con học hành đến nơi đến chốn, bằng bạn, bằng bè, để chúng không phải nuối tiếc hay sau này trách mẹ", bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.
Còn với Huyền, qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng như con đường học tập đã khép lại nhưng em vẫn kiên trì cố gắng với ước mơ của mình. Chặng đường phía trước cần thêm bản lĩnh, sự cố gắng và chăm chỉ hơn nữa, bởi qua những tháng ngày lao động vất vả, hơn ai hết, Huyền chính là người hiểu được rằng: Cần có tri thức để bắt đầu những công việc tốt hơn cho mình.