ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Ngân sách chi cho giáo dục cần được tính toán lại

25/01/2023 06:42
Anh Trang
GDVN-ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Đổi mới toàn diện ngành giáo dục nhưng cách giao kinh phí cho ngành giáo dục vẫn là cách tính cũ.

Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai năm thứ 3 ở cấp tiểu học; năm thứ 2 ở cấp trung học cơ sở và năm đầu tiên ở cấp trung học phổ thông. Chương trình mới bước đầu đã thể hiện được những tiến bộ tuy nhiên trong quá trình các trường thực hiện cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Bàn về vấn đề này, nhân dịp đầu Xuân Qúy Mão, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Nguồn: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Nguồn: Quochoi.vn

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, trải qua hơn hai năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đại biểu có thể chia sẻ những ấn tượng mà Chương trình đã đạt được?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học/hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất, năng lực học sinh.

Việc xây dựng chương trình này là chủ trương đúng đắn, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, thực hiện xây dựng và hoàn thiện chương trình cũng nhận được sự vào cuộc hết sức tích cực từ các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và được sự đồng tình ủng hộ cao của tầng lớp nhân dân, của ngành giáo dục.

Sau hơn 2 năm triển khai, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Thầy cô cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học đã phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các bậc học, bên cạnh thuận lợi chúng ta cũng gặp không ít khó khăn.

Phóng viên: Từ thực tế đi giám sát, Đại biểu cảm nhận như thế nào về những khó khăn ngành giáo dục đã và đang phải đối mặt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Dù chương trình bộc lộ được tính ưu việt nhưng vẫn nảy sinh một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong công tác biên soạn và phát hành sách giáo khoa.

Trong công tác biên soạn, một số quyển sách giáo khoa vẫn có những sai sót, một số kiến thức chưa phù hợp.

Theo phản ánh của giáo viên, phụ huynh và học sinh thì khâu phát hành sách còn chậm. Thậm chí, dù đã bước vào năm học nhưng một số quyển sách tại nhiều địa phương vẫn chưa có bản cứng mà giáo viên phải dạy bằng bản mềm.

Chưa kể, có những địa phương đến nay chưa có Tài liệu Giáo dục địa phương. Với bộ môn này, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao các tỉnh/thành phố xây dựng đề cương chương trình, Bộ sẽ là đơn vị thẩm định và tổ chức in ấn, phát hành như các bộ sách giáo khoa khác.

Là môn học mới, cả giáo viên và học sinh đều lần đầu tiếp cận nên việc phát hành sách chậm khiến giáo viên bị động trong việc triển khai hướng dẫn, giảng dạy học sinh.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn cao.

Trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có nêu “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Bộ chưa làm được và xin không làm nữa.

Ngoài những vấn đề liên quan đến việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, thì còn khó khăn về điều kiện tổ chức chương trình mới tại các nhà trường.

Phóng viên: Theo Đại biểu, khó khăn cụ thể ở đây bao gồm những gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học mới như các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý, hoạt động mới như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Chúng ta thực hiện các môn học này khi các trường sư phạm chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên. Việc chưa có giáo viên chuyên môn mà đã triển khai giảng dạy gây rất nhiều bất cập cho nhà trường.

Để khắc phục, với môn tích hợp, có trường bố trí 2-3 thầy cô cùng dạy một bộ môn, xếp lịch học nối tiếp dẫn tới tình trạng có những tuần lịch dạy dày nhưng cũng có khoảng thời gian không được xếp lịch dạy. Còn học sinh thì không được bổ sung kiến thức liên tục dễ dàng quên kiến thức. Các trường thì khó trong việc sắp xếp thời khóa biểu, có trường mỗi tuần thay một thời khóa biểu khác nhau.

Ngoài ra, một số giáo viên đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng tích hợp rồi về giảng dạy. Tuy nhiên, giáo viên học 4 năm đại học ra dạy được 1 môn, giờ cho giáo viên đi học vài tháng thì chất lượng và kiến thức khó mà đảm bảo được để dạy tất cả các phân môn trong môn tích hợp.

Chưa kể, cơ sở vật chất của các trường học đa phần chưa phù hợp và chưa đáp ứng được để triển khai chương trình mới.

Cụ thể, chương trình có hoạt động giáo dục bắt buộc mới là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Khác với việc học lý thuyết trên lớp, hoạt động này yêu cầu tổ chức nhiều trải nghiệm bên ngoài để giáo dục học sinh. Tuy nhiên, không phải cơ sở vật chất hay kết cấu hạ tầng của trường học nào cũng đáp ứng được. Nhiều trường thiếu sân chơi, không gian phù hợp khó để tổ chức các hoạt động bên ngoài.

Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích tăng cường hoạt động nhóm trong lớp học. Nhưng do diện tích lớp nhỏ và có lớp học quá tải sĩ số ở các đô thị lớn nên khó tổ chức.

Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trên là do công tác chuẩn bị và công tác dự báo làm chưa tốt, điều kiện không đáp ứng đủ nhưng đã thực hiện chương trình.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, Đại biểu có kiến nghị hay kỳ vọng gì cho ngành giáo dục nói chung và việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Nước ta đang thực hiện đổi mới toàn diện ngành giáo dục nhưng cách giao kinh phí cho ngành giáo dục vẫn là cách tính cũ. Lương và đãi ngộ giáo viên chưa có sự thay đổi trong khi khối lượng công việc của thầy cô nhiều hơn.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay đổi sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, thầy cô phải tham gia tập huấn, bồi dưỡng, tự học hỏi, tìm tòi, trau dồi tri thức để có những tiết dạy hiệu quả nhất cho học sinh. Thậm chí, các giáo viên đơn môn còn phải đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp, áp lực rất nhiều. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng giáo viên nghỉ việc ngày càng tăng, không chỉ là giáo viên phổ thông mà còn là giáo viên mầm non, cô nuôi.

Vì vậy, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, tôi kiến nghị:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có thống kê chi tiết, tỉ mỉ để có đề xuất, tham mưu về nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho giáo dục hàng năm. Trong nội dung thống kê cần dự báo được các khó khăn mới sẽ nảy sinh, tránh tình trạng khó khăn xuất hiện mới tìm giải pháp khắc phục. Công tác dự liệu rất quan trọng, trong giáo dục đào tạo nếu không giải quyết được khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dạy, người học và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Thứ hai, Bộ nên đề xuất nhiều giải pháp, quan tâm đến biên chế ngành giáo dục. Với lĩnh vực đặc thù này, không được giảm biên chế cơ học như các lĩnh vực khác, tránh tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.

Thứ ba, có chính sách thu hút, cải thiện lương và đãi ngộ giáo viên. Mặc dù, trước đó đã có thông tư đào tạo giáo viên theo hình thức đặt hàng từ các địa phương nhưng việc triển khai đặt hàng còn chậm, nhiều địa phương không thực hiện. Vì vậy, cần rà soát để tìm cách tháo gỡ.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu.

Anh Trang