Năm 2022, Hòa Bình ban hành những chính sách nổi bật nào cho giáo dục?

20/01/2023 06:46
Mạnh Đoàn
GDVN- Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình đã triển khai những chính sách nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. 

Các khoản thu dịch vụ được quy định chung

Tháng 7/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Nghị quyết 164 phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, khoản thu dịch vụ được phụ huynh quan tâm là Dịch vụ hỗ trợ duy tu bảo dưỡng hỗ trợ cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị, được Hội đồng nhân dân tỉnh quy định không vượt quá 60.000 đồng/năm/học sinh.

Đối với dịch vụ hỗ trợ trả tiền điện không vượt quá 5.000 đồng/tháng/học sinh (theo hoá đơn thực tế).

Dịch vụ hỗ trợ tiền nước uống cho học sinh không vượt quá 7.000 đồng/tháng/sinh.

Dịch vụ hỗ trợ trả tiền vệ sinh môi trường, lao công phục vụ công tác vệ sinh không quá 20.000 đồng/học sinh/tháng.

Các dịch vụ được thu đối với cấp tiểu học kể từ năm học 2022-2023. (Ảnh cắt màn hình)
Các dịch vụ được thu đối với cấp tiểu học kể từ năm học 2022-2023. (Ảnh cắt màn hình)

Các khoản thu trên được áp dụng chung cho cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ngoài ra, đối với khối trung học cơ sở và trung học phổ thông, có thêm khoản thu dịch vụ hỗ trợ thu tiền tổ chức kiểm tra đánh chất lượng, các kỳ thi trong năm học bao gồm: ra đề, sao in... (10.500 đồng/tháng đối với học sinh trung học cơ sở, 18.000 đồng/tháng/học sinh trung học phổ thông); Dịch vụ phục vụ trông giữ phương tiện đối với xe đạp...

Đối với khối mầm non và tiểu học có chung dịch vụ hỗ trợ trả tiền cô nuôi bán trú (từ 128.000 -178.000 đồng/tháng/học sinh dựa trên số lượng trong lớp)...

Đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 với người học ở địa phương

Ngày 14/3, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2414 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Theo nội dung văn bản số 2414, tỉnh Hòa Bình nêu một số khó khăn và vướng mắc khi triển khai Nghị định số 116. Đồng thời, tỉnh này cũng chưa triển khai Nghị định 116 trong năm học 2021-2022.

Cụ thể, văn bản đã nêu khó khăn về việc địa phương thực hiện tuyển dụng viên chức giáo viên theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, nhưng trong Nghị định này không quy định cụ thể ưu tiên cho đối tượng giáo viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

"Do vậy, tỉnh Hòa Bình không đảm bảo cơ sở cho việc tuyển dụng được số sinh viên do tỉnh đăng ký đào tạo theo Nghị định 16", trích văn bản.

Nội dung văn bản cũng nêu, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đều tổ chức tuyển dụng viên chức bổ sung số biên chế còn thiếu, vì vậy cũng khó xác định được nhu cầu giáo viên.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra khó khăn khi thực hiện Nghị định 116, bởi tại khoản 1, Điều 6 quy định về Bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và tại khoản 6, Điều 9 quy định về Thu hồi kinh phí bồi hoàn là không có tính khả thi.

Dựa trên những khó khăn đã nêu đối với năm học 2021-2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình chưa đăng ký đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116.

Liên quan đến nội dung trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã hành văn bản số 1917 về việc tuyển sinh ngành cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non đối với Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình năm 2022.

Theo đó, hình thức đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ là với sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hoà Bình theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Năm học 2022-2023, trường cao đẳng sư phạm Hòa Bình bắt đầu triển khai nội dung trên.

Biên soạn nội dung chương trình môn học tiếng Mường

Tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành Quyết định số 693/QĐ-SGD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường (chương trình thực nghiệm) thuộc phạm vi Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Chương trình Giáo dục phổ thông môn tiếng Mường bao gồm chương trình tiếng Mường cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường được xây dựng theo hai bậc: bậc A và B; trong đó bậc A chia ra trình độ A1 và A2; bậc B chỉ có 1 trình độ (trình độ B). Ba trình độ này được ứng với 3 cấp học.

Nội dung chương trình tiêng Mường. (Ảnh: chụp màn hình)

Nội dung chương trình tiêng Mường. (Ảnh: chụp màn hình)

Nội dung chính của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Mường, các nét văn hóa của dân tộc Mường đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai bậc.

Ở bậc A, chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Mường được đưa vào trong quá trình dạy học đọc, viết, nói, nghe.

Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi trình độ. Mục tiêu là giúp học sinh sử dụng tiếng Mường để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc.

Ở bậc B, chương trình củng cố và phát triển các kết quả của bậc A, giúp học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ thông qua kiến thức tiếng Mường theo các chủ đề về văn hóa và xã hội của địa phương

Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình được xây dựng trên cơ sở lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu nghiên cứu về khoa học tâm lí, khoa học ngôn ngữ, khoa học giáo dục.

Đối với chương trình trên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra yêu cầu với cần đạt về kĩ năng với mỗi bậc.

Ví như kĩ năng đọc ở bậc A1, học sinh phải đảm bảo đọc đúng các âm, tổ hợp âm đơn giản; đọc rõ tiếng, từ, câu, đoạn văn ngắn. Nhận diện đúng kí hiệu thanh điệu và phát âm chuẩn thanh điệu. Với kĩ năng đọc ở bậc B, học sinh phải đọc đúng và diễn cảm các loại văn bản; biết đọc đúng ngữ điệu của một số phương ngữ Mường khác.

Đối với kĩ năng viết bậc A1, đòi hỏi học sinh phải viết thành thạo chữ viết thường; viết đúng chữ viết hoa; viết đúng dấu thanh, một số dấu câu. Với kĩ năng viết bậc A2, học sinh phải xác định được quy trình viết đoạn văn, văn bản; viết được đoạn văn, văn bản theo các yêu cầu khác nhau...

Dự chi 30 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025

Ngày 28/6/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện chuyển đổi trong phương thức tổ chức dạy - học, phấn đấu đạt 80% người học, 100% giáo viên, 100% cơ sở giáo dục có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến...

Bên cạnh đó là thực hiện chuyển đổi số trong phương thức quản lý, điều hành. Cơ sở dữ liệu ngành được nâng cấp, hoàn thiện, kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, Bộ.

Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Ví như thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư (PPP); Hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trang thiết bị số để hỗ trợ, ưu đãi cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin cơ bản; Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về công nghệ thông tin trong và ngoài nước.

"Dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025 là 30 tỷ đồng", Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình thông tin.

Mạnh Đoàn