Năng lực thực hiện đổi mới: Còn khoảng cách giữa mong muốn và thực tiễn
Giáo dục được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước. Sau 10 năm thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW (ban hành ngày 4/11/2013), nền giáo dục nước nhà đã đạt được những thành quả nhất định từ chất lượng giáo dục, công tác quản trị, quản lý, các chính sách giáo dục…
Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì chúng ta vẫn còn cả hành trình dài với những thách thức phía trước.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. Ông cũng từng đảm nhận vai trò Trưởng đoàn của rất nhiều Đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học. Ảnh: UEB |
Là người gắn bó, tâm huyết với công tác giáo dục, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ đánh giá, nền giáo dục Việt Nam hiện đã đạt những bước tiến nhất định.
“Với những thành tựu đã đạt được, chúng ta có thể tự hào về nền giáo dục Việt Nam vì những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và nhìn từ quan điểm đó chúng ta không lạc hậu hơn so với các nước đang phát triển khác”, ông nói.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận; trong đó, điều Giáo sư Đặng Ứng Vận trăn trở nhất chính là năng lực để triển khai một cách hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Đối với giáo dục phổ thông, năm học 2022-2023 được xem là năm trọng tâm trong việc thực hiện đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 [1]. Để thực hiện thành công quá trình đổi mới cần sự nỗ lực, cố gắng của nhiều nhân tố quan trọng từ năng lực tiếp thu và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của đội ngũ thầy cô giáo; đến năng lực tổ chức thực hiện của các trường phổ thông, các điều kiện về trang thiết bị dạy học,... và sự đồng tình, hỗ trợ của xã hội.
Đối với giáo dục đại học, vấn đề được bàn nhiều và cũng là điều căn bản, cốt yếu nhất chính là đổi mới về mục tiêu, chuẩn đầu ra, phương pháp dạy và học trong trường đại học. Chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục đại học từ nặng về trang bị kiến thức, từ việc dựa trên năng lực đào tạo của nhà trường sang việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới.
Để thực hiện thành công mục tiêu đó, các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện việc đổi mới toàn diện bắt đầu bằng việc cụ thể hóa mục tiêu đào tạo theo Luật Giáo dục đại học cho từng chương trình đào tạo, xác định chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình dạy học theo chuẩn đầu ra, tiếp tục đổi mới về phương pháp dạy – học và đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp, trang bị cho đội ngũ giảng viên những năng lực thực hiện đổi mới cần thiết… Theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, đây đều là những thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Trong quá trình thực tế tham gia kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhiều năm qua, Giáo sư Vận đánh giá, hiện còn một số điểm hạn chế trong các cơ sở như: Việc thiết kế và phát triển chương trình dạy học dựa trên chuẩn đầu ra vẫn còn lúng túng, đòi hỏi phải có sự cố gắng rất nhiều; việc quản lý hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường bao gồm: lập kế hoạch, triển khai thực hiện; rà soát đánh giá và cải tiến liên tục tất cả các hoạt động và nguồn lực phát triển; điều kiện về cơ sở vật chất... còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Theo Giáo sư Vận, kinh nghiệm cho thấy ở khối tư thục, các trường được đầu tư tốt về nguồn lực nhìn chung có khả năng và điều kiện phát triển tốt hơn những trường hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ. Do vậy, trong thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan quản lý các cấp về việc cung cấp nguồn lực giúp các cơ sở giáo dục nâng cao được năng lực để đổi mới toàn diện hiệu quả.
Nhiều thách thức khác khi thực hiện đổi mới giáo dục
Bên cạnh năng lực để thực hiện đổi mới, bản thân ngành giáo dục cũng gặp nhiều thách thức không nhỏ khác. Trong đó, một đặc điểm lớn từ trước đến nay chính là sự đòi hỏi của xã hội - đây vừa là động lực cho sự phát triển, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục.
Giáo sư Đặng Ứng Vận đánh giá, đây không chỉ là thách thức riêng của giáo dục Việt Nam mà cũng là thực tế chung của nhiều nước trên thế giới. “Hệ thống giáo dục bao giờ cũng chịu sự đánh giá, soi xét của toàn xã hội. Điều quan trọng hơn chính là giáo dục cần có sự chuyển biến kịp thời, đổi mới đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh mới”, ông cho hay.
Giáo sư nhấn mạnh thêm, chúng ta không thể đào tạo hết những cái mới của xã hội, nhưng cần cố gắng tạo ra được những thế hệ có khả năng thích ứng với những đổi mới đó.
Ngân sách của Nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp cũng là một trong những rào cản trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, Giáo sư Vận đánh giá, đây cũng là tình hình chung của nhiều nước khác trên thế giới.
“Giáo dục là phúc lợi xã hội chứ không thể nào là một mặt hàng kinh doanh đơn thuần được. Để nâng cao chất lượng đào tạo yêu cầu cần phải có kinh phí, tuy nhiên không thể trông chờ vào khoản thu học phí từ người học. Vì học phí còn liên quan đến điều kiện kinh tế xã hội, khả năng chi trả của người dân; đặc biệt, bây giờ chúng ta đang thực hiện đại chúng hóa giáo dục đại học, do đó, nếu tăng học phí thì rất nhiều các em ở vùng sâu, vùng xa, các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ bị hạn chế cơ hội rất nhiều. Đây là trách nhiệm xã hội mà các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện”, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ: Năm 2022, chi cho giáo dục chiếm khoảng 15,45% tổng chi ngân sách nhà nước. Như vậy, con số này chưa đạt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11. [2]
Theo đó, các cơ sở giáo dục cần tính toán đến việc tăng doanh thu bằng các biện pháp khác nhau để đa dạng hóa nguồn thu, ví dụ như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ phục vụ cộng đồng theo ngành nghề đào tạo của trường, huy động tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp,...
Đôi điều gửi gắm ngành giáo dục
Bước sang năm 2023, ngành giáo dục cả nước đứng trước nhiều nhiệm vụ quan trọng và thách thức lớn lao, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng để thực hiện thắng lợi những yêu cầu đổi mới cần hội tụ nhiều nhân tố quan trọng, trong đó có 4 điểm ông đặc biệt lưu tâm.
Nhân tố quan trọng đầu tiên Giáo sư Vận đặc biệt đề cao chính là lòng đam mê. Trong môi trường phổ thông hay đại học thì đều rất cần các thầy đam mê với sự nghiệp trồng người và người học đam mê với việc học tập.
“Lâu nay, giáo dục Việt Nam chúng ta đã luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo với những câu chuyện thật đẹp. Hiện tại và tương lai sau này, mong các thầy cô giáo tiếp tục cố gắng phát huy truyền thống đó để phát triển nhân lực quốc gia, nuôi dưỡng năng lực thế hệ trẻ để kiến thiết đất nước phát triển.
Bản thân các em học sinh, sinh viên khi vào trường, cũng phải có đam mê mới chịu khó theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn. Trong xã hội, nghề thì nhiều lắm, nghề nào chúng ta đi sâu tìm hiểu, chăm chút, sống chết với nó thì cũng sẽ thấy cái hay, cái đẹp, cái vinh quang và thách thức cần vượt qua mà muốn làm tốt được thì cần có sự đam mê!”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nói
Thứ hai, tích cực tham gia vào chuyển đổi số. Hiện nay, cả nước ta đang tích cực triển khai công cuộc chuyển đổi số, và ngành giáo dục cũng không thể nằm ngoài cuộc cách mạng này. Chuyển đổi số với 3 giai đoạn từ số hóa thông tin - số hóa quy trình đến đổi mới nền giáo dục dựa trên chuyển đổi số.
“Dựa trên cơ sở số hóa quy trình, chúng ta phải tích cực đổi mới giáo dục đại học, trong đó chú trọng vào cá thể hóa việc học tập. Mỗi người đều có những tài năng riêng, nếu chúng ta bắt họ học cùng một kiểu hay rập khuôn cùng chương trình thì sẽ hạn chế khả năng phát huy tài năng các em. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, cần cố gắng tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực sẵn có của mình thông qua việc được lựa chọn môn học, ngành học, thậm chí nhịp độ/tiến độ học tập để phát huy năng lực bẩm sinh”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nói.
Thứ ba, thay đổi để phát triển. Để theo kịp với bước tiến của thời đại, chúng ta cần cố gắng thay đổi để phát triển.
Nền giáo dục tinh hoa khác với nền giáo dục đại chúng. Do vậy, thầy cô giáo chúng ta phải đổi mới từ phương pháp giảng dạy đến công tác kiểm tra đánh giá; triết lí giáo dục cũng cần có sự điều chỉnh để định hướng phát triển tốt cho các hoạt động giáo dục.
Thứ tư, tăng tốc đổi mới. Nếu đi chậm thì sẽ bị người khác vượt qua, chậm mãi so với sự phát triển kinh tế xã hội thì không nên, do vậy rất mong mỏi các thầy cô giáo, cán bộ, nhà trường,... tích cực tăng tốc phát triển, tích cực thay đổi để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/-nam-hoc-2022-2023-duoc-xac-dinh-la-nam-trong-tam-cua-doi-moi-1491898608
[2] https://vietnamnet.vn/chi-cho-giao-duc-moi-chiem-15-45-tong-chi-ngan-sach-chua-dat-muc-tieu-2091383.html