Cách chức rồi thu hồi quyết định, Hiệu trưởng THPT Lương Văn Can xin lỗi là xong

03/02/2023 06:41
Minh Anh
GDVN- Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can, TP HCM, miễn nhiệm tổ trưởng trái luật, nếu chỉ dừng lại ở việc xin lỗi sẽ khó làm gương cho giáo viên.

Ngày 17/1/2023, một nhóm giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh bức xúc đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc họ bị hiệu trưởng miễn nhiệm vị trí tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng mà không đưa ra lý do chính đáng. [1]

Trước đó, ngày 18/10/2022, nhà trường lấy phiếu tín nhiệm để thực hiện việc tái bổ nhiệm cho cô Trần Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trong hội đồng liên tịch nhà trường có 25 người tham gia bỏ phiếu, nhưng cô Thủy không đạt được số phiếu theo quy định, do trong quá trình công tác để xảy ra sai phạm, không được đồng nghiệp tín nhiệm.

Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Diễn tiến sự việc "lùm xùm" tại Trường Lương Văn Can

Ngày 17/1/2023, trả lời phóng viên Tạp chí, thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can, giải thích khi một kế hoạch được trường đề ra, đã được các cấp trong trường như ban giám hiệu, cấp ủy, chi bộ, liên tịch trao đổi, có yêu cầu đưa ra đóng góp ý kiến để thống nhất thực hiện.

Khi thực hiện việc góp ý kiến, thể hiện chính kiến của mình, thì các thầy cô trong nhóm này lại không chịu làm, mà khi bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện việc bổ nhiệm lại cho cô Thủy thì lại bỏ phiếu là không tín nhiệm.

Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, dường như những giáo viên này đã có liên kết với nhau để không bỏ phiếu tín nhiệm cho cô Thủy. Một điều đặc biệt khác, trong thời gian gần đây, ở kỳ hội thao các cụm trường trung học phổ thông, có đến hơn 50% các tổ trưởng chuyên môn không đến cổ vũ các vận động viên thi đấu (bình thường có đi).

Ngày 18/1/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ với Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can (Quận 8), cô Trần Thị Thu Thủy (nguyên phó hiệu trưởng), các thầy cô giáo nằm trong liên tịch nhà trường mới và 9 thầy cô giáo vừa bị trường cho thôi nhiệm vụ.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia buổi làm việc này.

Ông Minh khẳng định rằng, văn bản mà trường ban hành ngày 10/1/2023 (văn bản phân công nhiệm vụ cho 9 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng nhà trường mới) là không đúng thể thức, căn cứ, và đương nhiên là văn bản này không có giá trị. [2]

Tiếp đến, ngày 2/2/2023, thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can, đã chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo nhà trường với liên tịch nhà trường, bao gồm các thầy cô tổ trưởng, tổ phó cũ và mới được bổ nhiệm hôm 10/1. [3]

Tại cuộc họp này, lãnh đạo trường đã công bố văn bản của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị nhà trường thu hồi lại quyết định bổ nhiệm 9 nhân sự mới ký hôm 10/1/2023, đồng thời tuyên bố chính thức sẽ thu hồi văn bản này.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Tấn Sĩ cũng lên tiếng xin lỗi trước mặt thầy cô tham dự cuộc họp này, do đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây ồn ào về trường như trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, số giáo viên bị hiệu trưởng miễn nhiệm trước đó nói với Tạp chí rằng, họ không cảm nhận được sự chân thành từ lời xin lỗi của thầy Sĩ.

Thầy cô cảm thấy bị ảnh hưởng đến uy tín đến danh dự, nhưng lời xin lỗi của hiệu trưởng chưa thể hiện được điều đó mà chỉ đơn giản là lãnh đạo ra quyết định sai, bị (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) yêu cầu thu hồi quyết định nên xin lỗi mà thôi.

Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can xin lỗi giáo viên là xong chuyện?

Cá nhân người viết nhận thấy, thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), có dấu hiệu miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư kí hội đồng trái luật, nếu chỉ dừng lại ở việc xin lỗi sẽ khó làm gương cho giáo viên.

Thứ nhất, Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông như sau (trích):

"Có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân (Điều 4).

Lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh (Điều 5).

Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường (Điều 6).

Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường (Điều 7)."

Có thể nhận thấy, quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu lãnh đạo phải có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực; có khả năng quản trị nhà trường và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, dân chủ.

Tuy vậy, Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can miễn nhiệm 9 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư ký hội đồng mà không đưa ra lý do chính đáng, để rồi phải hủy quyết định này (theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh).

Phải chăng, lãnh đạo nhà trường hiểu sai Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học [4] hoặc ứng xử chưa phù hợp với giáo viên dưới quyền hay có sự khuất tất nào khác?

Thứ hai, Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/05/ 2020 hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng (trích):

"Thực hiện dân chủ, công khai trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở giáo dục; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Gương mẫu, đi đầu trong việc đấu tranh phòng chống những biểu hiện cửa quyền, sách nhiễu, thành kiến, trù dập, giấu giếm, bưng bít, làm sai lệch sự thật, làm trái nguyên tắc và những biểu hiện không dân chủ khác trong cơ sở giáo dục." [5]

Vậy, Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can đã thực hiện nghiêm túc việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hay chưa?

Bởi, phản ánh bức xúc đến Tạp chí về việc bị hiệu trưởng Trường Lương Văn Can miễn nhiệm vị trí tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng, nhóm giáo viên trường này cho biết, lãnh đạo nhà trường "không đưa ra lý do chính đáng". [1]

Thứ ba, việc Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư kí hội đồng, sau đó hủy quyết định này kèm theo lời xin lỗi này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Trước hết, giáo viên bị miễn nhiệm cảm thấy bị tổn thương và mất niềm tin vào lãnh đạo thì sau này việc lãnh đạo, chỉ đạo của hiệu trưởng trường có được các thầy cô phục không?

Mặc dù thầy cô được phục chức, nhưng ai dám chắc rằng, hết năm học 2022-2023, hiệu trường này vẫn giữ nguyên các vị trí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư kí hội đồng như hiện nay?

Cùng với đó, 9 thầy cô là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư kí hội đồng vừa được bổ nhiệm mới, nay bỗng nhiên bị... mất chức thì họ sẽ nghĩ thế nào về lãnh đạo của mình? Chắc chắn ít nhiều thầy cô sẽ không tránh khỏi "tâm tư", ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, học sinh, phụ huynh học sinh và các giáo viên, nhân viên (không giữ chức vụ) ở Trường Lương Văn Can sẽ nghĩ gì về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm lãnh đạo tổ và thư kí hội đồng theo kiểu "khắc xuất khắc nhập" chóng vánh của lãnh đạo nhà trường?

Mỗi khi học sinh nghi vấn hoặc mất niềm tin về thầy cô của mình (vì nghĩ giáo viên "có vấn đề" về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức...) thì môi trường giáo dục sẽ ra sao?

Đối với lứa tuổi học sinh, môi trường gia đình và môi trường nhà trường có tác động trực tiếp trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Liệu Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can có lường trước những vấn đề này hay không?

Thứ tư, điều mà hầu hết giáo viên đều quan tâm là hiệu trưởng cần xây dựng môi trường giáo dục học tập tốt, thân thiện để việc dạy và học có hiệu quả. Giáo viên đều rất chán nản nếu làm việc ở các ngôi trường hiệu trưởng coi mình là số 1, luôn đúng.

Theo chuyên gia giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục, trong cái nhìn tổng thể là một vấn đề lớn luôn được đưa lên hàng đầu trong hoạt động giáo dục đào tạo nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập tích cực, phát huy tốt nhất khả năng còn tiềm ẩn và tập thể sư phạm được làm việc trong bầu không khí tâm lý lành mạnh. [6]

Và điều mà người viết bài báo này rất băn khoăn về việc "lùm xùm" tại Trường Lương Văn Can vừa qua đó là, khi hiệu trưởng đánh mất uy tín của mình thì có còn đủ khả năng, uy tín để làm lãnh đạo?

Cho dù khi hết nhiệm kì hiệu trưởng đi làm lãnh đạo tại một đơn vị khác thì cũng khó tránh khỏi những "lời ong tiếng ve" từ những người đồng nghiệp bởi "tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường".

Hơn nữa, Hiệu trưởng Trường Lương Văn Can, miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư kí hội đồng trái luật, rồi ra quyết định hủy, nếu chỉ dừng lại ở việc xin lỗi, tôi nghĩ lãnh đạo sẽ khó làm gương cho giáo viên sau này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ht-thpt-luong-van-can-cach-chuc-9-nguoi-vi-khong-bo-phieu-tin-nhiem-hieu-pho-post232555.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/vu-ht-thpt-luong-van-can-cach-chuc-9-nguoi-so-gd-tphcm-lam-viec-voi-truong-post232650.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-thpt-luong-van-can-len-tieng-xin-loi-giao-vien-lien-quan-noi-gi-post232808.gd

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-11-2020-TT-BGDDT-dan-chu-trong-hoat-dong-cua-co-so-giao-duc-cong-lap-428580.aspx

[6] https://www.giaoduc.edu.vn/xay-dung-moi-truong-giao-duc-theo-chuan.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh