Ngày 17/1/2023, một nhóm giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh bức xúc đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc họ bị hiệu trưởng miễn nhiệm vị trí tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng mà không đưa ra lý do chính đáng. [1]
Đáng chú ý, ngày 18/10/2022, nhà trường lấy phiếu tín nhiệm để thực hiện việc tái bổ nhiệm cho cô Trần Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trong hội đồng liên tịch nhà trường có 25 người tham gia bỏ phiếu, nhưng cô Thủy không đạt được số phiếu theo quy định, do trong quá trình công tác để xảy ra sai phạm, không được đồng nghiệp tín nhiệm.
Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: P.L) |
Ngày 17/1/2023, trả lời phóng viên Tạp chí, thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can, Quận 8, giải thích khi một kế hoạch được trường đề ra, đã được các cấp trong trường như ban giám hiệu, cấp ủy, chi bộ, liên tịch trao đổi, có yêu cầu đưa ra đóng góp ý kiến để thống nhất thực hiện.
Khi thực hiện việc góp ý kiến, thể hiện chính kiến của mình, thì các thầy cô trong nhóm này lại không chịu làm, mà khi bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện việc bổ nhiệm lại cho cô Thủy thì lại bỏ phiếu là không tín nhiệm.
Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, dường như những giáo viên này đã có liên kết với nhau để không bỏ phiếu tín nhiệm cho cô Thủy. Một điều đặc biệt khác, trong thời gian gần đây, ở kỳ hội thao các cụm trường trung học phổ thông, có đến hơn 50% các tổ trưởng chuyên môn không đến cổ vũ các vận động viên thi đấu (bình thường có đi).
Sáng ngày 18/1/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ với Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8), cô Trần Thị Thu Thủy (nguyên phó hiệu trưởng), các thầy cô giáo nằm trong liên tịch nhà trường mới và 9 thầy cô giáo vừa bị trường cho thôi nhiệm vụ.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia buổi làm việc này.
Ông Minh khẳng định rằng, văn bản mà trường ban hành ngày 10/1/2023 (văn bản phân công nhiệm vụ cho 9 tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng nhà trường mới) là không đúng thể thức, căn cứ, và đương nhiên là văn bản này không có giá trị. [2]
Nếu tôi là tổ trưởng chuyên môn Trường Lương Văn Can
Nếu tôi là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoặc thư kí hội đồng trong trường hợp này, bằng sự hiểu biết và nhận thức pháp luật của bản thân, tôi sẽ yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can xin lỗi và hủy quyết định miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng.
Cũng có thể tôi sẽ khởi kiện ông ông Nguyễn Tấn Sĩ ra tòa án dân sự để lấy lại danh dự cho bản thân vì những lí do sau đây.
Thứ nhất, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, sở dĩ 9 giáo viên bị hiệu trưởng miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và thư ký hội đồng vì "một vài thành viên trong hội đồng liên tịch chưa thể hiện tính gương mẫu, trung thực trong vai trò tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong công tác; kết bè phái; không thể hiện chính kiến bản thân, dễ bị lôi kéo".
Giả sử các thầy cô tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thư kí hội đồng vi phạm những khuyết điểm này thì hiệu trưởng phải đánh giá họ mức hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định (Luật Viên chức) mới đúng.
Đằng này, các giáo viên không bị kỉ luật bằng một quyết định của người có thẩm quyền nhưng hiệu trưởng cho rằng họ "chưa thể hiện tính gương mẫu, trung thực... kết bè phái, dễ bị lôi kéo", những nhận định này có dấu hiệu của hành vi vu khống hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác?
Thứ hai, tổ trưởng chuyên môn được hiệu trưởng bổ nhiệm theo khoản 1 Điều 14 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT. [3]
Theo đó, nhiệm kì của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được bổ nhiệm theo từng năm học.
Ví dụ, tổ trưởng được bổ nhiệm ngày 1/9/2022 thì đến ngày 1/9/2023 mới hết nhiệm kì.
Lúc này hiệu trưởng tiến hành tái bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nếu năm học trước họ làm việc tốt, hiệu quả.
Ngược lại, thầy cô làm công tác lãnh đạo tổ không tốt thì hiệu trưởng sẽ bổ nhiệm giáo viên khác làm tổ trưởng, tổ phó mà không cần phải tham khảo hay lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên trong tổ (theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).
Nếu tổ trưởng, tổ phó vi phạm kỉ luật thì thầy cô phải bị xử lí theo Luật Viên chức và hiệu trưởng được quyền bổ nhiệm lãnh đạo tổ mới.
Có thể nhận thấy, tổ trưởng, tổ phó là những người lãnh đạo tổ vì được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định nên họ được bổ nhiệm và miễn nhiệm theo quy trình chứ không phải theo cảm tính, tuỳ tiện theo kiểu hiệu trưởng thích ban phát cho ai cũng được.
Làm tổ trưởng giỏi là rất khó
Người viết bài báo này là một giáo viên bậc phổ thông có nhiều năm làm tổ trưởng chuyên môn nhận thấy, làm lãnh đạo tổ giỏi là rất khó.
Giáo viên dạy giỏi chưa chắc đã làm được lãnh đạo tổ chuyên môn vì Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đặt ra nhiều yêu cầu với tổ trưởng.
Thứ nhất, tổ trưởng là người xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Muốn xây dựng được các kế hoạch, đòi hỏi tổ trưởng phải nắm vững chuyên môn và các văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục.
Tổ trưởng phải chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường.
Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ trưởng cần biết dựa vào chương trình để xây dựng kế hoạch chuyên môn theo đặc thù của từng trường. Nếu tổ trưởng thụ động dựa vào sách giáo khoa thì đồng nghiệp và học sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học.
Thứ hai, tổ trưởng cần nắm vững chương trình để đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ ba, tổ trưởng tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để đánh giá xếp loại giáo viên trong tổ được chính xác, đòi hỏi tổ trưởng phải minh bạch, công tâm, khách quan và thực sự hiểu rõ năng lực từng tổ viên trong tổ.
Thứ tư, tổ trưởng phải là người khéo léo trong xử lí công việc, dung hoà được các mối quan hệ... thì việc điều hành tổ chuyên môn mới có hiệu quả.
Nhìn chung, tổ trưởng chuyên môn được ví như cánh tay nối dài của hiệu trưởng, trực tiếp điều hành các công việc cụ thể trong hoạt động dạy và học.
Công tác tổ trưởng là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn, góp phần quan trọng đến chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/ht-thpt-luong-van-can-cach-chuc-9-nguoi-vi-khong-bo-phieu-tin-nhiem-hieu-pho-post232555.gd
[2] https://giaoduc.net.vn/vu-ht-thpt-luong-van-can-cach-chuc-9-nguoi-so-gd-tphcm-lam-viec-voi-truong-post232650.gd
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.