Quỹ Thiện nguyện Sinh viên trao nhà vệ sinh thứ 3 cho điểm trường vùng cao

06/02/2023 09:09
Ngọc Mai

GDVN- Thiện nguyện phải đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng sử dụng cho người địa phương thì mới tạo được giá trị bền vững. 

Viết tiếp hành trình ký gửi yêu thương, hướng đến trẻ em vùng cao bằng hoạt động thiết thực, trong hai ngày 2-3/2/2023, Quỹ Thiện nguyện Sinh viên (do anh Nguyễn Ngọc Huân sáng lập năm 2020) đã tổ chức trao tặng 1 nhà vệ sinh, 20 thùng mì tôm, 509 khăn, mũ len, 100 thùng sữa và 200kg gạo, cùng các vật phẩm khác cho một số điểm trường mầm non khó khăn ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Anh Nguyễn Ngọc Huân – người sáng lập Quỹ Thiện nguyện Sinh viên cho biết, chiến dịch “Thiện nguyện mùa Xuân – Gắn chặt tình thân” năm 2023 là hoạt động tiếp nối những thành công của các chiến dịch thiện nguyện trước đó được thực hiện tại một số điểm trường vùng cao của tỉnh Hà Giang.

Tặng nhà vệ sinh thứ 3 cho trường mầm non

Sinh ra ở Gia Lai, sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng lựa chọn Hà Giang để nuôi yêu thương tạo giá trị bền vững, anh Huân coi đó là một mối duyên nợ.

“Sau những lần đi thực tế trước đây, nhận thấy Hà Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng cao đi học trong điều kiện thiếu thốn, không có nhà vệ sinh khép kín, phải đi ngoài nương rẫy bất kể trời nắng hay mưa. Xuất phát từ đó, năm 2021, Quỹ Thiện nguyện Sinh viên lên kế hoạch vận động các mạnh thường quân khởi công xây dựng nhà vệ sinh đầu tiên, cùng với cấp điện, lắp bể chứa nước...

Dự án xây nhà vệ sinh đầu tiên được triển khai tại Trường Mầm non Mã Pì Lèng A (thôn Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) thành công và nhận được nhiều lời cảm ơn từ tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân dân và chính quyền địa phương, tiếp thêm động lực giúp quỹ xây nhà vệ sinh thứ 2 thành công và hiện tại tiếp tục trao tặng nhà vệ sinh thứ 3.

Điểm thuận lợi của chiến dịch vận động xây dựng nhà vệ sinh thứ 3 so với xây nhà vệ sinh thứ 2 đó là chỉ chưa đầy 1 tháng quỹ đã tổng hợp đủ số tiền để tặng điểm trường xây nhà vệ sinh", anh Huân nói.

Cụ thể, chiến dịch “Thiện nguyện mùa Xuân – Gắn chặt tình thân” là hoạt động thiện nguyện đầu tiên của quỹ trong năm 2023 nhằm thực hiện xây nhà vệ sinh cho điểm trường mầm non tỉnh Hà Giang. Ngay từ những ngày đầu phát động, quỹ đã nhận được sự đóng góp ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân và sinh viên.

Nhà vệ sinh thứ 3 được Quỹ Thiện nguyện Sinh viên trao tặng cho điểm trường mầm non Sà Lủng - điểm trường lẻ của Trường Mầm non Pả Vi (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) với trị giá 60 triệu đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Huân (ngoài cùng, bên trái) tặng nhà vệ sinh và 2.000 hộp sữa cho điểm Trường Mầm non Sà Lủng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tiếp nhận quà tặng là ông Thò Mí Pó (thứ hai, bên trái sang) - Trưởng thôn Sà Lủng và cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. Ảnh: Ngọc Mai.

Anh Nguyễn Ngọc Huân (ngoài cùng, bên trái) tặng nhà vệ sinh và 2.000 hộp sữa cho điểm Trường Mầm non Sà Lủng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tiếp nhận quà tặng là ông Thò Mí Pó (thứ hai, bên trái sang) - Trưởng thôn Sà Lủng và cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. Ảnh: Ngọc Mai.

Có mặt tại điểm Trường Mầm non Sà Lủng tiếp nhận hỗ trợ, cô Nguyễn Thị Hạnh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi chia sẻ: “Hiện trường có 310 trẻ đang theo học tại 6 điểm trường (trong đó, có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ) với 99% là con em đồng bào dân tộc Mông. Các điểm trường lẻ nằm rải rác, đời sống người dân thiếu thốn vất vả nên việc huy động đóng góp xây dựng các công trình phụ, trong đó có nhà vệ sinh gặp nhiều khó khăn.

Được hỗ trợ xây nhà vệ sinh đối với điểm trường mầm non Sà Lủng là nguồn động viên rất lớn không chỉ về vật chất mà còn là món quà tinh thần giúp giáo viên cắm trường, cắm bản thuận tiện chăm sóc trẻ, phụ huynh yên tâm cho con ra lớp”.

Nghiên cứu về việc cấp nước để sử dụng nhà vệ sinh, ông Thào Minh Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, việc xây nhà vệ sinh ở huyện Mèo Vạc phải được tính toán liên quan đến xây dựng hồ treo để tích nước từ các mạch nước phát lộ trong mùa mưa nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vào mùa khô nói chung và cấp nước sử dụng cho nhà vệ sinh tại điểm trường Sà Lủng nói riêng.

“Đầu tư cho giáo dục phải quan tâm từ những điều rất nhỏ trước để góp phần tạo tiền đề phát triển, trong đó xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp là một yếu tố. Vì dù học sinh được ăn ngon đến mấy nhưng nhà vệ sinh không có, không an toàn thì rất khó để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Từ trước đến nay, do đặc thù địa hình, điều kiện khí hậu, nguồn nước sử dụng của thôn bản hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, khắc phục tình trạng thiếu nước, theo kế hoạch, tới đây xã Sà Lủng sẽ xây dựng hồ treo để tích nước sử dụng cho bà con và vận hành nhà vệ sinh”, ông Sơn nói.

Cùng chia sẻ niềm vui vì từ nay học trò không cần phải ra nương rẫy, hay sử dụng nhờ nhà vệ sinh của Nhà văn hóa thôn, ông Thò Mí Pó, Trưởng thôn Sà Lủng cho biết, điểm Trường Mầm non Sà Lủng từ trước đến nay không có nhà vệ sinh nên rất bất tiện cho cả cô và trò.

“Có nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước để tắm, rửa chân tay luôn là mong mỏi bấy lâu của giáo viên, học sinh và nhân dân trong thôn”, ông Thò Mí Pó chia sẻ.

Được biết, hai điểm trường mầm non trước đó do Quỹ Thiện nguyện Sinh viên trao tặng nhà vệ sinh lần lượt là các điểm trường lẻ của Trường Mầm non Pả Vi.

Đi bộ qua đoạn đường hẹp, dốc, trơn trượt do trời đổ cơn mưa, đoàn thiện nguyện đến thăm điểm Trường Mầm non Mã Pì Lèng A - nơi nhà vệ sinh đầu tiên do Quỹ Thiện nguyện Sinh viên xây dựng.

Cô Tẩn Thị Lèn – giáo viên điểm trường cho biết, khi chưa có nhà vệ sinh, cả cô và trò đều rất vất vả. Mỗi lần có em đi vệ sinh, cô lại dắt trò ra gốc chuối của nhà dân cạnh trường học cho gần, vì nếu để các em đi vệ sinh xa sẽ rất nguy hiểm.

Nhà vệ sinh đầu tiên do Quỹ Thiện nguyện Sinh viên tài trợ đặt tại điểm Trường Mầm non Mã Pì Lèng A. Ảnh: Ngọc Mai.

Nhà vệ sinh đầu tiên do Quỹ Thiện nguyện Sinh viên tài trợ đặt tại điểm Trường Mầm non Mã Pì Lèng A. Ảnh: Ngọc Mai.

“Từ khi có nhà vệ sinh, điểm trường có nhiều thay đổi. Thay đổi lớn nhất là có nước để rửa tay chân sạch sẽ cho các bé. Các bé tự đi vệ sinh mà không cần sự hỗ trợ của giáo viên sau vài lần hướng dẫn.

Đặc biệt, một số phụ huynh thay đổi nhận thức, yên tâm và thích đưa trẻ ra lớp hơn. Bởi vì, trước đó, nhiều phụ huynh không cho con 3 tuổi ra lớp vì sợ con mình chưa biết vệ sinh cá nhân, không có khu vực đi vệ sinh an toàn, một giáo viên không thể quán xuyến được hết tất cả học sinh trong lớp.

Từ ngày có nhà vệ sinh, sinh hoạt của trẻ cải thiện rõ rệt, mừng nhất là sĩ số lớp tăng lên. Hiện, lớp có 32 em trong độ từ 3-5 tuổi”, cô Lèn chia sẻ.

Từ ngày có nhà vệ sinh, phụ huynh yên tâm đưa trẻ ra lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ ngày có nhà vệ sinh, phụ huynh yên tâm đưa trẻ ra lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Lèn cho biết thêm, trước đây, khu vực đi vệ sinh của học trò là nương, rẫy, bụi cây, gốc chuối của bà con trồng xung quanh trường nên nhiều khi rất khó. Nếu cô cho trò đi vệ sinh ở khu vực xa trường để không ảnh hướng đến nhà dân thì lớp vắng cô, các trò còn lại dễ xảy ra chuyện như tranh giành đồ chơi, khóc, hay chạy ra ngoài sân không có hàng rào chắn để chơi đùa, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm...

Thiện nguyện đi vào thực chất, trọng tâm trọng điểm tạo giá trị bền vững

Chia sẻ lý do tập trung gây quỹ xây nhà vệ sinh cho các điểm trường mầm non của xã Pả Vi, anh Huân cho biết, giá trị Quỹ Thiện nguyện Sinh viên mong muốn hướng tới đó là làm sao để việc từ thiện đi vào thực chất, trọng tâm, trọng điểm, không rải rác chỉ để lấy số lượng.

“Nếu chiến dịch từ thiện được làm rải rác ở nhiều điểm trường nhưng không điểm trường nào tạo ra giá trị đích thực cho người sử dụng thì sẽ không mang lại ý nghĩa lâu dài. Do vậy, Quỹ Thiện nguyện Sinh viên xác định hoạt động thiện nguyện phải đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo chất lượng thì mới tạo được giá trị bền vững, trường kỳ”, anh Huân nói.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc trữ, tiết kiệm nước của đồng bào vùng cao, chiến dịch “Thiện nguyện mùa Xuân – Gắn kết tình thân” cũng đã trao tặng 5 bồn trữ nước cho 5 điểm trường lẻ của Trường Mầm non Giàng Chu Phìn (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Trước đó, đoàn thiện nguyện cũng đã trao 509 vật phẩm gồm mũ len và khăn quàng cổ cho học sinh Trường Mầm non Giàng Chu Phìn.

Thực hiện mục tiêu hoạt động từ thiện phải tạo ra giá trị bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, tại Trường Mầm non Hấu Chua (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Giàng Chu Phìn), các mạnh thường quân ở Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững (RCE Southern Vietnam) - Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu với trẻ mầm non.

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững chia sẻ: "Thông qua Quỹ Thiện nguyện Sinh viên cũng như các thông tin về vùng cao Hà Giang, tôi thấy khu vực huyện Mèo Vạc mặc dù là trung tâm du lịch nhộn nhịp của tỉnh nhưng điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt, học tập của các em nhỏ còn thiếu thốn, chưa đảm bảo. Do đó, với vai trò và sứ mạng "vì sự phát triển bền vững tại địa phương và tạo không gian học tập toàn cầu hướng đến mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững" Trung tâm quyết định đồng hành, chung tay cùng chiến dịch thiện nguyện.

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững (RCE Southern Vietnam) tặng sữa học sinh Trường Mầm non Sà Lủng. (Ảnh Ngọc Mai).

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững (RCE Southern Vietnam) tặng sữa học sinh Trường Mầm non Sà Lủng. (Ảnh Ngọc Mai).

Theo đó, Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục và Phát triển Bền vững phối hợp với Đoàn khối cán bộ giảng viên trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện truyền thông, kêu gọi quyên góp ủng hộ thông qua tài khoản chính thức của Quỹ Thiện nguyện Sinh viên.

Tổ chức chương trình giao lưu, Trung tâm mong muốn truyền tải thông điệp bảo vệ nước sạch, tiết kiệm nước sạch, giáo dục cho các em các hành vi đúng, được phép làm, và hành vi sai, không được làm thông qua những hình ảnh sinh động, phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo".

Học sinh Trường Mầm non Hấu Chua tham gia trò chơi do Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững (RCE Southern Vietnam) tổ chức. (Ảnh: Ngọc Mai).

Học sinh Trường Mầm non Hấu Chua tham gia trò chơi do Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững (RCE Southern Vietnam) tổ chức. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cũng trong khuôn khổ chiến dịch thiện nguyện, đoàn đã dành những suất quà gồm mì tôm, gạo và muối để trao tặng các nhà dân xung quanh trường để động viên phụ huynh tiếp tục chăm lo, đưa con em đến tuổi ra lớp.

Gác lại công việc để đồng hành cùng đoàn thiện nguyện đến thăm các điểm trường ở tỉnh Hà Giang, anh Lê Văn Huy (ở thành phố Hồ Chí Minh, mạnh thường quân của chiến dịch thiện nguyện) chia sẻ: “Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh các cháu nhỏ vùng cao ngồi trong lớp học khi thời tiết mưa rét nhưng trên người chỉ mặc ít quần áo tôi rất thương.

Anh Lê Văn Huy cùng học sinh Trường Mầm non Hấu Chua tham gia trò chơi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Anh Lê Văn Huy cùng học sinh Trường Mầm non Hấu Chua tham gia trò chơi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Tham gia đoàn thiện nguyện, tôi cũng như các mạnh thường quân khác luôn mong muốn góp sức để sẻ chia với các em, động viên nhà giáo vững tâm gắn bó với trường, lớp, đồng thời lan tỏa thông điệp cho nhiều người biết và quan tâm đến giáo dục, chăm lo cho đời sống trẻ em vùng cao được tốt hơn”.

Được biết, trong thời gian tới, Quỹ Thiện nguyện Sinh viên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện giá trị cốt lõi nhất với phương châm "để yêu thương không chỉ là lời nói", mang đến hạnh phúc mới, truyền giá trị nhân văn để có thêm nhiều người sẵn sàng đứng lên đồng hành chia sẻ cùng trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn có cơ hội đến trường, vẽ tương lai với cuộc sống tươi sáng hơn.

Quỹ Thiện nguyện Sinh viên là tổ chức được xây dựng từ tấm lòng của các mạnh thường quân, các bạn tình nguyện viên là sinh viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau, các cựu sinh viên với mong muốn lan tỏa yêu thương, điều tốt đẹp nhất đến những hoàn cảnh khó khăn.

Quỹ Thiện nguyện Sinh viên được thành lập nhằm hướng đến các trẻ em vùng khó khăn, người già neo đơn và người vô gia cư.

Thông qua các chiến dịch, thành viên tham gia thiện nguyện có cơ hội được học hỏi, giúp đỡ, giáo dục kỹ năng ứng xử xã hội.

Dưới đây là một số hình ảnh về chiến dịch "Thiện nguyện mùa Xuân – Gắn chặt tình thân":

Đại diện Quỹ Thiện nguyện Sinh viên, các mạnh thường quân chụp hình cùng cán bộ quản lý, giáo viên và các em tại điểm Trường Mầm non Sà Lủng. (Ảnh: Ngọc Mai).

Đại diện Quỹ Thiện nguyện Sinh viên, các mạnh thường quân chụp hình cùng cán bộ quản lý, giáo viên và các em tại điểm Trường Mầm non Sà Lủng. (Ảnh: Ngọc Mai).

Anh Ngô Hữu Thống - Bí thư Đoàn Cơ quan Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho các em nhỏ. (Ảnh: Ngọc Mai)

Anh Ngô Hữu Thống - Bí thư Đoàn Cơ quan Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho các em nhỏ. (Ảnh: Ngọc Mai)

Học sinh Trường Mầm non Hấu Chua chuẩn bị tham gia trò chơi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Học sinh Trường Mầm non Hấu Chua chuẩn bị tham gia trò chơi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Thành viên đoàn thiện nguyện chụp ảnh cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sà Lủng và Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Thành viên đoàn thiện nguyện chụp ảnh cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sà Lủng và Hiệu trưởng Trường Mầm non Pả Vi. (Ảnh: Ngọc Mai).

(Ảnh: Ngọc Mai).

(Ảnh: Ngọc Mai).

Quỹ Thiện nguyện Sinh viên đã trao tặng 1 nhà vệ sinh, 20 thùng mì tôm, 509 khăn, mũ len, 100 thùng sữa và 200kg gạo cho một số điểm trường vùng cao tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Ngọc Mai).

Quỹ Thiện nguyện Sinh viên đã trao tặng 1 nhà vệ sinh, 20 thùng mì tôm, 509 khăn, mũ len, 100 thùng sữa và 200kg gạo cho một số điểm trường vùng cao tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Ngọc Mai).

Trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Nhật Trường).

Trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Nhật Trường).

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững tặng chiếc khăn mình đang đeo cho em nhỏ đang run vì lạnh. (Ảnh: Ngọc Mai).

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Diệp - Trưởng Trung tâm Khu vực miền Nam về Giáo dục Phát triển bền vững tặng chiếc khăn mình đang đeo cho em nhỏ đang run vì lạnh. (Ảnh: Ngọc Mai).

Ngọc Mai