Thi ĐGNL mỗi nơi một dạng đề, thí sinh gặp khó khăn không nhỏ

11/02/2023 06:48
Bắc Sơn
GDVN-Mỗi cơ sở tổ chức thi đều có một định dạng khác nhau, điều này có thể gây ra khó khăn nhất định cho thí sinh.

Mùa tuyển sinh đại học 2023 đang nóng dần lên khi có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Đây cũng là cơ hội giúp thí sinh có thêm nhiều cánh cửa hơn với đại học, tuy nhiên, việc có quá nhiều kỳ thi riêng cũng khiến không ít thí sinh bối rối.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: DN

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: DN

Tuy nhiên, theo đánh giá của thầy Phạm Huy Thiệp - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Hồng Thái (Hà Nội), với những học sinh có năng lực thì việc tham gia các kỳ thi này sẽ không tạo quá nhiều áp lực đối với các em.

“Năm nay, số lượng học sinh nhà trường tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực là khoảng 90 em. Theo cá nhân tôi, những học sinh tham gia tích cực các kỳ thi đánh giá năng lực thì về cơ bản các em cũng đều là những em học sinh chủ động, có năng lực về các mặt. Do vậy, nếu học sinh chủ động lên kế hoạch và ôn tập thì sẽ không nhiều áp lực lớn.

Tất nhiên khi đã thi cử thì phải có áp lực, tuy nhiên điều này không hoàn toàn là xấu. Áp lực phần nào thể hiện được trách nhiệm, sự chú tâm của học sinh, đồng thời có áp lực mới tạo ra được động lực!”, thầy Thiệp chia sẻ quan điểm với phóng viên.

Với xu hướng ngày càng có nhiều kỳ thi riêng được mở ra, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Hồng Thái nhận định, điều này sẽ tạo ra sự phong phú trong tuyển sinh, đồng thời phần nào giảm được áp lực thi tốt nghiệp cho các em học sinh.

“Về phía các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức kỳ thi riêng cũng giúp nhà trường chủ động hơn trong tuyển sinh, đồng thời, cũng tạo được chỗ trong các trường đại học khi đơn vị tạo ra được một kỳ thi có có sự tác động lớn trong xã hội”, thầy Thiệp nói.

Đồng quan điểm với hiệu trưởng trường trung học phổ thông Hồng Thái, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cũng cho rằng việc tham gia các kỳ thi riêng sẽ không tạo quá nhiều áp lực đối với thí sinh nếu các em có năng lực và sự chủ động trong việc học.

“Hiện nay, mỗi cơ sở tổ chức thi đều có một định dạng khác nhau, điều này có thể gây ra khó khăn nhất định cho thí sinh, tuy nhiên nếu học sinh có đủ năng lực đáp ứng được đòi hỏi đầu vào của đại học thì khó khăn về định dạng đề thi chỉ là chuyện nhỏ. Các bạn chỉ cần dành ra một ít thời gian để làm quen với đề thi và luyện tập một chiến thuật làm bài phù hợp là có thể dễ dàng vượt qua khó khăn này.

Theo tôi khó khăn lớn nhất vẫn là phải học tập và rèn luyện làm sao để có đủ năng lực đáp ứng được đòi hỏi đầu vào của các đại học, và đây là khó khăn chung đối với tất cả học sinh, không có bất cứ một ngoại lệ nào”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam.

Trước thực tế, mỗi kỳ thi riêng lại có cách thức ra đề riêng khiến nhiều thí sinh gặp khó trong ôn tập khi cùng lúc tham gia nhiều kỳ thi, có ý kiến đề xuất nên có cấu trúc đề chung nhằm giúp cho học sinh ôn có thể áp dụng cho nhiều kỳ thi, tránh việc mỗi kỳ một cách ôn tập.

Tuy nhiên, theo thầy Nam, việc tuyển sinh đại học là việc riêng của các đại học, mỗi đại học sẽ làm mọi cách để tuyển được những sinh viên có kiến thức, năng lực, và đặc điểm tâm sinh lý phù hợp tốt nhất với nội dung và mục đích đào tạo của nhà trường. Và do mục tiêu đào tạo, lĩnh vực đào tạo, và loại hình đào tạo của mỗi trường là khác nhau nên phương thức tuyển sinh cũng như đề thi tuyển của các đại học buộc phải khác nhau là việc hết sức bình thường.

Ở chiều ngược lại, do kiến thức, năng lực, và đặc điểm tâm sinh lý của các học sinh là khác nhau nên mỗi thí sinh chỉ phù hợp tốt với một số ngành học trong một số trường đại học cụ thể. Do vậy, việc của các bạn học sinh là phải tìm ra và đăng kí thi vào những ngành học và trường đại học phù hợp nhất với bản thân mình.

Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam. Ảnh: NVCC

Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam. Ảnh: NVCC

Qua tìm hiểu và nghiên cứu về đề thi của các kỳ thi riêng hiện nay (thi đánh giá năng lực/tư duy), thầy Nam đánh giá hình thức câu hỏi và cấu trúc các đề thi là rất đa dạng. Nhiều câu hỏi có định dạng giống câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng cũng có nhiều câu hỏi có định dạng khác, có thể là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi dạng kéo thả, câu hỏi dạng điền thêm thông tin, ... Các đề thi cũng rất khác nhau, cả về cấu trúc đề thi, tổng số câu hỏi, và thời lượng.

“Tuy nhiên sự khác nhau về định dạng câu hỏi và cấu trúc đề thi sẽ không gây khó khăn đáng kể cho thí sinh, chỉ cần học sinh dành thời gian làm quen với các dạng câu hỏi thi và cấu trúc đề thì sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn này”, chuyên gia giáo dục HOCMAI nhấn mạnh thêm.

Thầy Nam đánh giá, khác biệt lớn nhất nằm ở nội dung các câu hỏi. Một số câu hỏi có nội dung vươn ra ngoài chương trình giáo dục phổ thông, vào trong đời sống, gây khó khăn cho những học sinh lười đọc, lười suy nghĩ, lười vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Nhiều câu hỏi được thiết kế để đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh, như năng lực đọc hiểu, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy logic, năng lực suy luận, năng lực tiếp nhận, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin, ... và để có thể nâng cao được các năng lực tổng hợp này đòi hỏi người học phải thay đổi cách học so với trước kia, trong một thời gian đủ dài, và đó là việc khó.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, đề thi hiện nay vẫn chưa phải là đề thi tiêu chuẩn hóa, do đó các đề thi khác nhau trong cùng một kỳ thi vẫn chưa phải là các đề thi tương đương, và điều này sẽ gây ra bất công đối với thí sinh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh thêm rằng “việc tiêu chuẩn hóa đề thi cần rất nhiều tiền bạc và thời gian, chắc chắn trong thời gian tới đây các cơ sở giáo dục đại học sẽ dồn sức thực hiện”.

Để tăng chất lượng tuyển sinh đại học trong bối cảnh có nhiều kì thi riêng như hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành một đề thi đánh giá chất lượng đào tạo của chương trình giáo dục phổ thông.

“Kết quả kì thi này sẽ cung cấp thông tin đáng tin cậy về chất lượng của nền giáo dục phổ thông, làm cơ sở cho việc điều hành, điều chỉnh, và cải tiến nền giáo dục phổ thông nói chung. Tất nhiên các cơ sở giáo dục đại học nếu thấy phù hợp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh hoặc sàng lọc đối tượng tuyển sinh của đầu vào của họ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định về việc tổ chức các kỳ thi riêng, và những quy định này sẽ tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện trong thời gian tới. Về cơ bản, cần phải cho các đại học quyền tự do trong việc tuyển sinh đầu vào của họ, trong đó việc quan trọng nhất là tổ chức thi tuyển đầu vào, và việc này đang đi đúng hướng", thầy Nam chia sẻ.

Dành lời khuyên cho các thí sinh để các em có được sự chuẩn bị tốt nhất và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh riêng của các đại học, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ:

Với học sinh tham dự kì thi ngay trong năm nay, do không còn nhiều thời gian nên ngoài việc học tốt chương trình phổ thông, các bạn nên dành thời gian để làm quen với các dạng câu hỏi trong đề thi và luyện tập một chiến thuật làm bài thi phù hợp để tối đa hóa điểm số.

Với các bạn học sinh thi ở những năm sau thì cần thay đổi cách học để thực sự có được những năng lực phù hợp cho việc học tập ở bậc đại học, chính là những năng lực mà đề thi yêu cầu. Ngoài việc ghi nhớ kiến thức và vận dụng vào việc làm bài tập một cách thuần túy, các em cần quan tâm tìm hiểu việc ứng dụng các kiến thức đó trong khoa học và đời sống diễn ra như thế nào. Cần làm thực hành nhiều hơn để va chạm và tiếp thu những kinh nghiệm ngoài sách vở. Cần phải đọc nhiều hơn các loại văn bản quan trọng, bao gồm các văn bản báo chí liên quan tới các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các văn bản khoa học, và các tác phẩm văn chương có giá trị của dân tộc và thế giới.

Tóm lại phải học thực chất (thực học) để phát triển được năng lực thực chất (thực lực) thì mới có thể đạt kết quả cao trong các kì thi riêng và thành công trong cuộc sống đang thay đổi rất nhanh hiện nay.

Bắc Sơn