ChatGPT có thể soạn giáo án thay giáo viên?

08/02/2023 06:37
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
GDVN- ChatGPT có thể soạn một giáo án chỉ trong vài ba phút thế nhưng vị trí người thầy thì không dễ gì bị thay thế.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11 năm 2022 và nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ việc "nó" có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. [1]

Đáng chú ý, một nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ Giáo dục - chuyên ngành Learning Design and Leadership tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ) cho biết, ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài 6 trang mà giáo viên có thể sử dụng ngay, với chất lượng khá.

Để ra một kết quả tương tự, team soạn giáo án có thể sẽ tốn ít nhất 1-2 buổi brainstorming (phương pháp động não) và vài chục giờ làm việc. [2]

Thông tin này làm dấy lên lo ngại, ChatGPT liệu có thay việc soạn giáo án của giáo viên?

Bằng sự trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng công nghệ này không thể thay thế vai trò của người thầy.

Ảnh minh họa trên kinhtedothi.vnẢnh minh họa trên kinhtedothi.vn

Ứng dụng ChatGPT soạn giáo án - độ tin cậy đến đâu?

Giáo viên Vật lí một trường học phổ thông ở Hà Nội đặt câu hỏi: "Dòng điện chạy qua cơ thể người cỡ bao nhiêu mA thì nguy hiểm", ChatGPT trả lời như sau:

"Số mA tối thiểu có thể gây nguy hiểm cho cơ thể người có thể thay đổi tùy vào một số yếu tố như: tuổi, sức khỏe, tình trạng cụ thể của cơ thể,...

Thông thường, các chuyên gia cho rằng dòng điện từ 1 mA đến 10 mA có thể gây ra tổn thương cấp tính và nguy cơ choáng với mức độ tùy thuộc vào mức độ, thời gian và cách tiếp xúc.

Tuy nhiên, dòng điện trên 100mA có thể gây nạn nhân tử vong hoặc gây hậu quả vĩnh viễn. Vì vậy, luôn cần cẩn thận khi tiếp xúc với điện".

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Giáo viên này nhận định, câu trả lời về giới hạn nguy hiểm của cường độ dòng điện tuy chưa chuẩn nhưng vẫn chất lượng hơn sách giáo khoa cũ và mới của Việt Nam nói về vấn đề này.

Còn thầy Lê Văn Q., giáo viên dạy Vật lí ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, cách trả lời của ChatGPT là chấp nhận được. Chỉ có khái niệm "dòng sóng" thì chưa nghe bao giờ, chỉ có sóng trên mặt biển (trong trường hợp này) thôi.

Tôi đặt câu hỏi: "ChatGPT có thể soạn giáo án được không", thì nhận được câu trả lời: "Có, ChatGPT có thể soạn giáo án cho bạn".

Tôi tiếp tục đặt câu hỏi: "Hãy soạn giúp tôi giáo án Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, ChatGPT gợi ý (trích):

"Chí Phèo là một bản kể chuyện về tình yêu và sự trung thành. Nó kể về một cặp tình nhân, Chí Phèo và Thị Kỷ, và sự trả thù của Chí Phèo khi Thị Kỷ bị cách mạng.

Chí Phèo đưa ra một bức tranh tình yêu và trung thành, cho thấy sức mạnh của tình yêu và sự trả thù trong cuộc sống...".

Có thể nhận thấy, ChatGPT viết câu văn lủng củng, sai lạc nội dung, ngữ nghĩa mơ hồ, đặc biệt "nó" nhầm lẫn nghiêm trọng về tên nhân vật Thị Nở thành Thị Kỷ.

Ảnh: Phan Thế Hoài
Ảnh: Phan Thế Hoài

Tôi kiểm chứng một lần nữa bằng cách yêu cầu ChatGPT phân tích câu thơ: "Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng" (Việt Bắc, Tố Hữu) thì nhận được gợi ý như sau:

"Câu thơ này nhắn tới một tình yêu cũ đã qua. Người tác giả trả lại về quá khứ và nhớ những kỉ niệm đẹp trong tình yêu đó.

"Mười lăm năm ấy" trả lại về thời điểm tình yêu đó đã xuất hiện "thiết tha mặn nồng" miêu tả một tình yêu đầy hấp dẫn và sâu sắc. Câu thơ này cho thấy sự nhớ những kỉ niệm từng có trong quá khứ và sự tình cảm đối với nó".

Ảnh: Phan Thế Hoài

Ảnh: Phan Thế Hoài

Nếu học sinh phân tích như thế này, tôi chỉ chấm 2.0 điểm kèm lời nhận xét: Nội dung mơ hồ, câu văn lủng củng, chưa khai thác được hiệu quả của biện pháp tu từ để làm rõ cái hay của câu thơ.

Vị trí người thầy có bị thay thế?

Một điều thú vị là, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vấn đề: "Rồi đây sẽ xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người? Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình”.

Một tiến sĩ văn học ở Hà Nội gợi ý học sinh hướng làm bài: "Đặc trưng của văn chương là sự sáng tạo. Đó là lĩnh vực sáng tạo của cái tôi, cái duy nhất, không lặp lại và ngoại trừ những vấn đề của in ấn hay soạn thảo văn bản,... quá trình sáng tạo dù thời nào cũng luôn chỉ thuộc về con người.

Ngoài ra, văn chương là sản phẩm của tư duy/ xúc cảm của con người, tư duy có thể lập trình, nhưng xúc cảm luôn chỉ thuộc về con người.

Học sinh có thể dẫn lời Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” để phân tích, để khẳng định sự sáng tạo chính là lý do để con người cạnh tranh được với robot, trong thời đại công nghiệp 4.0." [3]

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên trong việc soạn giáo án những môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích.

Riêng khoa học xã hội, nhất là môn Ngữ văn, ChatGPT vẫn chưa thể giúp giáo viên trong việc soạn giáo án vì đặc thù bộ môn - văn chương là nghệ thuật ngôn từ.

Bên cạnh một giáo án hay, giáo viên dạy giỏi là phải có phương pháp giảng dạy thích hợp, có khả năng giảng dạy cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau.

Cùng một bài toán khó, người thầy có phương pháp giảng dạy tốt thì học sinh sẽ hiểu bài nhanh. Ngược lại, giáo viên truyền đạt kém dù có giảng nhiều lần thì học sinh vẫn rất khó tiếp thu được bài.

Chưa kể giáo viên dạy giỏi phải am hiểu tâm lí lứa tuổi học sinh, biết xử lý tốt các tình huống sư phạm phát sinh trong quá trình giảng dạy. Nắm bắt được những điều này, giáo viên sẽ có một giáo án tuyệt vời mà không cần phụ thuộc nhiều vào ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, dù với khả năng ưu việt của mình, ChatGPT cũng chỉ là một “cỗ máy” vô tri, nghĩa là "nó" không có những hành động phi ngôn ngữ, chẳng hạn vui, buồn, yêu, ghét... như người thầy đứng trên bục giảng.

Có thể khẳng định, ChatGPT nói chuyện như người thật, có thể soạn một giáo án chỉ trong vài ba phút ngắn ngủi, thế nhưng vị trí người thầy không dễ gì bị thay thế.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/ChatGPT

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chatgpt-soan-giao-an-chi-mat-6-phut-lam-viec-thay-cho-ca-nhom-20230203084101746.htm

[3] https://amp.laodong.vn/giao-duc/de-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-se-ra-sao-neu-xuat-hien-co-may-viet-van-651970.ldo?fbclid=IwAR10aFoMJyO046bdxd4AQp6Ch0HcCtvBoeG9petONgyzPcKIsuk-XZgnYYA

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài