Giáo dục đối đầu với sức mạnh của ChatGPT

31/01/2023 13:22
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhiều trường học ở Mỹ, Úc…đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra…

Tuy chỉ mới xuất hiện vào cuối tháng 11/2022 nhưng ChatGPT đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng trên toàn cầu nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức.

Ứng dụng này đã gây không ít bàn luận xung quanh khả năng, thách thức và những nguy cơ mới. Trong lĩnh vực Giáo dục, ChatGPT không chỉ làm thay đổi các quá trình dạy học cụ thể mà còn khiến các nhà giáo dục bắt đầu phải nhìn nhận lại, định hình lại việc dạy học.

ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển và nó không nhằm mục đích sử dụng như một công cụ giáo dục.

ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người tạo ra, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, những cuộc trò chuyện thú vị hoặc đơn giản là để phục vụ nhu cầu giải trí.

ChatGPT không được thiết kế để sử dụng cho mục đích dạy học” – Đó là câu trả lời rất rõ ràng, mạch lạc, chính xác và có phần khiêm tốn do chính công cụ ChatGPT trả lời tự động khi được đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của ChatGPT đã khiến các nhà giáo dục bắt đầu phải nhìn nhận lại, định hình lại việc dạy học.

TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN.TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN.

ChatGPT ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục và dạy học?

Theo Tiến sĩ Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội: Về bản chất, quá trình dạy học, giáo dục nói chung, người học sẽ luôn được đắm chìm trong một thế giới thông tin - kiến thức để hình thành các tri thức, kĩ năng, phẩm chất và giá trị mới. Vấn đề xoay quanh, bàn luận và liên tục được phát triển đó là phương pháp sư phạm, tiếp cận giáo dục.

Suy cho cùng tất cả mọi phương cách mà giáo viên, các nhà giáo dục nỗ lực tìm kiếm, áp dụng, đổi mới sáng tạo cũng đều đưa đến điểm đích đó là làm sao để người học học được, biến thứ thông tin bên ngoài đó thành những năng lực, phẩm chất và giá trị của chính người học, do người học và vì người học.

Điều đáng bàn là toàn bộ hệ thống thông tin - kiến thức và tri thức đó trước đây đều được thiết kế, xây dựng sẵn theo những mục đích và mô hình giáo dục cụ thể trước khi được cung cấp cho người học (chương trình, nội dung, môn học, bài học…).

Những mô hình dạy học chính thức, không chính thức và phi chính thức này chủ yếu vẫn được thực thi theo tiếp cận thiết chế giáo dục, nhà trường hoặc một phương án tổng thể, theo một “định hướng có hướng dẫn” (trong đó có cả vấn đề định hướng sẵn thông tin và hướng dẫn cách có được thông tin).

Một ví dụ, ngay cả mô hình dạy học tích hợp công nghệ khá phổ biến hiện nay là TPACK cũng được mặc định nhìn nhận như một nguyên tắc dành cho giáo viên khi thiết kế và phát triển nội dung, phương pháp sư phạm, gần như “bỏ quên” cái vòng bên ngoài là “bối cảnh, và càng “quên” nhắc đến các “thẩm quyền” của người học. Phải chăng đã đến lúc cần nghiên cứu, phát triển thêm thành TPACK-XL, trong đó X là “bối cảnh hóa” và L là những yếu tố liên quan đến “cá nhân hóa người học”?

"Cần nhớ rằng ChatGPT được phát triển trên mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 của OpenAI mới chỉ là một trong số các công cụ tạo văn bản, trò chuyện (Chatbot) với độ mở không giới hạn (GPT chính là viết tắt của 3 từ: tạo sinh – generative; huấn luyện trước - pre-trained; và chuyển đổi - transformer).

Bên cạnh đó còn có hơn 300 công cụ AI được phát triển cung cấp tính năng tìm kiếm, hội thoại, gợi ý viết văn bản và các tính năng AI nâng cao khác do GPT-3 hỗ trợ thông qua API của OpenAI (với hơn 7 triệu người dùng, 175 tỉ dữ liệu, thu thập khoảng 4,5 tỉ từ mỗi ngày, thu hút hàng chục nghìn nhà phát triển trên toàn cầu)", Tiến sĩ Cường cho hay.

Hiện nay OpenAI cũng tập trung phát triển vào 4 lĩnh vực trọng tâm là các công cụ tạo hiệu năng mới, y tế và công nghệ sinh học, khoa học khí hậu và năng lượng, công nghệ giáo dục và công cụ dạy học.

Sự xuất hiện của ChatGPT có thực sự đáng lo ngại?

Theo Tiến sĩ Tôn Quang Cường, giáo dục luôn hướng đến độ mở về kiến thức, sự sáng tạo và đa dạng trong cách học tập vì sự phát triển của cá nhân người học.

Hay nói cách khác, điều quan trọng đối với giáo dục không phải là có câu trả lời hay nội dung của nó, mà là cách mà người học tìm ra được câu trả lời thì các công nghệ dựa trên nền tảng AI lại tập trung phát triển các tính năng để giải quyết và tạo ra các “điểm cuối” (endpoint) của sự tìm kiếm, câu trả lời, phân loại, ra quyết định. Điều này đang đặt ra thách thức tìm kiếm điểm cân bằng mới cho các nhà công nghệ giáo dục khi triển khai các mô hình dạy học phi truyền thống.

Hiện nay, nhiều trường học ở Mỹ, Úc…đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT và một số chatbot AI khác có khả năng tạo lập văn bản như bài luận, bài kiểm tra… Sự lo lắng của các nhà giáo dục hiện nay về nguy cơ gia tăng gian lận trong học tập do sử dụng ChatGPT mới chỉ là vấn đề nhỏ.

Ví dụ, để khắc phục hiện tượng gian lận, công cụ miễn phí GPT Zero (https://gptzero.me/) sẽ phân tích và phán đoán tính xác thực của văn bản dựa trên thuật toán xác định ngôn ngữ do con người viết ra (thường trong ngôn ngữ tự nhiên, một số câu do con người viết ra có thể khá đơn giản, theo khuôn mẫu, nhưng chắc chắn sẽ có “hỗn loạn” (perplexities), “bùng phát” mang tính cá nhân (burstiness) khi tiếp tục viết các đoạn văn, câu văn dài hơn). Trong khi đó, sự phức tạp, “hỗn loạn” lại được phân bố đồng đều và liên tục ở mức thấp, hiếm có sự “bùng phát” trong các văn bản do máy tạo ra.

ChatGPT đặt ra một số vấn đề đáng bàn luận trên góc độ giáo dục và dạy học

Tiến sĩ Tôn Quang Cường cũng nêu ra một số nhận định về những vấn đề cần được chuyên gia, các nhà giáo dục thảo luận kỹ hơn về những ảnh hưởng của ChatGPT đến giáo dục và dạy học:

  • Vấn đề thẩm quyền người học, cơ hội tiếp cận và lựa chọn phương thức học tập của người học; phương thức kiểm tra - đánh giá người học;

  • Làm thế nào để thiết kế dạy học và trải nghiệm học tập trong bối cảnh số lượng các API dựa trên công nghệ AI liên tục gia tăng không ngừng, hỗ trợ tối đa người học?

  • Cấu trúc và thời lượng các chương trình (nội dung) dạy học? (sau LCMS, MOOC, LXP…sẽ là gì?);

  • Cấu trúc và cách thức triển khai các chương trình đào tạo giáo viên tích hợp sử dụng công nghệ trong tương lai.

    "Cùng với những công cụ dựa trên công nghệ AI hiện có, ChatGPT đã góp phần thay đổi và định hình lại quan niệm về dạy học, thúc đẩy sự phát triển của tiếp cận giáo dục hướng mạnh đến thẩm quyền người học, một thứ “sư phạm tự quyết định, tự định hướng và tự điều chỉnh” (Heutagogy), xuất phát và được thực hiện từ chính người học", Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Nguyễn Nhất