Ngày 10/2/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp trung học cơ sở năm học 2022 – 2023. Các giáo viên tiến hành thi trong 2 ngày 14,15.
Đây là dịp để giáo viên thể hiện năng lực sư phạm, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học đồng thời là dịp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy trong đội ngũ giáo viên.
Năm học 2022 – 2023, hội thi thu hút sự tham gia của 395 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường trung học cơ sở, trường phổ thông nhiều cấp học có cấp trung học cơ sở.
Đây là những giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên trong năm học 2021 – 2022 và đã được công nhận dạy giỏi cấp quận, huyện trong các năm học 2020 – 2021, 2021 – 2022 hoặc 2022 – 2023.
Số lượng giáo viên tham dự đông nhất đến từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê chân với 52 giáo viên và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên với 51giáo viên.
Trong đó, môn học có số lượng giáo viên dự thi nhiều nhất là môn Toán (75 giáo viên) và môn Ngữ văn (71 giáo viên).
Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp trung học cơ sở năm học 2022 - 2023 thu hút sự tham gia của 395 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường trung học cơ sở, trường phổ thông nhiều cấp học có cấp trung học cơ sở. (Ảnh: Phạm Linh) |
Tham gia hội thi, mỗi giáo viên đăng ký dự thi sẽ lên lớp một tiết dạy và trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.
Về tiết dạy của giáo viên, ban tổ chức hội thi tổ chức bốc thăm bài dạy, tiết dạy, buổi dạy theo các môn, các khối lớp mà giáo viên đã đăng kí.
Ban tổ chức hội thi đã mời 248 giám khảo và trưởng các tiểu ban là các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán có năng lực sư phạm, tinh thần đổi mới và uy tín chuyên môn.
Các tiết dạy và báo cáo biện pháp sẽ do nhóm 3 giám khảo chấm độc lập, đảm bảo tính khách quan.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy
Tham gia hội thi giáo viên giỏi thành phố năm học 2022 – 2023, các thầy, cô giáo đều mang đến những bài giảng điện tử chất lượng đồng thời sử dụng một số phần mềm mới hỗ trợ trong tiết học như phần mềm Plickers (áp dụng trong trả lời các câu hỏi trắc nghiệm của phần vận dụng).
Cô giáo Phạm Bích Ngà – giáo viên Trường Trung học cơ sở Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tham gia dạy phân môn Sinh học, thuộc môn Khoa học tự nhiên lớp 7 chia sẻ: “Mặc dù thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chỉ có 3 ngày, học sinh tham gia tiết học hôm nay tôi cũng chỉ được tiếp xúc khi chuẩn bị vào tiết nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thiện hết mức có thể về phương pháp giảng dạy, chỉn chu bài giảng để học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tốt nhất.
Chương trình mới hướng tới học sinh sẽ hoạt động tích cực trong các tiết học nên tôi lựa chọn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tăng khả năng nhanh nhạy của học sinh.
Ví dụ như trong tiết học hôm nay và các tiết ở trường, việc sử dụng phần mềm Plickers giúp tôi bao quát lớp học, kiểm tra được các đối tượng học sinh dễ dàng hơn.
Trong đó, học sinh sẽ sử dụng thẻ để đưa ra lựa chọn cho các câu trả lời trắc nghiệm, mỗi thẻ sẽ có mã riêng nên học sinh không thể nhìn đáp án của nhau. Thực tế qua tiết học vừa rồi, dù cô và trò lần đầu làm quen nhau nhưng các em bắt nhịp rất nhanh và tích cực tham gia hoạt động trả lời trắc nghiệm qua phần mềm”.
Học sinh hào hứng khi sử dụng phần mềm Plickers để trả lời câu hỏi trắc nghiệm. (Ảnh: Phạm Linh) |
Cô giáo Phạm Bích Ngà chia sẻ niềm vui cùng học sinh sau khi hoàn thành tiết dạy tại hội thi. (Ảnh: Phạm Linh) |
Còn theo cô Đỗ Thị Hợp – giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) chia sẻ: “Tham gia dạy môn Ngữ văn của khối lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi cố gắng đưa những phương pháp tích cực nhất, mới nhất để học sinh được tiếp cận bài học hiệu quả và hứng thú với môn học.
Khi dạy một tác phẩm, tôi luôn chú trọng tạo hứng thú cho học sinh thông qua các trò chơi, làm phiếu bài tập theo nhóm xuyên suốt từ phần khởi động, hình thành kiến thức và luyện tập, vận dụng.
Từ đó, học sinh được học tập, trao đổi cùng nhau và thoả sức sáng tạo, thể hiện năng lực của bản thân.
Kỳ thi này hết sức bổ ích và ý nghĩa khi tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội học tập, trau dồi không chỉ trong phạm vi một quận, một huyện mà là toàn thành phố.
Đặc biệt nữa là trong bối cảnh ngành giáo dục đang chuyển giao giữa chương trình mới và chương trình cũ, giáo viên đang còn nhiều băn khoăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Học sinh sử dụng phần mềm tổ chức trò chơi tạo sự hào hứng cho tiết học. (Ảnh: Phạm Linh) |
Trao đổi kinh nghiệm khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Tại hội thi, các tiết dạy của các khối lớp 6, lớp 7 thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các thầy, cô giáo, nhất là các tiết dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Theo chia sẻ của giáo viên, đây là cơ hội để học hỏi thêm các phương pháp giảng dạy sáng tạo, hiệu quả từ đồng nghiệp nhất là phương pháp mới theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô Cao Thị Lương – giáo viên môn Địa lý, Trường Trung học cơ sở Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) chia sẻ: “Bản thân là một giáo viên trẻ nên việc được cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua hội thi là điều rất cần thiết. Tham gia hội thi, tôi còn có được sự đồng hành của các thầy cô giáo ở trường, ở phòng giáo dục và đào tạo.
Hội thi năm nay còn có ý nghĩa đặc biệt với tôi cũng như đồng nghiệp bởi trong thời điểm các nhà trường, giáo viên đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với việc giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lại có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi để có thêm kinh nghiệm.
Trước đó, tôi đã được nhà trường cử tham gia tập huấn phân môn Lịch sử để tiến tới có thể đảm nhận việc dạy cả hai phân môn trong môn tích hợp Lịch sử và Địa lý.
Thêm cơ hội được dự giờ, học hỏi các giờ dạy về môn Lịch sử của các thầy, cô có kinh nghiệm trong hội thi ngày hôm nay, tôi sẽ đến gần hơn với mục tiêu có thể đảm nhiệm tốt cả hai phân môn trên”.
Hội thi là cơ hội để học hỏi thêm các phương pháp giảng dạy sáng tạo, hiệu quả từ đồng nghiệp nhất là phương pháp mới theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Phạm Linh) |
Mặc dù không dạy khối lớp 6, lớp 7 nhưng trong tiết dạy tham gia hội thi, cô giáo Trần Thị Phương Thanh – giáo viên Trường Trung học cơ sở An Hoà (huyện An Dương, Hải Phòng) vẫn tích hợp kỹ năng, kỹ thuật theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giúp học sinh đang học chương trình cũ làm quen dần, không bỡ ngỡ khi chuyển sang chương trình mới.
Học sinh làm phiếu bài tập trong tiết dạy của cô giáo Phương Thanh (Ảnh: Phạm Linh) |
Cô giáo Phương Thanh chia sẻ: “Hôm nay tiết dạy của tôi rơi vào học sinh lớp 8, học theo chương trình cũ nhưng tôi vẫn tích hợp những kỹ năng, kỹ thuật theo định hướng của chương trình mới vào trong giảng dạy.
Trong đó, phương pháp dạy chuyển từ học được cái gì sang làm được cái gì để tất cả học sinh đều được hoạt động.
Đặc biệt, môn Vật lý liên quan đến thực tiễn cuộc sống nhiều nên tôi vận dụng tất cả những bài tập định tính của Vật lý 8.
Hôm nay dù tiết học về phần cơ học, phần khá khó khăn đối với học sinh nhưng các em trả lời những câu hỏi định tính, định luật rất tốt”.