Cứ xử lý thật nặng hiệu trưởng nhà trường sẽ không còn lạm thu

21/02/2023 06:41
Đỗ Quyên
GDVN-Trường học nào để xảy ra lạm thu cũng nên xử lý mạnh tay, cương quyết người đứng đầu để làm gương. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới mong chấm dứt triệt để.

Vì bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của Hội Cha mẹ học sinh, cử tri Hà Nội đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại hoạt động của Hội này.

Bộ Giáo dục cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục.

Ảnh minh hoạ: Diệu AnhẢnh minh hoạ: Diệu Anh

Tăng cường công tác truyền thông để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu đúng về các quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT ngày 22/11/2011, đặc biệt là các khoản thu không đúng quy định. [1]

Bản thân người viết đã không ít lần đi họp phụ huynh cho con cháu ở các cấp học cũng như hàng năm đều tổ chức những cuộc họp phụ huynh liên quan đến các khoản đóng góp ở trường với vai trò chủ nhiệm lớp.

Người viết thấy rằng, mỗi giáo viên đặc biệt là hiệu trưởng và không ít phụ huynh hiện nay, đều hiểu và nắm rất rõ quy định trong Thông tư 55 về những khoản được và không được quyên góp từ phụ huynh.

Thông tư số 55/2011/TT-BGD&ĐT quy định về quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh thế nào?

Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rất rõ:

4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sẽ có người thắc mắc, nhiều người hiểu rõ, hiểu đúng nhưng tại sao vẫn còn không ít trường học hiện nay dính vào tình trạng lạm thu gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở nhiều trường học hiện nay

Ghi nhận của người viết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm thu chưa có hồi kết như sau:

Thứ nhất, giáo viên đương nhiên nắm rõ những quy định của Thông tư 55 về việc kêu gọi đóng góp tự nguyện từ phía phụ huynh.

Tuy nhiên, phần đông các thầy cô giáo hiện nay, luôn thực hiện theo đúng những chỉ đạo từ hiệu trưởng mà không bao giờ dám phản ứng.

Ví dụ như việc một số trường học kêu gọi phụ huynh góp tiền mua ti vi, máy lạnh, đèn chiếu cho lớp học bằng cách lấy tổng số tiền phải mua chia bình quân cho mỗi học sinh trong lớp (kiểu thu cào bằng), nhiều thầy cô biết sai nhưng vẫn phổ biến trong các cuộc họp phụ huynh lớp.

Thứ hai, nhiều phụ huynh còn mang tính cả nể, có tâm lý lo sợ khi mình có ý kiến phản đối một số khoản tiền nhà trường triển khai thu không đúng quy định, con mình sẽ bị để ý, bị thầy cô giáo làm khó trong học tập nên chọn cách lặng im trong cuộc họp. Sau đó, họ sẽ ra bên ngoài phản ứng.

Tôi còn nhớ một buổi họp phụ huynh cho con năm lớp 11. Sau khi cô giáo kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền mua đèn chiếu với số tiền là 300 ngàn/học sinh.

Sau khi giáo viên phổ biến, đại diện chi hội cha mẹ học sinh lớp có ý kiến thống nhất mức tiền đã đưa ra. Nhiều tiếng xì xào nổi lên tỏ ý không đồng tình, không ít sự lo âu, trăn trở của một số phụ huynh thuộc gia đình khó khăn.

Là người nắm rõ những quy định về việc quyên góp, ủng hộ tự nguyện nên tôi mạnh dạn nêu ý kiến, huy động kiểu cào bằng như vậy là vi phạm quy định trong Thông tư 55. Nhà trường nên để phụ huynh tự nguyện theo hướng ai có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít. Trường hợp nào khó khăn thì không cần ủng hộ.

Thật bất ngờ, ngay sau ý kiến phát biểu, tôi không nhận được bất kỳ một sự đồng tình công khai nào từ phía phụ huynh. Sau đó, giáo viên chốt luôn "nếu phụ huynh không có ý kiến gì thêm thì thiểu số phải phục tùng đa số và lớp mình đồng ý ủng hộ tự nguyện mỗi người 300 ngàn đồng để mua đèn chiếu cho lớp".

Đáng nói, sau cuộc họp, đa số phụ huynh móc hầu bao nộp tiền trong ấm ức nhưng trong cuộc họp lại không ai phản ứng công khai gì.

Nắm được tâm lý này của phụ huynh, nhiều trường học đã phớt lờ quy định để triển khai một số khoản ủng hộ bất hợp lý.

Thứ ba, cách xử lý của các cấp chính quyền khi trường học bị tố lạm thu chưa được mạnh tay và cương quyết.

Hiếm hoi có hiệu trưởng để xảy ra lạm thu trong trường bị kỷ luật xuống chức. Nhiều trường hợp chỉ cần trả lại tiền thu sai quy định cho phụ huynh là được nhận mức “kỷ luật ngọt ngào” như “rút kinh nghiệm sâu sắc” hoặc luân chuyển qua đơn vị khác là xong.

Vì thế, không tránh khỏi tâm lý “thu trót lọt thì lợi to” còn “không trót lọt, chỉ cần trả lại là xong” nên một số người đã tỏ ra không sợ. Và, tình trạng lạm thu ở nhiều trường học vì thế vẫn không thể chấm dứt.

Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, kỷ luật thật nghiêm, lạm thu sẽ hết

Khi dư luận bức xúc về tình trạng lạm thu ở nhiều trường học, đã có không ít ý kiến cho rằng cần giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trong thực tế, cũng có một số trường học khi bị tố lạm thu, hiệu trưởng đã đổ toàn bộ trách nhiệm lên Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tuy thế, nếu không được sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường thì không có giáo viên nào dám tự mình phổ biến những việc liên quan đến tiền bạc trước cuộc họp phụ huynh? Khi hiệu trưởng đã không đồng ý, cũng chẳng có Ban đại diện cha mẹ học sinh nào đứng ra huy động phụ huynh đóng góp.

Bởi thế, người viết cho rằng bất kể trường học nào để xảy ra lạm thu cũng nên xử lý mạnh tay, cương quyết người đứng đầu để làm gương. Có như vậy, tình trạng lạm thu như hiện nay mới mong chấm dứt.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/cu-tri-ha-noi-de-nghi-xem-lai-hoat-dong-cua-hoi-cha-me-hoc-sinh-bo-gd-noi-gi-post233099.gd

Đỗ Quyên