Một phụ huynh có con học tại một trường trung học phổ thông tại Hà Nội than rằng, gia đình chị đang khá đau đầu để chạy vạy lo cho con một khoản tiền trường đóng đầu năm lên đến dăm triệu đồng cho cậu con trai học lớp 11 ở một trường trung học tại Hà Nội.
Phụ huynh dù bức xúc với nhiều khoản thu nhưng vẫn im lặng chấp nhận đóng góp (Ảnh Phan Tuyết) |
Nói rồi chị cho biết, có những khoản tiền chị và nhiều phụ huynh không đồng tình như tiền quỹ lớp 600 ngàn đồng/năm, tiền cha mẹ học sinh 300 ngàn đồng/năm, tiền ủng hộ (gọi là tự nguyện nhưng lại "bổ đầu") mua sắm thiết bị máy lạnh, ti vi 500 ngàn đồng/học sinh…nhưng chẳng ai dám có ý kiến.
Mới đầu cũng có vài ba nhóm xì xào to nhỏ nhưng cuối cùng ai cũng đóng tiền trong nỗi ấm ức.
Một số phụ huynh một trường tiểu học tại tỉnh Bình Thuận cũng cho biết khi nghe giáo viên nói lớp học cần một cái ti vi cho học sinh học và gợi ý phụ huynh ủng hộ, lập tức có người tính ngay, giá một cái ti vi là 15 triệu đồng, lớp có 30 học sinh, vị chi một phụ huynh ủng hộ 500 ngàn đồng là đủ.
Mặc dù hơn phân nửa phụ huynh có mặt nơi ấy không đồng ý vì đang phải lo nhiều khoản tiền đầu năm, nay phải đóng ủng hộ mua ti vi sẽ khó lòng kham nổi.
Vậy mà, cả cuộc họp vẫn lặng như tờ, có chăng chỉ vài tiếng xì xào nho nhỏ. Không ai có ý kiến phản đối nên biên bản được thông qua 100% phụ huynh đồng ý.
Thế là, họ phải móc hầu bao trong miễn cưỡng nhưng miệng vẫn phải tươi cười ra chiều đồng thuận.
Rồi phụ huynh ở Thanh Hóa, Tây Nguyên cũng phản ánh nhà trường thu nhiều khoản lạ.
Phụ huynh đã quỹ lớp còn quỹ trường, quỹ chữ thập đỏ, khuyến học, quỹ Đội, quỹ mua Báo Nhi Đồng…Dù biết nhiều khoản thu không đúng nhưng cũng chẳng có ai dũng cảm để lên tiếng.
Những bức xúc, uất ức chỉ thật sự được bung ra khi những phụ huynh này tụm năm tụm ba ngồi lại với nhau ở ngoài hàng nước, ngoài chợ.
Cái lý của sự cam chịu
Trước hết ai cũng nói rằng, con người ta sao, con mình vậy. Nếu ba mẹ phản ứng thì con sẽ bị lãnh hậu quả khi thầy cô không yêu thương, bạn bè sẽ chê cười con. Và chính những phụ huynh đóng góp đầy đủ cũng sẽ khó chịu, quay sang chửi rủa.
Trả lời câu hỏi vì sao chị thấy học thu sai nhưng sao vẫn cứ nộp? Chị B. đã chia sẻ với người viết: “Con người ta sao thì con mình cũng vậy.
Phụ huynh người ta đóng sao thì mình đóng vậy chị ạ. Em cũng nghèo khó chứ chẳng phải giàu có gì, nhưng thiết nghĩ cố gắng làm thêm vài ngày là cũng có tiền đóng thêm 1 khoản cho con.
Thế nên là em thấy vẫn cố gắng để có khả năng lo cho con được thì cứ cố gắng, dù sao con em cũng học lớp 11 rồi, thêm 1 năm nữa thôi là cũng xong, cố gắng 11 năm rồi chả lẽ còn 1 năm không cố được?”
Không riêng gì chị B., không ít phụ huynh cũng cùng suy nghĩ sợ phản ứng không nộp một số khoản tiền nhà trường đưa ra sẽ bị giáo viên để ý và đì con của mình.
Bởi thế ai cũng có suy nghĩ con người ta đóng được, con mình cũng đóng được và ráng đóng cho xong chuyện.
Điều này chính là nguyên nhân góp phần cho chuyện lạm thu không thể chấm dứt.
Phụ huynh cần đoàn kết
Cần phải nói thêm rằng, các khoản thu đưa ra ở một trường học nào đấy luôn là quyết định của mình hiệu trưởng.
Quyết định này, nhiều khi giáo viên cũng không đồng tình. Thế nhưng quy định lệnh trên ban xuống phải triển khai để thu tiền, giáo viên sẽ phổ biến trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.
Bởi thế, phụ huynh không đồng ý nộp khoản tiền nào đấy cũng đừng sợ thầy cô giáo sẽ có thành kiến và không chăm sóc, dạy dỗ con mình.
Mọi khoản thu đều đưa ra trong cuộc họp phụ huynh để lấy ý kiến. Nếu tất cả cùng thống nhất không đồng ý, chắc chắn sẽ không ai có thể triển khai.