Năm mèo nói chuyện… chuột (2)

08/03/2023 06:31
Xuân Dương
GDVN- Chừng nào GD vẫn còn bị liên tưởng đến “chuột chạy cùng sào” và “chuột bạch” thì tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện khó có thể mang lại kết quả mỹ mãn.

Tiếp phần 1: Năm mèo nói chuyện… chuột (1)

Thứ hai, nói về học trò

Chuyện nhiều học trò không thích môn Lịch sử, nhiều học trò không thích ngành sư phạm,… là những chuyện không mới, đã được báo động từ nhiều năm rồi. Chuyện cả nhóm học sinh đánh bạn, quay clip tung lên mạng xã hội hay chuyện học sinh lớp 7 đã sinh con thì cần phải quan tâm đúng mức.

Tuy vậy nội dung đề cập trong phần này là về chủ trương, chính sách chứ không phải chuyện giáo dục đạo đức hay giới tính cho học trò.

Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Một số ý kiến cho rằng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP về việc hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí cho sinh viên sư phạm thì việc tuyển sinh đã có khởi sắc, điểm chuẩn cao hơn chứng tỏ nhiều học sinh khá, giỏi đã chọn ngành sư phạm.

Tuy nhiên báo Giáo dục và Thời đại - cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo - trong một bài viết về tình trạng tuyển sinh ngành sư phạm tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh có đoạn:

“Năm 2019 dù có 30 chỉ tiêu nhưng ngành Sư phạm Lịch sử ‐ Địa lý chỉ có 9 sinh viên; ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên: 26 sinh viên; ngành Sư phạm Mỹ thuật mỗi năm tuyển 30 chỉ tiêu nhưng năm 2019 chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển nhập học, năm 2020 có 11 sinh viên…”. [1]

Cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là thu hút học sinh phổ thông bình thường vào học sư phạm chứ chưa phải là thu hút người giỏi, người tài.

Có thể thấy chuyện thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm vừa là vấn đề thời sự vừa mang tính lịch sử. Nhiệm vụ cần làm lúc này là làm sao trong tương lai gần nhất, Nhà nước sẽ ban hành những chính sách để đội ngũ nhà giáo thực sự thu thút được những người giỏi.

Có ba cái “nhất” dồn lên đôi vai bé bỏng của học trò những năm qua, đó là:

Các cuộc thực nghiệm sử dụng nhiều học sinh nhất

Số lượng học sinh từng cấp giai đoạn 2015-2021. (Nguồn: Laodong.vn)

Số lượng học sinh từng cấp giai đoạn 2015-2021. (Nguồn: Laodong.vn)

Số lượng học sinh phổ thông (không kể mầm non) năm 2015 là hơn 15 triệu người, đến năm 2021 là gần 18 triệu người. Không hiểu vì sao, vô số bài báo lại gọi học sinh là “chuột bạch” mà không hề giới hạn số lượng, vậy chẳng lẽ các cuộc thực nghiệm (thí điểm, thí nghiệm) của ngành Giáo dục đã sử dụng tới hàng triệu “chuột bạch”?

Để minh chứng, xin trích dẫn vài bài báo tiêu biểu:

“Học sinh không phải là chuột bạch thí nghiệm”. (vnexpress.net, 01/08/2014)

“Đừng đưa học sinh ra làm 'chuột bạch' nữa”. (tienphong.vn, 15/06/2018)

"Tại sao lại mang con tôi ra làm chuột bạch thí điểm". (vietnamnet.vn, 11/06/2018)

“Đại biểu bức xúc vì học sinh bị làm 'chuột bạch'”. (plo.vn, 15/11/2018)

“Đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm vì lấy học sinh làm... "chuột bạch" ”. (suckhoedoisong.vn, 15/11/2018)

“Đừng biến học sinh thành ‘chuột bạch’ ”. (daidoanket.vn, 14/10/2020)

…..

Cuộc thực nghiệm giáo dục kéo dài nhất

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thực nghiệm tới trên 40 năm, đề nghị cần có nghiệm thu chứ không thể kéo dài hết năm này qua năm khác. [2]

Năm 1978 bộ sách giáo khoa “Tiếng Việt công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa vào thực nghiệm tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ, nay là Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm. Cho đến năm 2021, khi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa loại bỏ các bộ sách công nghệ này thì thời gian “thực nghiệm” chính thức là 43 năm.

Năm 2019, Luật Giáo dục chính thức quy định về “thực nghiệm” chương trình phổ thông (mục đ, khoản 1 điều 31) và giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm “quy định về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông” (khoản 3, điều 31).

Cho đến nay, thật khó tìm thấy một văn bản hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật ban hành mấy chục năm trước cho phép tiến hành “thực nghiệm” trên hàng triệu học sinh trong thời gian kéo dài tới 43 năm!

Được biết chỉ riêng sách “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” năm 2019 đã “thực nghiệm” với 900.000 học sinh (phunuvietnam.vn, 12/09/2019).

Đáng tiếc là cho đến nay, rất nhiều tranh luận ủng hộ hoặc phản đối cuộc “đại thực nghiệm” này song một văn bản nghiệm thu, đánh giá ưu, nhược điểm của công cuộc thực nghiệm hình như chưa thấy công khai. Với cơ quan quản lý, quá trình “thực nghiệm” theo phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã chính thức chấm dứt hay chưa?

Cuộc thực nghiệm quy mô rộng lớn nhất, tốn nhiều tiền nhất

Một trong những dự án được triển khai khá rầm rộ những năm gần đây với kỳ vọng sẽ thay đổi cách dạy, cách học trong giáo dục phổ thông là Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN). Tổng số tiền vay nước ngoài cho dự án này là 87,6 triệu USD.

Mô hình trường học mới VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thí điểm từ năm 2011. Từ 48 lớp học thí điểm đầu tiên, sau 4 năm thực hiện, mô hình VNEN đã được triển khai tại 5.000 trường trên cả nước. [3]

Sau mấy năm thực hiện, việc tiếp tục ứng dụng mô hình VNEN đã vấp phải sự phản ứng của một số địa phương, các thầy giáo, cô giáo và học sinh.

Báo Nhân dân trong bài: “Nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc thực hiện mô hình VNEN” trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời điểm đó là ông Phùng Xuân Nhạ:

“Việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn…”. [4]

Đáng nói là chỉ dựa vào một vài văn bản hành chính (Công văn số 2764/BGDĐT-GDTH; Công văn số 1939/BGDĐT-GDTH,…) hàng triệu học sinh thuộc 5.000 trường tại 63 tỉnh, thành phố cả nước bị buộc trở thành vật thí nghiệm mà không ai thấy ngạc nhiên!

Đánh giá về sự chỉ đạo, điều hành hoạt động giáo dục - trong đó có dự án VNEN, báo điện tử Vtc.vn viết:

“Nếu chỉ chạy theo số lượng để tính thành tích sẽ tiếp tục tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn không mang lại hiệu quả thiết thực và nhiều thế hệ học sinh có thể trở thành “vật thí nghiệm” trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta”. [5]

Vtc.vn đã quá thận trọng khi cho rằng “nhiều thế hệ học sinh có thể trở thành “vật thí nghiệm” bởi “nhiều thế hệ học sinh đã thực sự trở thành vật thí nghiệm” chứ không phải là “có thể”.

Nguyên nhân nhiều học sinh không yêu thích môn Lịch sử và ngành sư phạm là lỗi của người lớn, của người biên soạn nội dung chương trình, sách giáo khoa, của người chỉ biết viết các con số khô khan về mỗi sự kiện lên bảng, của người quy định mức lương không đủ sống dành cho nhà giáo,…

Chừng nào nền giáo dục vẫn còn bị dư luận xã hội, đặc biệt là báo chí liên tưởng đến “chuột chạy cùng sào” và “chuột bạch” thì chừng đó tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ khó có thể mang lại kết quả mỹ mãn.

Hy vọng ngay trong năm con mèo này, hai "loại chuột" nêu trên sẽ không còn xuất hiện trong ngôi nhà giáo dục và sẽ sớm có các chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo xứng đáng để hút được người tài vào ngành giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/thu-hut-nhan-tai-dau-vao-da-mo-dau-ra-the-nao-20237.html

[2] https://kinhtedothi.vn/can-co-nghiem-thu-cong-trinh-sach-cong-nghe-giao-duc.html

[3] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5083

[4] https://nhandan.vn/nghiem-tuc-rut-kinh-nghiem-ve-viec-thuc-hien-mo-hinh-vnen-post270290.html

[5] https://vtc.vn/du-an-nghin-ty-dong-doi-moi-giao-duc-truoc-nguy-co-that-bai-ar271607.html

Xuân Dương