Trước những quan tâm của xã hội về kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay ở các địa phương, chiều 3/3/2023 vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi về vấn đề này. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã có những trả lời về việc nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán.
Tuy nhiên, qua những chia sẻ của Thứ trưởng, chúng tôi nhận thấy nội dung những chia sẻ vẫn khiến cho nhiều người còn băn khoăn bởi thực tế việc nhân điểm 2/3 môn thi là một việc làm không thực sự cần thiết mà các địa phương đang áp dụng.
Hơn nữa, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã hướng dẫn các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đều có vị thế như nhau thì những địa phương đang còn áp dụng nhân điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán đối với các trường Trung học phổ thông không chuyên là không còn phù hợp nữa.
Đa phần các địa phương vẫn đang áp dụng hình thức nhân điểm hệ số 2 đối với Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Nhân hệ số 2 điểm Văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh hiện nay không thực sự phù hợp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời với báo chí về việc nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 như sau: “Chương trình giáo dục phổ thông chú trọng đến việc phát triển toàn diện năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, không có nghĩa như vậy sẽ coi nhẹ các môn văn hoá, đặc biệt các môn quan trọng như Toán và Văn.
Bộ đã quy định, với chương trình phổ thông mới thì không còn tính điểm trung bình, không còn hệ số môn học để ghi vào học bạ.
Tuy nhiên, đối với việc tổ chức thi vào lớp 10, các trường phổ thông, địa phương phải nghiên cứu kỹ tình hình, yêu cầu của các trường. Từ đó có thể đưa ra yêu cầu môn Toán và Văn hệ số 2. Nếu chỉ với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì việc nhân hệ số cũng có lý do vì nhiều nơi không phải em nào cũng có điều kiện học ngoại ngữ như nhau.
Do vậy chọn nhân đôi hai môn Toán, Văn cũng có căn cứ. Mặt khác cũng có thể xem như yêu cầu đầu vào, vì trong quá trình học phổ thông, có thể hai môn này yêu cầu kiến thức nền tảng quan trọng hơn nên phải học tốt hơn. Địa phương có thể cân nhắc việc này, đặc biệt đối với các trường chuyên”. [1]
Chúng tôi cho rằng, nếu như trước đây, khi Bộ chưa ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc nhân hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh 10 là phù hợp.
Bởi lúc đó, Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT đã hướng dẫn môn Ngữ văn và Toán có một vị trí đặc biệt trong việc đánh giá, xếp loại học lực của học sinh qua từng học kỳ, từng năm học.
Tuy nhiên, khi Bộ ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT thì tại khoản 6, Điều 2 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ: "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ". Vì thế, môn Ngoại ngữ đã được đã có vị trí ngang bằng như các môn: Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại học tập của học sinh.
Việc bổ sung môn Ngoại ngữ ở Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT giúp cho học sinh có nhiều thuận lợi trong việc xếp loại học tập ở cuối học kỳ, cuối năm học và thực tế môn Ngoại ngữ cũng là một môn học có số tiết nhiều thứ 3 trong số các môn học ở cấp Trung học cơ sở (chương trình hiện hành) với 3 tiết/ tuần.
Thế nhưng, trong kỳ thi tuyển sinh 10 trong 2 năm qua và kể cả kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2023-2024 tới đây thì môn Ngoại ngữ vẫn phải nằm ở "chiếu dưới" khi vẫn được quy định tính điểm hệ số 1 còn môn Văn và Toán thì tính điểm hệ số 2 như khi chưa có Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT.
Trong thực tế, việc tuyển sinh 10 hiện nay chỉ có khối trường chuyên là không phân bổ địa bàn đối với thí sinh, các trường trung học phổ thông công lập không chuyên đều được phân bổ theo địa bàn.
Điều này có nghĩa, học sinh trong cùng địa bàn với nhau sẽ có điều kiện tương đồng như nhau, điều kiện học tập ở trường như nhau.
Không chỉ Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT mà ngay cả chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học phổ thông cũng đã hướng dẫn Toán, Văn, Ngoại ngữ là 3 trong số các môn học bắt buộc. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua thì các môn thi Toán, Văn Anh cũng là là những môn bắt buộc.
Hơn nữa, trong mấy năm gần đây, một số địa phương cũng đã không còn tính điểm hệ số 2 đối với môn Văn và Toán, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Nghệ An, Bình Dương, Ninh Bình…
Và, điều dễ nhìn thấy là đa phần các tỉnh tính điểm hệ số 1 trong kỳ thi tuyển sinh 10 lại đang là những địa phương có điểm trung bình nằm ở tốp đầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm.
Bỏ nhân điểm hệ số 2 để thấy rõ chất lượng thật
Kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2022-2023 vừa qua đã có tới 60/63 tỉnh thành tổ chức thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhưng đa số các địa phương vẫn đang áp dụng hình thức nhân điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán.
Điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là điểm thi tuyển sinh 10 trong những năm gần đây chỉ có những trường chuyên và những trường trọng điểm ở khu vực thành thị có điểm chuẩn đầu vào từ 6.0 điểm/ môn thi (nếu tính theo điểm hệ số 1).
Nhiều trường trung học phổ thông công lập trên cả nước lấy điểm đầu vào dưới 5,0 điểm/ môn (tính theo điểm hệ số 1). Có thể vì nếu tính điểm hệ số 1 sẽ có điểm chuẩn thấp nên phần lớn các địa phương đang thực hiện tính điểm hệ số 2 đối với môn Ngữ văn và Toán chăng?
Thực tế, nhiều địa phương công bố điểm thi tuyển sinh 10 có mức điểm chuẩn khá thấp. Chẳng hạn như điểm chuẩn vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 đối với khối trường không chuyên ở thành phố Cần Thơ có đến 21/27 trường lấy điểm đầu vào dưới 5,0 điểm/1 môn thi.
Đặc biệt, có những trường chỉ cần trên dưới 1,5 điểm/môn thi là đậu vào lớp 10 công lập, đó là: trường Trung học phổ thông Giai Xuân có điểm chuẩn là 7,40 điểm; Thạnh Thắng có điểm chuẩn là 7,50 điểm; Thới Thạnh lấy điểm chuẩn là 7,60 điểm…Trong khi đó, môn Ngữ văn và Toán nhân điểm hệ số 2.
Thậm chí, kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2020-2021, trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hóa) lấy điểm chuẩn là 2,9 điểm, trong khi Văn, Toán nhân điểm hệ số 2 nên thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển.
Thực ra, tính điểm các môn thi theo hệ số 1 hay tính hệ số 2 đối với Ngữ văn và Toán thì số lượng tuyển sinh cũng không hề thay đổi vì số lượng tuyển đầu vào đã được Sở giao chỉ tiêu từ khi chưa thi.
Vì thế, việc nhân hệ số 2 môn Toán, Văn là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://baochinhphu.vn/cap-nhat-hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-2-2023-10223030315221553.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.