Trường đại học "đua" nhau mở ngành sức khỏe, chuyên gia nói gì?

13/03/2023 06:45
Anh Trang
GDVN- TS. BS Nguyễn Đình Liên: Khi không đảm bảo được về các yếu tố như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành thì khó có chuẩn đầu ra chất lượng. 

Những năm gần đây, một số trường đa ngành “không chuyên” về đào tạo sức khỏe cũng đã và đang có xu hướng “lấn sân” mở ngành đào tạo lĩnh vực đặc thù này.

Trường đa ngành muốn mở ngành y, dược phải có cơ sở thực hành uy tín

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E, Hà Nội); giảng viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc các trường mở ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe là để đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội.

Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với thực trạng thiếu đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng,... nên khi các trường mở ngành đào tạo sẽ bổ sung một lượng lớn nhân sự, phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, để mở ngành thuộc khối sức khỏe, đặc biệt là các ngành y, dược thì các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng được những điều kiện hết sức chặt chẽ. Trong khi đó, ở Việt Nam, không phải trường đại học nào cũng đảm bảo được về đội ngũ nhân lực giảng viên, hệ thống máy móc hiện đại, cơ sở thực hành để phục vụ việc giảng dạy cho ngành đào tạo đặc thù này.

“Mở rộng hình thức đào tạo ngành y, dược ở các cơ sở đa ngành “không chuyên” chưa chắc đã tốt. Vì khi không đảm bảo được về các yếu tố như đội ngũ giảng viên chuyên môn vững vàng, cơ sở vật chất hiện đại, cơ sở thực hành uy tín thì khó có chuẩn đầu ra chất lượng. Như vậy sẽ làm giảm chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế mới ra trường”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên nói.

Một trong những yếu tố quan trọng khi các trường đa ngành xác định mở ngành mới thuộc lĩnh vực đào tạo sức khỏe là phải có cơ sở thực hành cho sinh viên khi vào học.

Các trường chuyên đào tạo khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đã có truyền thống, thương hiệu từ lâu thường có cơ sở thực hành là bệnh viện thuộc trường, hoặc liên kết và ký hợp đồng với các cơ sở thực hành lớn, uy tín. Đây cũng là các cơ sở giáo dục đại học quy tụ được nhiều giáo sư giỏi, đầu ngành vừa tham gia giảng dạy ở trường vừa giảng dạy thực hành ở các bệnh viện lớn. Từ đó, chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao và trình độ nhân viên y tế sau ra trường mới đảm bảo được yêu cầu của xã hội.

Ví dụ như, Trường Đại học Y Hà Nội có cơ sở thực hành trực tiếp là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngoài ra, trường cùng với các trường khác như: Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Dược Hà Nội... hợp tác với các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện E, … Đây đều là các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, cơ sở nghiên cứu y khoa chuyên sâu có thương hiệu nên việc hỗ trợ cho các trường y, dược nói trên đào tạo nhân viên y tế cũng bài bản và thuận lợi hơn.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, với một trường đa ngành mới mở các ngành y, dược thì khó mà liên kết được với các bệnh viện uy tín, chất lượng. Đặc biệt là các trường ở địa phương hoặc các trường tư thục không có nền tảng tài chính thực sự vững mạnh…

Một số cơ sở giáo dục đại học tư mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe liên kết với các bệnh viện ngoài công lập hoặc bệnh viện công lập khác,... Điểm hạn chế là số lượng bệnh nhân tại các bệnh viện này không lớn, các dạng bệnh lý không phong phú, trình độ của các giảng viên dạy thực hành không đồng đều như ở các trường đã có uy tín lâu năm.

Cơ sở thực hành thuận lợi và đảm bảo nhất là bệnh viện trực thuộc của trường đại học. Khi trường đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe xây dựng được hệ thống bệnh viện lâm sàng trực thuộc trường sẽ vừa đảm bảo được quyền lợi cho người học vừa đảm bảo được quyền lợi của các giảng viên dạy thực hành tại bệnh viện đó.

Để mở được ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, các điều kiện cần đáp ứng khá khắt khe. Vì vậy, ngoài đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao ngày càng có nhiều trường đại học “lấn sân” tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực đặc thù này, phải chăng vì vấn đề kinh tế?

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, ngành y, dược từ trước đến nay vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Đồng thời nhiều người đang nghĩ rằng, sinh viên ngành y, dược ra trường dễ kiếm việc, thu nhập cao và được xã hội coi trọng. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo những ngành học này rất lớn, quá trình đào tạo kéo dài và liên tục cả đời; đặc biệt là đào tạo bác sĩ đa khoa (có thời gian đào tạo lâu nhất).

“Nếu đào tạo ngành y đặt nặng vấn đề kinh tế thì các trường khó đảm bảo được chất lượng đào tạo. Vì không thể loại trừ trường hợp, trường sẽ tăng số lượng sinh viên lên bằng cách hạ thấp chuẩn đầu vào, cơ hội được giảng viên hướng dẫn sát sao từng sinh viên sẽ ít hơn, chất lượng đào tạo đầu ra khó đảm bảo được”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên chia sẻ quan điểm.

Cần tổ chức xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ ngành đạt chuẩn toàn quốc

Từ trước đến nay, ngành y, dược luôn có mức điểm chuẩn đầu vào đại học thuộc top cao nhất. Điều này nhằm đảm bảo tuyển được việc sinh viên có đủ năng lực học tập, phù hợp để lĩnh hội kiến thức về y khoa, dược học. Có như vậy, chất lượng đầu ra mới cao được.

Nhưng khi một trường đại học đa ngành mới mở ngành đào tạo sức khỏe, thông thường điểm chuẩn đầu vào không thể cao như các trường uy tín, có truyền thống thương hiệu.

Vì vậy, để hạn chế việc các trường mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe “tràn lan”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên cho rằng:

Thứ nhất, nước ta nên xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ ngành đạt chuẩn toàn quốc. Đây sẽ là hệ thống khảo sát và đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên học ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Từ đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường thuộc ngành (kể cả công - tư, cũ - mới) đều như nhau nếu các em có đủ năng lực, kiến thức.

Khi có hệ thống đánh giá như vậy thì các trường mới mở ngành y, dược sẽ tự nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên của trường đạt chuẩn.

Thứ hai, cần sự vào cuộc của các hiệp hội về y khoa, hiệp hội các trường đại học trong việc thẩm định chương trình đào tạo; năng lực, số lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở thực hành đảm bảo thì mới có thể mở ngành để đào tạo y, dược.

Mặt khác, phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hàng năm về năng lực đào tạo của các trường mới mở ngành đào tạo y, dược; nếu không đủ năng lực thì lại cho ngừng hoạt động lĩnh vực này. Thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định trước hết là đảm bảo quyền lợi sức khỏe của công dân Việt Nam, tiếp đến là để đảm bảo quyền lợi cho người học.

“Nhân viên y tế có chất lượng chuyên môn tốt sẽ giúp nâng cao được công tác khám, chữa bệnh và dự phòng bệnh tật. Ngược lại, nếu chất lượng nhân viên y tế thấp thì sẽ tăng tỷ lệ sai sót, sự cố y khoa làm giảm chất lượng y tế. Vì vậy, khâu thẩm định năng lực đào tạo của trường cần được chú trọng”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên nói.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, các trường đại học đa ngành muốn mở ngành y cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: PM

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: PM

Để phụ huynh và học sinh có thông tin rõ ràng khi đăng ký chọn ngành thì các trường này cần công bố công khai kết quả kiểm định. Trong đó có kiểm định chương trình, kiểm định đội ngũ, kiểm định cơ sở vật chất, kiểm định chất lượng đầu ra.

Nếu chưa có kết quả kiểm định đầu ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên cho đào tạo một số lượng ít sinh viên. Sau khi lứa sinh viên đầu tiên hoàn thành chương trình thì bắt buộc phải trải qua kiểm định và công bố kết quả công khai.

Các trường có quyền tự chủ trong mở ngành nhưng gắn liền với đó là trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất, nội bộ giảng viên, đánh giá chất lượng người học. Nếu kết quả kiểm định không đạt yêu cầu thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần yêu cầu trường đó dừng đào tạo. Còn lứa sinh viên đó sẽ được tạo điều kiện để học thêm, khi nào đảm bảo về chất lượng thì được cấp bằng.

“Hậu kiểm chất lượng đầu ra của khóa đầu tiên với ngành sức khỏe là việc làm quan trọng. Sau đó, phải có kế hoạch, kiểm định đánh giá thường xuyên. Đánh giá ở đây không chỉ là kiểm tra dựa trên những yếu tố chung chung mà là đánh giá chương trình đào tạo, tránh trường hợp ban đầu trường đáp ứng được điều kiện nhưng càng về sau càng không đảm bảo”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đảm bảo chất lượng của hoạt động đào tạo. Muốn vậy, phải huy động được các chuyên gia là bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng cả trong ngành, trong nhà trường và bệnh viện tham gia vào hội đồng kiểm định, đảm bảo chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Anh Trang