Khối sức khỏe thi riêng: Cần làm rõ ai chịu trách nhiệm, ai trong hội đồng ra đề

29/12/2022 06:33
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đại học có ngành đào tạo đến lĩnh vực y dược cần ngồi lại bàn bạc với nhau, nếu tổ chức kỳ thi riêng thì ai sẽ là người làm?

Từ trước đến nay, việc tuyển sinh đại học vào các khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe luôn được sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội. Hiện lãnh đạo một số trường đại học khối y dược đề xuất tổ chức một kỳ tuyển sinh riêng dành cho những trường thuộc khối ngành sức khỏe nhằm tạo ra chất lượng tuyển sinh đầu vào tốt nhất cho các trường.

Không cần có kỳ thi riêng cho khối ngành sức khỏe

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang khẳng định rằng, hoàn toàn không cần thiết có kỳ thi riêng dành cho các trường có tuyển khối ngành sức khỏe.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực, Trường Đại học Văn Lang (ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực, Trường Đại học Văn Lang (ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng, nếu ngành sức khỏe tuyển sinh riêng được, thì khối ngành Nhân Văn, Kinh tế, Kỹ thuật cũng đòi tuyển sinh riêng được hay sao? Tất cả các ngành tuyển sinh đều rất quan trọng.

Chất lượng đầu vào của sinh viên không thể bỏ lơ được, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng quá trình đào tạo. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, muốn có chất lượng đào tạo tốt, các trường cần cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ các thầy cô giáo (giảng viên), cơ sở vật chất và nhất là chương trình đào tạo cần hướng đến với tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp nhất với sinh viên.

Còn chất lượng đầu vào đương nhiên cũng vẫn cần được chú ý, mà cụ thể là điểm chuẩn đầu vào của ngành sức khỏe cần cao hơn các ngành khác, để có thể chắt lọc được tinh hoa từ sinh viên.

Qua một quá trình đào tạo tại trường, em nào giỏi thì ra đường thì đương nhiên sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành y tế.

Ngoài ra thì đội ngũ giảng viên cũng phải tốt, cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo sinh viên không chỉ phải phù hợp tại Việt Nam mà cũng cần phải hướng đến chuẩn quốc tế.

Nên có chứng chỉ hành nghề khối sức khỏe

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn đề xuất, nên chăng cần có một chứng chỉ hành nghề dành riêng cho khối ngành sức khỏe. Nếu không có chứng chỉ này thì không được hành nghề sau khi tốt nghiệp đại học.

Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là một tổ chức độc lập. Tất cả sinh viên thuộc khối ngành sức khỏe đều phải có chứng chỉ hành nghề này, bất kể là được đào tạo trong trường đại học công lập hay ngoài công lập.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên thuộc khối ngành sức khỏe, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết, vấn đề quan trọng nhất là cần nâng cao chất lượng đào tạo của khối ngành này.

Ví dụ như chỉ tiêu đào tạo của các trường không cần quá nhiều. Mỗi năm có thể chỉ tuyển vài chục em thôi, nhưng đội ngũ giảng viên của khối ngành này cần phải chất lượng, có tay nghề và chuyên môn thật tốt.

Ngoài ra cũng cần chú ý đến cơ sở vật chất cần hiện đại, chương trình đào tạo nhiều hơn nữa.

Quá trình đào tạo sinh viên khối ngành sức khỏe cần siết lại. Quy trình kiểm tra đánh giá cần có một chuẩn nhất định, việc thực hành và thí nghiệm lâm sàng hay cận lâm sàng cần phải được đảm bảo.

Chuẩn đầu ra của sinh viên thuộc khối ngành này cũng cần phải đặt ra, từ thái độ kỹ năng đến kiến thức.

Sinh viên nào học yếu quá sẽ tự động bị đào thải. Khối ngành sức khỏe là ngành quan trọng, có liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người, nên tất cả cần hết sức cẩn trọng.

Nên có kỳ thi tuyển sinh riêng dành cho khối ngành sức khỏe

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Vạn Phước – Trưởng khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quan điểm của thầy là nên có một kỳ thi tuyển sinh dành riêng cho khối ngành sức khỏe.

Thầy Đặng Vạn Phước cho hay, cách đây vài năm, Hội đồng các trường đại học có tuyển sinh khối ngành sức khỏe đã từng có đề cập đến vấn đề này.

Nguyên nhân là do phương thức xét tuyển bằng học bạ, bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa được đánh giá tốt, mà đầu vào của sinh viên khối ngành sức khỏe muốn được nâng lên.

Theo Giáo sư Đặng Vạn Phước, việc có kỳ thi tuyển sinh riêng dành cho khối ngành sức khỏe thì một số nước tiên tiến trên thế giới cũng đã áp dụng, do đây là ngành đặc thù khác với những ngành khác, phục vụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người.

Thầy Đặng Vạn Phước nói rằng, nếu muốn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, thì các trường đại học có ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này cần ngồi lại bàn bạc với nhau, nếu có tổ chức thì ai sẽ là người làm? Ai chịu trách nhiệm cho kỳ thi này? Ai nằm trong hội đồng ra đề để làm cho chuẩn?

“Tất cả hoàn toàn không đơn giản chút nào” – Giáo sư Đặng Vạn Phước nhấn mạnh.

Dù vậy, thầy Đặng Vạn Phước vẫn mong khối ngành liên quan đến sức khỏe vẫn có thể có một đề thi chung gồm hai phần. Phần đầu có thể là một số kiến thức chung của bậc trung học phổ thông, còn phần sau là một số kiến thức riêng có liên quan đến ngành y, để tuyển đầu vào cho sinh viên thuộc ngành này.

Hiện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có kỳ thi đánh giá năng lực, và Khoa Y lấy 10% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi này, nên việc tuyển chọn đầu vào của sinh viên sẽ rất kỹ.

Ngoài ra, thầy Đặng Vạn Phước còn đề xuất, sau kỳ thi tuyển sinh như đã nêu ở trên, khi có điểm thi xong có thể thực hiện một kỳ phỏng vấn các thí sinh, để kiểm tra thêm tố chất, trắc nghiệm tâm lý phù hợp với với ngành y không?

Trưởng khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học sinh muốn theo học ngành y ngoài việc phải học giỏi cho đến rất giỏi, còn phải có tố chất, say mê và yêu thích nghề này”.

Cuối cùng, Giáo sư Đặng Vạn Phước chia sẻ, với những ngành đào tạo đặc thù như sức khỏe, kiến trúc thì ngoài việc xây dựng đề thi tuyển sinh có các kiến thức chung, thì vẫn có thể áp dụng giống như là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tức là nên có thêm một vài câu hỏi riêng cho từng ngành.

Những đề thi tuyển sinh này cần đánh giá đúng năng lực của thí sinh, vừa kiểm tra được kiến thức ở bậc trung học phổ thông, mà còn nên có một cuộc phỏng vấn để hướng nghiệp cho các em học sinh.

Việt Dũng