Sinh viên sư phạm nhận hỗ trợ theo Nghị định 116 có được về quê công tác?

13/03/2023 09:06
AN NGUYÊN
GDVN- Nhiều thí sinh bày tỏ băn khoăn nếu trúng tuyển vào Trường Sư phạm và nhận tiền trợ cấp hàng tháng thì khi học xong có được xin về quê làm hay không.

Ngày 12/3, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức “chương trình tư vấn trực tuyến tuyển sinh đại học chính quy năm 2023” với sự tham gia của lãnh đạo các trường đại học thành viên, học sinh trung học phổ thông và phụ huynh.

Theo Phó Giáo sư Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chương trình nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời đến các em học sinh và phụ huynh những thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 vào các trường đại học thành viên, các đơn vị đào tạo trực thuộc (cơ sở đào tạo thành viên) của Đại học Đà Nẵng.

Tuyển sinh Đại học Đà Nẵng năm nay có gì mới?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Quận - Phó trưởng ban Ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng, năm 2023, Đại học Đà Nẵng tuyển sinh đại học chính quy vào 9 cơ sở đào tạo thành viên với tổng cộng có 146 ngành, chương trình đào tạo thuộc 16 lĩnh vực.

Lãnh đạo các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: AN

Lãnh đạo các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: AN

“Đại học Đà Nẵng giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm trước để tạo điều kiện thuận lợi, tránh xáo trộn để đem lại sự yên tâm cho thí sinh và phụ huynh với 4 phương thức tuyển sinh chính bao gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét học bạ trung học phổ thông; Xét tuyển sinh riêng; Xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Trong những năm qua, Đại học Đà Nẵng không ngừng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, áp dụng nhiều phương pháp dạy - học tiên tiến, tích cực;

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; mở mới thêm một số ngành đào tạo cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội và nguồn nhân lực chất lượng cao như: chương trình đào tạo chuyên ngành “Marketing số” giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh của Trường Đại học Kinh tế; Ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

Đại học Đà Nẵng cũng như các cơ sở đào tạo thành viên tiếp tục triển khai nhiều chính sách ưu đãi, miễn/giảm/giãn học phí, huy động nhiều nguồn học bổng thiết thực hỗ trợ sinh viên/tân sinh viên, chia sẻ, đồng hành cùng người học”, Tiến sĩ Quận cho hay.

Tại chương trình, có thí sinh đặt câu hỏi: “Nếu trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thì sau khi học xong ra trường, em sẽ đi dạy hay đi làm về kỹ thuật như các kỹ sư/ kiến trúc sư?”.

Tiến sĩ Nguyễn Linh Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh và đào tạo 16 ngành, trong đó 15 ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và một ngành liên quan đến lĩnh vực đào tạo giáo viên (ngành sư phạm kỹ thuật – chuyên ngành công nghệ thông tin).

Riêng trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật thì trường đào tạo và cấp ngành kỹ sư, kiến trúc sư và cử nhân đối với các ngành có nhu cầu xã hội cao như: công nghệ thông tin, robot, cơ khí, điện điện tử - tự động hóa… Thời gian đào tạo hệ kỹ sư và kiến trúc sư là 4,5 năm, các ngành cử nhân là 4 năm.

“Riêng ngành sư phạm, nhà trường cấp bằng cử nhân liên quan đào tạo giáo viên. Sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành giáo viên, giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng… về các nhóm liên quan đến kỹ thuật”, thầy Nam cho biết.

Học sư phạm Tiểu học: Ra trường có việc làm hay không?

Trong chương trình tư vấn lần này đã nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc của học sinh, phụ huynh liên quan đến đào tạo giáo viên.

Tiến sĩ Phan Đức Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về các phương thức tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023. Ảnh: AN

Tiến sĩ Phan Đức Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về các phương thức tuyển sinh khối ngành sư phạm năm 2023. Ảnh: AN

Tiến sĩ Phan Đức Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, về phương thức xét tuyển sinh và điều kiện xét tuyển của trường năm 2023 cũng sẽ xét tuyển theo các phương thức chung của Đại học Đà Nẵng.

“Trong đó, khối ngành sư phạm có 4 phương thức xét tuyển. Đó là xét tuyển theo điểm thi trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển theo học bạ, xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của khối ngành sư phạm do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức và xét tuyển thẳng theo đề án của Bộ.

Trong năm này, phương thức xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực của khối ngành sư phạm do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức là phương thức xét tuyển mới.

Kỳ thi này sẽ đánh giá năng lực học sinh qua 8 môn học riêng biệt gồm: Toán, Hóa, Lý, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Trong đó, thí sinh sẽ lựa chọn thi tổ hợp mà mình xét tuyển.

Ví dụ các em chọn tổ hợp Toán – Lý – Hóa theo sở trường hoặc khối ngành mà các em lựa chọn. Với phương thức này, các em sẽ giảm đi số môn học mà các em phải ôn luyện. Và nó có thể phát huy được năng lực, sở trường của học sinh, nâng cao khả năng trúng tuyển.

Đặc biệt, với phương thức xét tuyển này khi các em trúng tuyển vào thì sở trường của các em sẽ được phát huy trong môi trường đại học”, Tiến sĩ Tuấn giải thích.

Một thí sinh khác đặt câu hỏi về cơ hội việc làm đối với ngành giáo dục tiểu học sau khi ra trường? Thầy Tuấn cho hay, đây là ngành có phương thức xét tuyển như các khối ngành khác về đào tạo giáo viên. Cơ hội nghề nghiệp rất lớn.

“Hiện tại nhu cầu giáo viên của cả nước khá lớn, thiếu khoảng 94.000 giáo viên. Trong đó, nhu cầu về giáo viên tiểu học là khoảng 27.000 người.

Hiện tại, các sinh viên ngành tiểu học đang theo học tại nhà trường thì vào năm thứ 4, các bạn đã gần như có các cơ sở giáo dục đặt hàng, chọn được việc làm tốt cho mình. Nếu em chọn ngành sư phạm tiểu học thì cơ hội việc làm của em đang rộng mở”, thầy Tuấn nói.

Bạn LQT. cũng đặt câu hỏi liên quan đến đào tạo giáo viên: “Nếu em trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và nhận tiền trợ cấp hàng tháng thì khi học xong, em có được xin về quê làm hay không? Hay phải theo quy định của trường?”.

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Tuấn nói: “Vấn đề em hỏi liên quan đến Nghị định 116 dành riêng cho khối ngành sư phạm. Theo đó, sinh viên ngành sư phạm có mong muốn nhận hỗ trợ thì các em sẽ làm đơn.

Khi đó sẽ có quyền lợi là miễn hoàn toàn học phí và nhận thêm số tiền là 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Như vậy, nếu tính cả khóa học, các bạn được hỗ trợ gần 200 triệu đồng.

Đương nhiên quyền lợi sẽ đi liền với nghĩa vụ. Cụ thể, nếu sinh viên nhận được hỗ trợ theo Nghị định 116 thì phải cam kết sau 2 năm tốt nghiệp thì phải công tác trong ngành giáo dục thiểu 8 năm.

Các vị trí công tác của các em bao gồm: các cơ quan về giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập, tư thục. Hiện nay, thí sinh trúng tuyển vào trường sẽ nhận hỗ trợ theo diện nhu cầu xã hội.

Tức là các em sẽ được tự tìm kiếm việc làm trong ngành giáo dục theo năng lực và mong muốn của bản thân. Nhà trường không có quy định và ràng buộc nào về việc phân công các em công tác tại một đơn vị nhất định. Em hoàn toàn được lựa chọn nơi công tác, miễn đó là đơn vị trong ngành giáo dục”, thầy Tuấn cho biết.

AN NGUYÊN