Tại cuộc họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm, theo hình thức trực tuyến, vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giản.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tổng hợp cho thấy năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, Bộ thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến:
“Nếu chúng ta đứng ở góc độ nhà quản lý với cái nhìn tổng thể thì đúng là 20 phương thức tuyển sinh là quá nhiều, quá khác biệt dẫn đến việc không thể so sánh các phương thức với nhau.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Dưới góc nhìn này, theo tôi, yêu cầu giảm các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Nhưng nếu nhìn ở góc của các trường và của người học thì nếu bó hẹp, chỉ sử dụng một vài phương thức tuyển sinh sẽ dẫn đến sự hạn chế quyền tự chủ của nhà trường và không đáp ứng được với sự đa dạng và phức tạp về nhu cầu của học sinh trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.
Do vậy, nếu đề xuất này được triển khai, có thể dẫn đến tranh luận không có hồi kết giữa một bên muốn giảm để việc quản lý được thuận tiện hơn, còn một bên lại muốn đáp ứng sự đa dạng của người học cũng như yêu cầu riêng biệt của từng ngành học, nhằm giúp các em chọn được phương thức nào thể hiện rõ khả năng của mình tốt nhất”.
Theo bà Phương Anh, khi ngành giáo dục đưa ra một quy định hay chính sách chung thì cần xem xét sao cho phù hợp với tất cả mọi người, mọi trường hợp, tránh tình trạng chính sách đưa ra chỉ phù hợp với một số trường, ví dụ như chỉ phù hợp với việc đào tạo hàn lâm của các trường công lập.
“Nếu chúng ta đánh giá năng lực con cá qua yêu cầu phải biết leo cây thì loài cá sẽ luôn luôn bị đánh giá là kém, trong khi năng lực của cá phải được đánh giá qua khả năng bơi lội. Do đó, theo tôi, mặc dù việc giảm bớt các phương thức tuyển sinh có thể giúp cho ngành giáo dục dễ dàng hơn trong việc quản lý việc tuyển sinh tại các trường, nhưng điều này lại đi ngược với chủ trương tăng thêm quyền tự chủ cho các trường và mở rộng tiếp cận giáo dục, giúp cho mọi người dân có cơ hội học tập ở bậc đại học. .
Bởi vậy, tôi đề xuất 2 giải pháp để giúp cho đề xuất này nếu được triển khai sẽ diễn ra một cách hiệu quả hơn.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra một quy định về tổng số phương thức tuyển sinh mà một trường có thể sử dụng, chứ không nên quy định cụ thể là phải sử dụng những phương thức nào. Chẳng hạn, trong số các phương thức đang sử dụng hiện nay, các trường có thể chọn khoảng 5-7 phương thức để tuyển sinh và báo cáo về cho Bộ theo quy định.
Đồng thời, trước khi đưa ra quy định này, Bộ cần phải thống kê các phương thức tuyển sinh mà các trường đang sử dụng, căn cứ để đưa ra những phương thức này, và tỷ lệ thí sinh lựa chọn từng phương thức cụ thể, từ đó có thể tổng hợp những ưu điểm và nhược điểm của từng phương thức, đồng thời có thể yêu cầu các trường giải trình lý do vì sao phải duy trì một số phương thức mà có rất ít thí sinh chọn chẳng hạn.
Thứ hai, nhìn nhận từ thực tế, chúng ta có thể thấy được việc các trường đang dùng nhiều phương thức tuyển sinh là do họ muốn thu hút được sinh viên vào một số ngành khó tuyển, hoặc đang đào tạo những nhóm ngành đặc thù, đòi hỏi những năng lực riêng biệt.
Do vậy, nếu có trường đang sử dụng quá nhiều phương thức thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể yêu cầu những trường đó giải thích lý do tại sao phải cần nhiều phương thức. Không nên áp đặt một phía, bởi ngay cả các phương thức được chọn lọc kỹ lưỡng nhất vẫn có thể chỉ phù hợp với một số trường này nhưng lại không phù hợp với những trường khác”.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, thí sinh là người hiểu rõ nhất phương thức tuyển sinh nào phù hợp với mình, và chính họ sẽ lựa chọn đúng phương thức để thể hiện năng lực mình tốt nhất. Đây mới chính là sự công bằng trong tuyển sinh, trong khi nếu chỉ bó hẹp trong một số phương thức tuyển sinh thì sẽ dễ xảy ra tình trạng "bắt cá leo cây" như đã nêu ở trên.
Cuối cùng, mỗi quy định khi đưa ra sẽ có những đánh giá khác nhau tùy theo góc nhìn của người đánh giá. Điều quan trọng là các chính sách, quy định đưa ra có được sự nhất quán với các chủ trương chung của ngành giáo dục. Bà Phương Anh mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa ra những quy định nhất quán với chủ trương trao quyền tự chủ và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, để các trường có thể có được những cách làm phù hợp với mục tiêu hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Cũng bàn về việc giảm phương thức tuyển sinh cho năm 2023, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Giáp Văn Dương nêu quan điểm:
“Theo tôi, việc phát sinh ra quá nhiều phương thức tuyển sinh, một phần cũng vì các trường chưa được tự chủ thực sự trong việc tuyển sinh, về cả cách thức và thời điểm, nên mới sinh ra nhiều phương thức tuyển sinh như vậy để đáp ứng nhu cầu thực tế của các trường.
Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Giáp Văn Dương (Ảnh: NVCC). |
Do vậy, tôi không khuyến nghị bỏ hay giữ phương thức tuyển sinh cụ thể nào, mà việc giảm phương thức tuyển sinh sẽ do chính các trường sẽ quyết định đâu là phương thức tuyển sinh phù hợp nhất với mình.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy, số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh. Định hướng lựa chọn học đại học cơ bản cũng được thí sinh và gia đình quyết định từ trước. Vì thế, việc sinh ra quá nhiều phương thức tuyển sinh chỉ thêm phức tạp, tiêu tốn thời gian và nguồn lực của xã hội.
Vì thế, tôi ủng hộ việc giảm số lượng các phương thức tuyển sinh hiện tại nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để các trường tự quyết định trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc trưng và điều kiện của trường mình”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Giáp Văn Dương cũng cho rằng, mục tiêu của thí sinh là được vào học trường đại học mình mong muốn và được học ngành học mình thích. Vì thế, phương thức tuyển sinh cụ thể của trường với ngành học mới là mối quan tâm của thí sinh.
Do vậy, nếu quá nhiều phương thức tuyển sinh thì sẽ gây lãng phí về tâm trí, thời gian và tài chính cho cả thí sinh và nhà trường. Những chi phí đó không thực sự mang lại lợi ích, vì không thực sự giải quyết được các vấn đề đang tồn tại.
“Nếu so sánh số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sẽ thấy, nếu thí sinh muốn học đại học, thì chắc chắn đỗ không vào trường này sẽ vào trường khác.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: thí sinh có vào được trường mình muốn hay không, và trường có chọn được thí sinh phù hợp với đặc trưng và vị thế của trường hay không.
Điều này chỉ có thể giải quyết khi các trường đưa ra những mục tiêu cụ thể và từ đó quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp nhất cho trường mình”.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương cũng cho rằng, việc sinh ra quá nhiều phương thức tuyển sinh suy cho cùng chỉ nhằm để tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển được những thí sinh đáp ứng được mong đợi của nhà trường.
Cũng theo ông Dương, vào mấy chục năm trước, các trường đều tự túc trong việc tuyển sinh của trường mình. Vì thế, tính chuyện tăng hay giảm, tốt nhất cứ để các trường tự làm, theo cách phù hợp nhất với đặc trưng và vị thế của trường mình.