Ngày 13/3, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký báo cáo số 43/BC-UBND, về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 2011-2022, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với giáo dục đại học: Thành phố phấn đấu có 12% dân số có trình độ đại học trở lên đến năm 2025, và đạt 15% đến năm 2030. Phấn đấu 70% các trường đại học trên địa bàn thành phố có triển khai đại học số, xây dựng học liệu số đến năm 2025, và 9at5 90% đến năm 2030.
100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó 10% đạt chuẩn kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín, 45% chương trình đào tạo (đủ điều kiện) đạt chuẩn kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên đủ điều kiện ở tất cả các trình độ đạt chuẩn kiểm định.
Tỷ lệ công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa quốc tế có uy tín trên giảng viên đạt 0,45 vào năm 2025, và 0,75 vào năm 2030. Tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục đại học và số sinh viên đại học ngoài công lập đạt 30% và 22,5%, và đến năm 2030 là 35% và 25%. Thực hiện cơ chế đặt hàng, hoặc đấu thầu trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo.
Ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực bậc đại học, sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm (Công nghệ thông tin – truyền thông, Cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị) góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho thành phố trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 có 15% dân số có trình độ đại học trở lên (ảnh minh họa: HIU) |
Xây dựng và triển khai mô hình Đại học chia sẻ, có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học, như: Con người, cơ sở vật chất, học liệu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Chú trọng phát triển học liệu mở trong giáo dục đại học bằng cách đầu tư có hệ thống vào sản xuất, sử dụng học liệu mở để cải thiện chất lượng các chương trình giảng dạy.
Với giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ quốc gia và Asean-4, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 87%. Một số chỉ tiêu chủ yếu là:
Thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, học sinh – sinh viên nữ đạt trên 305 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 45% lực lượng lao động.
Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 50% chương trình đào tạo của các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Ít nhất 2 trường cao đẳng, 5 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.
Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng quản lý – quản trị hiện đại.
Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
Phấn đấu trên địa bàn thành phố có 5 trường chất lượng cao, có 3 trường tiếp cận trình độ các nước Asean-4, 2 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, khoảng 10 nhóm ngành, nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước Asean.
Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia, có công nghiệp hiện đại, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc gia, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực Asean-4, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 89%. Một số chỉ tiêu chủ yếu:
Thu hút 50 – 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, học sinh – sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 60% lực lượng lao động.
Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%.
Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng quản lý – quản trị hiện đại.
Phấn đấu 100% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
Phấn đấu có 10 trường chất lượng cao.