Kiến nghị có phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, chuyên viên Phòng, Sở, Bộ GD

15/03/2023 06:39
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định cho cán bộ, chuyên viên công tác tại Phòng, Sở, Bộ GD được hưởng phụ cấp thâm niên.

Ngày 13/3, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký báo cáo số 43/BC-UBND, về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2022, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với giáo dục mầm non: Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 60% trở lên.

Đến năm 2030: 75% số quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 205, 100% hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non hàng năm tăng từ 2 đến 3%.

10% trường mầm non công lập đảm bảo điều kiện tự chủ, 100% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục mầm non đủ giáo viên theo quy định, 100% giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, 60% giáo viên có trình độ trên chuẩn, 100% trẻ em mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh.

90% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo, 99% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, giảm tỷ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%.

100% cơ sở giáo dục mầm non độc lập có cổng thông tin kết nối với ngành vào năm 2025.

Đến năm 2045: Sẽ phấn đấu 20% trường mầm non công lập đảm bảo điều kiện tự chủ.10% trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

80% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia. 100% quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục duy trình, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo.

Với giáo dục phổ thông: Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 100%, chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 là 40%.

Học sinh tiểu học của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh có tính minh họa: P.L)

Học sinh tiểu học của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh có tính minh họa: P.L)

Tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 99,5%ở trung học cơ sở đạt 95%, ở trung học phổ thông và tương đương đạt 75%.

Tỷ lệ học sinh chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở là 99,5%, tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học là 99%, tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và tương đương là 95%, tỷ lệ hoàn thành trung học cơ sở đạt 99,5%, hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 99%.

Tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt 40% và 30%, đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng đạt 50% và 35%.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục: Đến năm 2030, thành phố đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia, gồm 60% trường mầm non công lập, 80% trường tiểu học, 705 trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông công lập.

Mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học.

Mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức phấn đấu có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện chương trình chất lượng cao :Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Thành phố có ít nhất 10 trường trung học phổ thông, trường trung học phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt tiêu chí trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

30% trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đảm bảo đủ điều kiện tự chủ.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định cho cán bộ, chuyên viên công tác tại các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 06/2015/TT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 Quy định danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở một số nội dung: Khoản 4, Điều 5 về nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ cần đảm bảo phải có đủ 3 người đối với 3 vị trí việc làm là kế toán, văn thư và y tế trường học.

Điều chỉnh Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 28/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều cấp học. Tại Điều 5, Khoản 2 và điểm a, Khoản 3 có quy định trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp “Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em, đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10m2/trẻ là chưa phù hợp với thực tế, do có những cơ sở giáo dục mầm non về diện tích và cơ sở vật chất vượt hơn quy định. Vì vậy, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được tính diện tích sàn xây dựng/trẻ.

Điều chỉnh Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó tại Điều 3 khoản 1 có quy định: “Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đạt trình độ chuyên môn, nhưng không thể lên trường do vị trí đất xin phép thành lập trường mầm non hầu hết không phải là đất quy hoạch giáo dục, nên các đơn vị mầm non ngoài công lập chỉ tồn tại ở dạng nhóm, lớp.

Ban hành định mức chi tối thiểu cho một học sinh, sinh viên ở cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học, ngành nghề đào tạo.

Việt Dũng