Cô gái đến từ vùng đất mỏ giành 3 học bổng thạc sĩ toàn phần

22/03/2023 06:45
Tường San
GDVN- Với khát khao có thêm nhiều kiến thức để giảm thiểu được các rủi ro thiên tai, Hương Ngân đã quyết tâm giành học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ. 

Nhờ sự nỗ lực và cố gắng, Vũ Hương Ngân, cô gái đến từ vùng đất mỏ Quảng Ninh, cựu sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi, đã giành được 3 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ, gồm: học bổng của Viện Công nghệ Châu Á - AIT, học bổng của Đại học quốc gia Seoul và học bổng Chính phủ New Zealand tại Đại học Canterbury.

Có lẽ, vì sinh ra và lớn lên tại vùng biển nên Hương Ngân đã lựa chọn học tại Đại học Canterbury (New Zealand) với mong muốn có thể trau dồi thêm được nhiều kiến thức để áp dụng vào các dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam.

“Tôi lựa chọn chuyên ngành Quản lý rủi ro và phòng chống thiên tai vì đây là một ngành học vừa cần thiết, vừa thú vị nhưng chưa được nhiều người học trong nước quan tâm đến.

Hương Ngân (đứng thứ 2 từ bên phải vào) tại buổi thuyết trình mô phỏng lại toạ đàm chiến lược giảm thiểu rủi ro và ứng cứu sau trận động đất kinh hoàng tại Christchurch (khu vực đô thị lớn thứ ba của New Zealand. (Ảnh: NVCC).

Hương Ngân (đứng thứ 2 từ bên phải vào) tại buổi thuyết trình mô phỏng lại toạ đàm chiến lược giảm thiểu rủi ro và ứng cứu sau trận động đất kinh hoàng tại Christchurch (khu vực đô thị lớn thứ ba của New Zealand. (Ảnh: NVCC).

Thực tế cho thấy, New Zealand là một quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai nhưng đây cũng là đất nước có phương pháp và hệ thống xử lý thiên tai tiên tiến bậc nhất. Do vậy, tôi mong rằng, bản thân mình sẽ tiếp thu, học tập được những kiến thức mà chương trình mang lại để quay trở về giúp đỡ cho quê hương.

Hơn nữa, New Zealand cũng có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường sống và con người thân thiện, nên tôi muốn trải nghiệm học tập ở một nơi như vậy”, Hương Ngân chia sẻ.

Là học bổng mà bản thân Hương Ngân đã mong ước từ lâu, và cô cũng phải rất cố gắng để có được, nên ngay khi nhận thông tin, Hương Ngân đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc, phải xác nhận lại thông tin với rất nhiều bên liên quan xem đây có phải là sự thật hay không.

Học bổng Chính phủ New Zealand (tên mới là Manaaki scholarship) mà cô nhận được bao gồm: miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, vé máy bay 2 chiều, bảo hiểm và nhiều khoản hỗ trợ khác. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học trong hành trình tiếp thu nền kiến thức mới tại đất nước này.

Bên cạnh đó, theo Hương Ngân, giá trị lớn mà học bổng này mang lại cho du học sinh đến từ các nước đang phát triển là có thêm cơ hội được kết nối, học tập ở quốc gia với nền giáo dục phát triển; được kết bạn và xây dựng nhiều mối quan hệ, khám phá các nền văn hóa trên thế giới,...

Từ những cơ hội ấy sẽ giúp cho du học sinh có thêm nhiều hiểu biết để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tạo dựng cuộc sống ý nghĩa hơn. Giá trị này khó có thể đo đếm được.

Chia sẻ về kinh nghiệm để giành được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ, Hương Ngân cho biết, yếu tố quan trọng nhất chính là kỹ năng “tìm kiếm” - điều mà ít người nhắc đến khi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng.

“Không phải ai cũng có kỹ năng này và không đơn giản chỉ gõ câu hỏi rồi nhờ các công cụ trí tuệ nhân tạo tìm kiếm, trả lời là xong. Kỹ năng tìm kiếm đòi hỏi chúng ta cần nghĩ ra nhiều tình huống, tìm ra keywords (từ khóa) và “đào” lượng thông tin sâu nhất có thể.

Như với bản thân tôi, khi tìm học bổng, chỉ riêng việc tìm kiếm thông tin và đọc hiểu từng loại học bổng đã ngốn đến vài tháng, rồi sau đó mới quyết định nộp loại nào. Cũng nhờ sự tìm hiểu và chọn lọc kỹ lưỡng, tôi đã đỗ được 3 trong 4 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ mà mình đã nộp hồ sơ”, Hương Ngân nói.

Bên cạnh đó, cô luôn đặt ra mục tiêu cho bản thân là mỗi ngày, cần tận dụng hết quỹ thời gian để học hỏi thêm nhiều điều mới. Những kiến thức mà bản thân trau dồi không chỉ đến từ sách vở mà còn đến từ việc tham gia các câu lạc bộ, đi làm thêm,...

Trong quá trình học trên lớp, người học cũng nên tạo sự liên kết với giảng viên của mình bằng cách thường xuyên trao đổi, xin tham gia các dự án, nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô,… Bởi, khi được học tập và làm việc cùng những người có nền tảng kiến thức cao hơn và nhiều kinh nghiệm sẽ giúp mình rút ngắn thời gian tự học.

Theo Hương Ngân, nhiều đơn vị cấp học bổng hiện nay cũng yêu cầu kinh nghiệm làm việc, do vậy, bạn nào có dự định du học bằng học bổng nên tìm kiếm, làm những công việc có liên quan đến ngành học của mình. Đặc biệt là những công việc có tính đóng góp và ý nghĩa xã hội cao. Trong quá trình học tập ở Việt Nam, cô cũng từng làm việc ở tổ chức phi chính phủ quốc tế về nông nghiệp và biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những yếu tố ghi điểm giúp Hương Ngân đạt được học bổng toàn phần du học bậc thạc sĩ.

Ngoài việc học, Hương Ngân cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cô từng là ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên trường, tham gia câu lạc bộ tình nguyện, đội văn nghệ của trường. Đặc biệt, cô còn giành danh hiệu Á khôi 1 Mr & Miss Thuy Loi 2016 và sinh viên 5 tốt cấp trường. Đồng thời, cô cũng tích cực tham gia các hội thảo quốc tế với một số bài báo khoa học.

Mặt khác, học bổng toàn phần thường đòi hỏi ứng viên về độ phù hợp với chuyên ngành cao. Điều này được biểu hiện ở việc ứng viên hiểu học bổng đó cần người như thế nào, bản thân mình phù hợp ra sao cũng như lý do chọn quốc gia, chuyên ngành đó để theo học.

“Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì mình đã gặp được những thầy cô tâm huyết ngay từ khi học đại học. Bản thân cũng là một người khá năng động nên hay xin tham gia hỗ trợ các hội nghị, hội thảo khoa học. Nhờ đó mà tôi có thêm nhiều cơ duyên gặp các thầy cô giỏi để được mở mang thêm kiến thức, xác định hướng đi của mình được thuận lợi hơn”, Hương Ngân nói thêm.

Tuy nhiên, dù chuẩn bị kỹ, thì quá trình xin học bổng cũng không hề dễ dàng. Khó khăn nhất là lúc đến vòng chọn thứ 2, khi đó Việt Nam bắt đầu ở trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19, đa số mọi người làm việc online nên dẫn đến quá tải, kết nối, tốc độ truyền mạng kém. Có hôm, Hương Ngân đã phải xuống chân cầu thang khu phòng trọ để "vớt sóng mạng" mà hoàn thiện thêm hồ sơ cho vòng 2. Thậm chí, đến vòng phỏng vấn (online), mạng của phòng vẫn chập chờn nên Hương Ngân cũng nhiều lo lắng.

Không phải ai cũng giỏi ngay từ ban đầu mà đều phải trải qua nhiều nỗ lực cố gắng không ngừng mới có được thành quả. Trong quá trình học đại học, bản thân Hương Ngân đã từng không đạt yêu cầu môn tiếng Anh rất nhiều lần. Ở thời điểm đó, cô cũng không nghĩ bản thân có thể xin được học bổng để đi du học.

Nhưng vì quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình, mỗi tối, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, đi chơi cô tập trung học tiếng Anh. Cuối cùng Hương Ngân cũng đạt được điểm tiếng Anh IELTS như mong muốn, kết hợp với những chuẩn bị trước đó để nộp hồ sơ xin học bổng và có kết quả như mong đợi.

Tường San