Tại buổi giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc Hội diễn ra vào ngày 16/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô giáo đã phản ánh việc sĩ số mỗi lớp học quá đông, có lớp hơn 50 học sinh, thậm chí gần 60 học sinh/lớp (trong khi sĩ số chuẩn quy định của bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy.
Lớp học quá đông sẽ khó khăn để đạt được mục tiêu của chương trình mới (Ảnh minh họa: P.L.) |
Quá tải sĩ số, cùng với thiếu giáo viên hiện nay, chắc chắn việc thực hiện công tác giảng dạy theo chương trình mới sẽ kém hiệu quả đi rất nhiều.
Sĩ số chuẩn 35 học sinh/lớp theo quy định giáo viên cũng đã gặp khó khăn
Theo chia sẻ của cô cháu gái của người viết hiện đang định cư tại Mỹ cho hay, sĩ số lớp học của bậc tiểu học ở đây chỉ từ 17 đến 20 học sinh/lớp. Không những thế, mỗi lớp học như vậy luôn có đến 2 giáo viên phụ trách chính mỗi ngày.
Sĩ số học sinh tiểu học được quy định trong Điều lệ trường tiểu học của chúng ta hiện tại là 35 em/lớp.
Với sĩ số này, nếu so với chuẩn của một số nước có ngành giáo dục phát triển trên thế giới đã là quá cao. Theo tìm hiểu, diện tích phòng học đạt chuẩn cho mỗi trường tiểu học theo quy định TCVN là 1,25m2/học sinh, nghĩa là mỗi 1 cá nhân sẽ sở hữu vị trí diện tích riêng khi đến lớp học. Trong thực tế giảng dạy, nhiều phòng học hiện nay chỉ đạt hơn 40m2/lớp nhưng số lượng học sinh thì có thể đến trên 40 học sinh.
Nếu cho học sinh ngồi học theo nhóm sẽ có khoảng 6 nhóm. Phòng học chật mà kê đến 6 nhóm, giáo viên cũng đã rất khó khăn di chuyển từ nhóm này sang nhóm kia để hỗ trợ học sinh.
Mỗi lần di chuyển, thầy cô lại phải cho một vài học sinh đứng dậy, đẩy ghế vào sâu dưới bàn rồi mới đi qua được.
Còn học sinh, nhóm này thường ngồi áp vai vào nhóm kia. Khi được thầy cô gọi lên bảng cũng phải len giữa các hàng ghế hoặc phải đi ra ngoài lớp rồi mới vòng trở vào.
Nếu lớp học xếp bàn theo kiểu ngồi học trước đây (tất cả cùng hướng về bục giảng) thì có tới 18 cái bàn xếp thành 3 dãy ra tới cửa và gần chạm bục giảng.
Một thầy cô quản chừng 35 em với khá nhiều trình độ. Để dạy đại trà cũng chẳng vấn đề gì nhưng dạy phân hóa theo trình độ từng nhóm, dạy theo phương pháp tích cực cũng chẳng hề đơn giản. Nhưng dù sao, với sĩ số 35 em/lớp vẫn còn chấp nhận được ở thời điểm này.
Sĩ số quá đông, thầy cô xoay xở không dễ
Đáng nói, tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…sĩ số học sinh nhiều lớp lên đến 50, 60 em/lớp, chỉ giữ trật tự, giảng dạy theo kiểu truyền thống “thầy đọc trò chép” thôi cũng đã đuối chứ nói gì đến giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh?
Với một tiết học âm vần của lớp 1, sau khi giáo viên giới thiệu bài, hướng dẫn học sinh cách đọc, cách phát âm và cách viết sẽ chuyển qua phần luyện đọc thực hành. Dù lớp học chỉ 35 học sinh nhưng nhanh lắm giáo viên cũng chỉ có thể cho hơn chục em đọc, phát âm là đã hết giờ.
35 đến 40 phút một tiết học thì mỗi học sinh chưa được 1 phút nên việc được luyện đọc cá nhân cũng vô cùng hạn chế.
Một lớp học 50 đến 60 em, giáo viên dù giỏi cũng không có cách gì để cho mỗi học sinh được phát âm, được luyện đọc một lần. Hình thức được áp dụng nhiều nhất vẫn là đọc đồng thanh cả lớp.
Nếu ít học sinh, giáo viên còn dành được thời gian cho các em tự tìm tòi kiến thức. Thầy cô sẽ có nhiều thời gian để đặt câu hỏi cho các em suy nghĩ, tìm tòi cũng như phát biểu ý kiến, chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Từ đó, mới phát triển được khả năng tư duy tìm tòi, kỹ năng biết trình bày trước tập thể.
Thế nhưng, sĩ số đã đông, thời gian lại ít thì cách duy nhất giáo viên áp dụng chỉ là “thầy đọc trò chép” cho nhanh gọn. Cách dạy này được xem là kiểu dạy học truyền thống chứ làm gì phát huy được năng lực phẩm chất học sinh như mục tiêu của chương trình mới?
Sĩ số cao lại thiếu giáo viên như hiện nay, khó đổi mới chất lượng giáo dục?
Thiếu giáo viên sẽ dẫn đến tình trạng dạy chéo phân môn. Ví dụ như nhiều trường tiểu học hiện nay đang thiếu khá nhiền giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…nên phải phân công giáo viên dạy kiêm nhiệm.
Không đúng chuyên môn được đào tạo, nhiều thầy cô giáo cố gắng lắm cũng chỉ dạy ở mức chấp nhận được.
Thiếu giáo viên, sau khi dạy đủ số tiết chuẩn theo quy định (giáo viên tiểu học số tiết chuẩn là 23 tiết/tuần), một số thầy cô phải tăng ca dạy lớp này thêm vài tiết, lớp kia vài tiết.
Nhiều trường học buộc phải thuê giáo viên hợp đồng bên ngoài vào đảm nhiệm hoặc giáo viên trường này sẽ tranh thủ dạy cho trường kia. Điều này có thể dẫn đến tình trạng, một số thầy cô thả nổi chất lượng của lớp theo tâm lý “cha chung không ai khóc”.
Thiếu giáo viên, buộc ban giám hiệu nhà trường phải đứng lớp. Hàng tuần chỉ dạy vài ba tiết, nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn tìm cách đùn đẩy cho giáo viên với lý do bận việc.
Nay, đảm nhận dạy như giáo viên thậm chí còn phải chủ nhiệm lớp nên đã có hiện tượng bỏ lớp vì những lý do bận họp, bận hoàn thành hồ sơ…
Quá tải sĩ số, cùng với việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng chương trình mới. Bởi vậy, muốn thực hiện tốt mục tiêu của chương trình mới đề ra, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thì tình trạng này phải có giải pháp khắc phục hiệu quả.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.