Lần đầu được gặp, trò chuyện với cô giáo Phạm Thị Gấm, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) chúng tôi rất ấn tượng bởi cô giản dị, khuôn mặt phúc hậu và thân thiện với mọi người.
Cô Gấm chia sẻ: “Tôi yêu nghề, yêu trò như yêu chính những đứa con của mình vậy. Thấy các em tiếp thu bài chậm, nắm kiến thức chưa chắc, tôi thường động viên các em đến nhà để kèm thêm và không nhận thù lao. Thấy các em tiến bộ là tôi vui rồi”.
Cô kể lại, cô sinh ra và lớn lên tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Từ nhỏ cô đã yêu yêu nghề dạy học nên trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường cô đã nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức.
Cô giáo Phạm Thị Gấm cùng các em học sinh Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng. (Ảnh: Thanh Hương) |
Cuối những năm của thập niên 80, cô Phạm Thị Gấm theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Đó là giai đoạn đầu của đổi mới, đất nước còn nhiều khó khăn; sinh viên thường thiếu thốn mọi bề. Nhiều người vẫn nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nên phải yêu nghề lắm, cô Gấm mới quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành nhà giáo.
Tốt nghiệp, cô Gấm nhận công tác và giảng dạy môn Ngữ văn tại một trường thuộc huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.
Sau 3 năm công tác, cô tiếp tục nộp hồ sơ, thi đỗ hệ đại học ngành Sư phạm Ngoại ngữ và tốt nghiệp năm 1998.
Sau khi có tấm bằng đại học trong tay, cô Gấm xin về công tác tại Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng và gắn bó với ngôi trường này đã hơn 20 năm.
Công tác tại ngôi trường này, cô được các đồng nghiệp coi là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gặp cô, ai cũng cảm nhận rất rõ sự giản dị, khiêm tốn, luôn gần gũi, giúp đỡ học sinh, luôn coi học sinh như người thân của mình.
Cô quan tâm kèm cặp các học sinh yếu thế, nhút nhát, lực học chưa đều, đặc biệt là bộ môn mình phụ trách, bằng tất cả tấm lòng yêu thương.
Em Phạm Công Vinh (học sinh lớp 12A10, Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng) chia sẻ: “Được học cô giáo Gấm là hạnh phúc nhất, không chỉ đối với em mà tất cả các bạn trong trường.
Cô không tạo áp lực, mà trái lại luôn nhẹ nhàng chỉ bảo để học sinh nắm được bài. Cô thấy em nhút nhát, học chậm, nên đã dành thời gian kèm thêm cho em và một số bạn tại nhà vào những lúc rảnh rỗi.
Cô in rất nhiều bài tập, đề thi, kèm chúng em tự chữa mà không nhận của trò bất kỳ một khoản thù lao nào. Cô như người mẹ thực sự ở nhà em vậy”.
Không chỉ có Công Vinh mà nhiều học sinh khác từng học cô giáo Gấm đều có chung cảm nghĩ như vậy.
Học sinh cũ trở về thăm cô giáo Phạm Thị Gấm. (Ảnh: Thanh Hương) |
Theo thầy giáo Bùi Đức Thanh – Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng, cô Gấm là một giáo viên tâm huyết với nghề, là giáo viên dạy giỏi của trường, được học sinh tin yêu, quý trọng, là tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh noi theo.
Cô Gấm tập trung cho công việc giảng dạy ở trường và giúp đỡ học sinh. Sự tiến bộ của học sinh là món quà lớn nhất với cô, chứ không phải là bất cứ danh hiệu thi đua nào khác.
Cô là tấm gương sáng hết mình với nghề, vì tương lai học sinh, dẫu chưa được nêu tên trong các cuộc thi do ngành tổ chức, nhưng cô không vì thế mà bớt sự nhiệt huyết với nghề.
Với cô giáo Gấm, phần thưởng lớn nhất là được học sinh tin yêu, đồng nghiệp quý mến; niềm vui lớn nhất là được chia sẻ kiến thức của mình cho các em với sự nhiệt tình và trách nhiệm của một người mẹ.
Bên cạnh truyền giảng kiến thức cho học sinh, cô luôn quan tâm tới tình cảm, tính cách của tuổi mới lớn; luôn gần gũi hỏi han và tháo gỡ những băn khoăn, khó nói của các em như một người bạn, người chị.
Vì vậy mà các học sinh thấy tự tin, cởi mở, không ngại giãi bày tâm sự và lắng nghe lời dạy bảo của cô. Nhiều học sinh đã vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, thi đỗ đại học, thành đạt trong cuộc sống.
Bên cạnh công việc giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp cũng được cô dành nhiều thời gian. Học sinh các khóa do cô chủ nhiệm đều yêu quý cô. Nhiều học sinh ra trường trở về thăm cô thường xuyên.
Tấm gương học và làm theo Bác của cô giáo Phạm Thị Gấm luôn được thầy, cô giáo Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng học hỏi, nêu cao tinh thần dành cho các thế hệ học trò: Hết lòng yêu thương học sinh, hết mình với công việc vì sự tiến bộ của học trò mà không vì mục đích để được khen thưởng.