Quảng Ninh đang chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục

19/03/2023 06:47
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục tiêu của ngành giáo dục và đào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục.

Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết 09, ngành Giáo dục Quảng Ninh đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào dạy và học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, mục tiêu của ngành Giáo dục tỉnh nhà đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục, trong đó tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học;

Đồng thời đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chữa bài tập trên bảng thông minh (Ảnh: LT)

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chữa bài tập trên bảng thông minh (Ảnh: LT)

Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, hiện giáo dục Quảng Ninh cơ bản đã triển khai xong bước 1 (số hóa), đang ở giai đoạn 2 (ứng dụng số hóa).

Toàn bộ thông tin của 22.000 cán bộ giáo viên, 352.000 học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến (có nghĩa là toàn bộ học sinh theo học các trường mầm non, phổ thông đã được quản lý bằng phần mềm). Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.

Toàn bộ các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang bước tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long, đến nay, Hạ Long được đầu tư 833 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 38 trường học phổ thông.

Các cơ sở giáo dục tại thành phố Hạ Long tiếp tục triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh.

Tại Trường Tiểu học Hạ Long (thành phố Hạ Long), chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối mạng Internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học, theo hình thức trắc nghiệm, nhờ ứng dụng Plickers.

Trước đó, mỗi học sinh được cung cấp 1 thẻ in trên giấy có 4 cạnh tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D.

Ở mỗi câu hỏi, khi học sinh chọn đáp án nào thì giơ cạnh đáp án đó lên phía trên có mã code, giáo viên dùng điện thoại quét đọc đáp án để biết đúng hay sai.

Ứng dụng Plickers giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị.

Hiện nay, 100% giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục.

Các phòng học thông minh, hoặc phòng học được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin được giáo viên khai thác triệt để, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo cô giáo Vũ Thu Hường - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, để công tác chuyển đổi số trong trường học đạt hiệu quả, nhà trường luôn chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của mỗi giáo viên.

Sự sáng tạo, ứng dụng linh hoạt các phần mềm và hiệu quả của công nghệ đã được các giáo viên nỗ lực trau dồi và áp dụng vào bài giảng.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long) sử dụng máy tính trong một số bộ môn liên quan đến hình ảnh, mô hình đa chiều (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long) sử dụng máy tính trong một số bộ môn liên quan đến hình ảnh, mô hình đa chiều (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Còn tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hạ Long), thời gian gần đây, trong tiết học tiếng Anh của lớp 4A5 thường xuyên có sự tham dự của một số học sinh, giáo viên Nhật Bản.

Vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, từ năm 2021 đến nay, nhà trường thường xuyên kết nối những tiết học ngoại ngữ với các trường nước ngoài ở Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia và Thụy Điển, góp phần nâng cao năng lực về ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên.

Em Đỗ Khánh Hà (lớp 4A5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), cho biết: “Học tiếng Anh theo hình thức kết nối trực tuyến với giáo viên và bạn bè quốc tế khiến chúng em rất hào hứng và cảm thấy rất hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức”.

Tại thị xã Đông Triều, bên cạnh chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, thị xã đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Trong đó, quan tâm tăng cường đầu tư trường học thông minh, lớp học thông minh với trang thiết bị hiện đại.

Ngành Giáo dục thị xã Đông Triều được đánh giá là đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học.

Từ năm 2013, thị xã Đông Triều đã đầu tư 75 phòng học thông minh trên tổng số 141 trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, với trang thiết bị hiện đại như: Máy chiếu, phông chiếu, bảng thông minh, ti vi…

Ngành Giáo dục Đông Triều đang trong lộ trình xây dựng mô hình “Trường học điện tử”, “Lớp học điện tử” tại 8-10 trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, hướng tới xây dựng “Trường học số”; xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh trên cơ sở khai thác hiệu quả các phòng học, trường học hiện đại đã được đầu tư…

Có thể thấy, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo đang tác động tích cực đến công tác quản lý, dạy và học tại các cơ sở giáo dục tại Quảng Ninh.

LÃ TIẾN