Dù sắp kết thúc năm học, thầy giáo vẫn phải vượt rừng đi vận động HS về lớp

24/04/2023 06:43
Trần Phương
GDVN- HS đồng bào Vân Kiều khi chớm tuổi “cập kê” rất dễ bỏ lớp về lấy chồng, các thầy phải nhiều phen vất vả lội suối, băng rừng để vận động học trò về lại lớp

Hai thôn Cát, Trỉa liền kề nhau, và nằm biệt lập với những thôn còn lại của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Học trò của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn ở hai thôn này phải băng hơn 10 km đường núi mới có thể đến trường tìm lấy cái chữ.

Đường vào hai thôn Cát, Trỉa khó khăn, men theo những con đường mòn và chỉ có thể đi vào lúc trời khô ráo, trời mưa thì cũng đành… chịu.

Trước khi xuất phát vào 2 thôn này, thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn căn dặn chúng tôi phải chuẩn bị kỹ bởi đi đường sẽ nhiều vất vả.

Đường lên 2 thôn Cát, Trỉa phải đi qua những đoạn rừng với đường mòn khó đi, gập ghềnh. Ảnh: LC

Đường lên 2 thôn Cát, Trỉa phải đi qua những đoạn rừng với đường mòn khó đi, gập ghềnh. Ảnh: LC

Lí do của chuyến đi vào hai thôn xa xôi này là vì đã gần hết năm học, 5 học sinh ở thôn Cát và thôn Trỉa lần lượt xin về thăm nhà, sau đó không quay trở lại trường. Các thầy cô giáo chủ nhiệm đã liên hệ với gia đình nhưng không được. Vì vậy, các thầy lại phải vác ba lô ngược núi, vào bản vận động học trò quay lại lớp.

Trên đường đi, thầy Hùng cho biết, người dân ở đây rất mong muốn sẽ có một con đường thông 2 thôn này về với trung tâm xã. Địa phương cũng đã tiến hành các đoàn khảo sát địa hình. Tuy nhiên, nếu làm con đường này, sẽ có những đoạn phải xuyên qua rừng phòng hộ nên địa phương không quyết được, các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đành phải chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Những con đường gập ghềnh, nhiều đoạn nguy hiểm mà các thầy cô phải vượt qua để đi tìm trò về lớp. Ảnh: LC

Những con đường gập ghềnh, nhiều đoạn nguy hiểm mà các thầy cô phải vượt qua để đi tìm trò về lớp. Ảnh: LC

Đường đi quá khó, chúng tôi phải chạy qua những con suối cạn đầy đá và những con dốc quá cao. Dù đã nhiều lần đi lại nhưng các thầy chia sẻ rằng vẫn không quen nổi, cũng nhiều lần đã bị trượt ngã.

Trong chuyến đi tìm học sinh về trường này, giữa rừng già, chúng tôi có xe bị thủng lốp giữa đường. Nhờ kinh nghiệm đi rừng, các thầy đã chuẩn bị vật dụng và có kỹ năng giải quyết sự cố khi cần thiết.

Thủng lốp xe, một trong những "tai nạn" thường thấy của các thầy cô giáo khi đi đến thôn Cát, Trỉa, rất may các thầy cô giáo luôn chuẩn bị phương án khắc phục. Ảnh: LC

Thủng lốp xe, một trong những "tai nạn" thường thấy của các thầy cô giáo khi đi đến thôn Cát, Trỉa, rất may các thầy cô giáo luôn chuẩn bị phương án khắc phục. Ảnh: LC

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vật lộn với con đường khúc khuỷu, lởm chởm, chúng tôi cũng đến được với thôn Trỉa.

Hai học sinh Hồ Thị Toàn lớp 7A và Hồ Thị Tương lớp 8A là chị em con chú, con bác cùng rủ nhau về thăm nhà và không trở lại trường.

Người đồng bào Vân Kiều đời sống còn khó khăn đặc biệt là tập tục, nếp nghĩ về việc kết hôn sớm khiến các thầy cô vất vả trong việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh.

Theo các thầy chia sẻ, chuyện tảo hôn trong đời sống đồng bào rất phức tạp, dù các em nữ còn nhỏ, nhưng nếu có quan hệ yêu đương và đồng ý cho nhà trai “bỏ của” (giống như lễ ăn hỏi) là coi như các em ấy đã là người của “nhà người ta” rồi.

Cuộc trò chuyện với các phụ huynh em Hồ Thị Toàn. May mắn là em Toàn chưa có ai "bỏ của". Ảnh: LC

Cuộc trò chuyện với các phụ huynh em Hồ Thị Toàn. May mắn là em Toàn chưa có ai "bỏ của". Ảnh: LC

“Hai em đều là học sinh ngoan, chịu khó học tập nhưng không biết vì lý do gì mà nghỉ học. Giáo viên chủ nhiệm cũng đã vận động, khuyên các em cố gắng theo học rồi nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Thế nhưng nếu các em chưa có ai “bỏ của” thì cơ hội các em quay lại trường vẫn cao”, thầy Hùng cho biết.

Cuộc vận động học trò trở lại trường của các thầy không được suôn sẻ. Biết các thầy đến nhà, 2 chị em đều “rủ nhau” vào núi xa làm cỏ nương. Chỉ có phụ huynh các em ở nhà.

Việc các em tự nghỉ học cũng khiến phụ huynh khá bất ngờ. Gia đình cũng đồng thuận với các thầy, sẽ cố gắng khuyên nhủ để các em về lại lớp.

Bố của em Hồ Thị Tương đượm buồn khi nghe con mình nghỉ học cả tuần nay mà không nói rõ cho bố mẹ biết.

Phụ huynh cho biết là khi thấy em về, cũng có gặng hỏi. “Con bảo được nghỉ vài hôm. Cũng lo lắng hay nó định tự ý bỏ học nên nhắc cố học xong hết lớp 9 rồi đi học nghề, đi làm gì có tiền rồi lấy chồng sau cũng được. Nay thấy các thầy về nói chuyện, buồn con quá”, phụ huynh em Hồ Thị Tương nói.

Nói chuyện thì chúng tôi mới được biết thêm, bố của em Hồ Thị Tương là học trò cũ của thầy Hồ Vinh – một thầy giáo dạy tiểu học ở thôn Trỉa.

Đường đến nhà em Hồ Thị Tương. Ảnh: LC

Đường đến nhà em Hồ Thị Tương. Ảnh: LC

“Bố của Tương ngày xưa học cũng tốt lắm, chịu khó vượt rừng đến lớp. Dù còn hạn chế nhưng cũng học hết lớp 9 rồi mới đi làm. Kết hôn đúng độ tuổi”, thầy Hồ Vinh – thầy giáo cũ của bố Hồ Thị Tương kể về học trò cũ của mình.

Có lẽ vì thế, nhận thức được vai trò của việc học tập cần thiết với sự phát triển, cơ hội việc làm của con mình, nên bố em Hồ Thị Tương hết sức tạo điều kiện, động viên em đi học. Bố em hứa sẽ quyết tâm động viên, đưa em trở lại lớp.

Bố em Hồ Thị Tương đượm buồn khi con gái định bỏ học sớm. Ảnh: LC

Bố em Hồ Thị Tương đượm buồn khi con gái định bỏ học sớm. Ảnh: LC

Thầy Nguyễn Thanh Hùng thông tin, tình trạng tảo hôn của đồng bào dân tộc ở xã Hướng Sơn vẫn còn nhiều phức tạp. Nhà trường cũng đã có đề nghị Ủy ban nhân dân xã Hướng Sơn hỗ trợ và tìm mọi cách hạn chế việc tảo hôn.

Thời gian tới, nhà trường sẽ kết hợp cùng Ủy ban nhân xã Hướng Sơn, Công an xã Hướng Sơn tăng cường vận động để hạn chế việc bỏ học và tảo hôn.

“Mỗi lần đi vận động học sinh về lớp, có khi không suôn sẻ nhưng các thầy vẫn nhiều hi vọng, luôn cố gắng hết sức. Có học sinh, các thầy cô phải đi đi, lại lại đến 3 lần các em mới quay lại trường học. Những chuyến vận động của các thầy phần lớn là thành công trong việc đưa học sinh trở lại lớp. Nhưng cũng có trường hợp đã “bỏ của” thì khó”, thầy Hùng cho biết thêm.

Được biết, tỉnh Quảng Trị đã có đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thực hiện trong nhiều năm qua. Trong việc thực hiện đề án này, có nhiều tâm sức, công sức của các bên liên quan trong đó có các thầy cô giáo ở nhiều điểm trường xa xôi.

Trần Phương