Bữa cơm bán trú "kéo" học trò đến trường ở Hướng Sơn

18/04/2023 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bữa cơm ở trường là bữa cơm ngon nhất trong ngày khi các em được ăn no, đủ chất, đường đến với con chữ của các em cũng vì thế mà bớt gập ghềnh gian nan.

Tháng tư về, khắp triền núi, bản làng của bà con người Vân Kiều ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngập sắc trắng tinh khôi của hoa trẩu, nở ngập tràn giữa màu xanh của rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Những chùm hoa trắng tinh với hương thơm ngan ngát đung đưa theo gió trong ánh nắng đầu hè chiếu rọi, làm bừng cả một vùng biên cương Tổ quốc.

Dưới màu hoa trẩu, tiếng nói tiếng cười của con trẻ trong những ngôi trường nơi biên cương tạo nên những thanh âm trong trẻo giữa núi rừng.

Cuộc sống của các em học sinh người Vân Kiều đã và đang có những đổi thay từ việc dạy và học, cả từ bữa cơm bán trú.

Sườn núi phía Tây Quảng Trị đang vào mùa hoa trẩu. Ảnh: LC

Sườn núi phía Tây Quảng Trị đang vào mùa hoa trẩu. Ảnh: LC

Hướng Sơn là một trong những xã vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Địa bàn xã cách trung tâm huyện 37km đường đồi núi hiểm trở với 98% dân số là người Vân Kiều. Đời sống nhân dân còn nhiều vất vả khó khăn.

Con đường đến bản dạy học của các thầy cô giáo ở Hướng Sơn. Ảnh: LC

Con đường đến bản dạy học của các thầy cô giáo ở Hướng Sơn. Ảnh: LC

Trước đây, ở những bản xa của xã, người dân chủ yếu sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Khổ nhất là khi có người ốm nặng, dân bản lại hì hục cột võng, khiêng người bệnh vượt rừng tới trạm xá; có trường hợp do đi lại khó khăn nên đến nơi thì tình trạng đã quá nặng, không thể cứu chữa...

Chính vì vậy, với công tác giáo dục, thời gian đầu, các thầy cô giáo ở Hướng Sơn vất vả vô cùng. Học sinh bỏ theo cha mẹ đi kiếm ăn trong rừng, quên mất cái chữ. Thầy cô giáo lại phải leo đèo, băng qua rừng già để vận động học sinh về lớp.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn ngày nay. Ảnh: LC

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn ngày nay. Ảnh: LC

Nhiều phụ huynh còn bảo: “Học lớp 1 cũng vào rừng kiếm ăn, học lớp 5 hay học lớp 9 cũng vào rừng kiếm ăn cả, cần gì đi học".

Khi ấy, các thầy cô giáo phải dùng hết nhiệt huyết, tình cảm, sự chân thành, kiên trì thuyết phục phụ huynh để có thể đưa học trò về lớp.

“Đó là chuyện trước kia, việc học tập bây giờ ở xã Hướng Sơn khác nhiều rồi. Từ khi trường có chế độ bán trú, phụ huynh yên tâm gửi con đến trường học tập”, thầy giáo Nguyễn Đình Sâm – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn cho biết.

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Đình Sâm, những ngày đầu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên trường chưa thể tổ chức bếp ăn tập thể cho đối tượng học sinh bán trú, và vẫn còn học sinh phải ở trọ ngoài nhà dân do nhà trường không đủ phòng ở.

Sau đó, trường đã từng bước cải thiện, đến nay đã tổ chức được bếp ăn tập thể cho các em học sinh ăn bán trú tại trường.

Bữa cơm bán trú của học trò vùng cao Hướng Sơn. Ảnh: LC

Bữa cơm bán trú của học trò vùng cao Hướng Sơn. Ảnh: LC

Giờ đây, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn là một trong những trường có diện tích lớn nhất của huyện Hướng Hóa.

Thời gian tới, trường sẽ có nhiều hạng mục được đầu tư để con em địa phương thụ hưởng cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tốt hơn.

Mùa giáp hạt, các học sinh bán trú tại trường vẫn được ăn những bữa cơm ngon. Ảnh: LC

Mùa giáp hạt, các học sinh bán trú tại trường vẫn được ăn những bữa cơm ngon. Ảnh: LC

Hiện, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hương Sơn có 452 em học sinh trong đó có 243 em học sinh tiểu học và trung học cơ sở được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Số học sinh ở lại tại trường là 73 em cấp trung học cơ sở.

Số học sinh tiểu học ăn buổi trưa và nghỉ lại gần trường do nhà trường chưa có phòng ở là 170 em. Các em đều được hỗ trợ theo chính sách của học sinh bán trú.

Tỷ lệ chuyên cần từng buổi của trường luôn đạt từ 98-100%. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp ở dưới mức 0,3%.

Với một trường nằm trên địa bàn mà đời sống nhân dân còn nghèo, những con số như vậy cũng là sự động viên lớn đối với các thầy cô giáo.

Nơi ăn, chốn ở của các em Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn. Ảnh: LC

Nơi ăn, chốn ở của các em Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn. Ảnh: LC

Cũng theo thầy Nguyễn Đình Sâm, ngoài chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường cũng đã có nhiều chuyển biến. Năm học 2019-2020, trường đã có giải nhất Khoa học kỹ thuật cấp huyện, năm 2021-2022 đạt giải tư cấp huyện.

Là trường vùng sâu, vùng xa học sinh còn phải tăng cường học nhiều tiếng Việt nhưng trong cuộc thi hùng biện Tiếng anh năm học 2021-2022 trường cũng có học sinh đã đạt giải ba và giải tư cấp huyện.

Khu phòng ở còn nghèo nàn nhưng cũng là sự cố gắng rất lớn của trường thuộc địa bàn vùng cao. Ảnh: LC

Khu phòng ở còn nghèo nàn nhưng cũng là sự cố gắng rất lớn của trường thuộc địa bàn vùng cao. Ảnh: LC

Đặc biệt là từ khi bữa ăn bán trú được đảm bảo, thể chất của học sinh được nâng lên, chính vì vậy, tại các hội thi thể thao học đường, trường đã có những thành tích cao, đáng tự hào.

Em Hồ Thị Quỳnh Như lớp 5A lần đầu tiên ra trung tâm tỉnh tranh tài đã xuất sắc đạt một huy chương bạc và một huy chương đồng cấp tỉnh môn bơi dành cho học sinh tiểu học.

Hồ Thị Quỳnh Như - "vận động viên bơi lội nhí" trên non cao, niềm tự hào của các bạn và thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn. Ảnh: LC

Hồ Thị Quỳnh Như - "vận động viên bơi lội nhí" trên non cao, niềm tự hào của các bạn và thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn. Ảnh: LC

“Trước kia, đồng bào chỉ lo miếng ăn từng ngày. Lo được cho các con có cái ăn là phụ huynh mừng lắm rồi chứ nói gì đến đồ ăn ngon. Các em ăn không có chất, người gầy, nhiều em thể trạng yếu, ảnh hưởng đến học tập.

Từ ngày có bữa cơm bán trú, học sinh đến trường phụ huynh yên tâm hơn. Đặc biệt là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường được đảm bảo bước đầu, dù vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất”, thầy Sâm chia sẻ.

Giữa mùa giáp hạt học sinh ở Hướng Sơn vẫn được ăn no, ăn ngon là điều mà phụ huynh học sinh mơ ước từ lâu.

Mùa này, hoa trẩu nở trắng dọc con đường Trường Sơn nhánh Tây chạy từ thị trấn Khe Sanh vào các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh.

Sắc của hoa trẩu nở rộ như đang báo hiệu về một cuộc sống nhiều đổi mới, bỏ lại thời gian khó đã qua.

Trần Phương