Đặt mục tiêu Đông Nam Bộ đi đầu trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

18/04/2023 10:12
Bài và ảnh: Mộc Trà
GDVN-Bộ trưởng Bộ GD mong các địa phương quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách phù hợp và đúng cách hơn để phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ.

Sáng ngày 18/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện Ủy ban Dân tộc, các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khu vực Đông Nam Bộ.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Hội nghị nhằm bàn sâu và đánh giá tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, góp phần quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

“Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (sau đây gọi là Nghị quyết số 154/NQ-CP), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo phát triển đứng đầu cả nước và trong nhóm dẫn đầu của Đông Nam Á, đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân tăng trưởng của vùng, thu hút nhân tài chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng.

Qua đó, góp phần quan trọng triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, Nghị quyết mà Bộ Chính trị đã đề ra”.

“Đông Nam Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Là vùng có mật độ dân cư cao nhất cả nước, là vùng có tỉ lệ tăng dân số nhập cư cao nhất cả nước, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, và sự chênh lệch giữa các nhóm thu nhập thấp nhất cả nước, là nơi có tỉ lệ đô thị hóa đứng thứ hai cả nước.

Với tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước, là đầu tàu kinh tế, có đóng góp đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của đất nước, là trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất của cả nước với hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, bên cạnh những sự quan tâm phát triển của các cấp ngành, địa phương, giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như: tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, tình hình quá tải các cơ sở đào tạo, tình hình chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục trong khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế...

Thông qua Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn cùng với các địa phương trao đổi, thảo luận, nhận diện bức tranh về giáo dục, đào tạo của vùng và những giải pháp để phát triển giáo dục của vùng, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm mà các địa phương, các cơ sở đã làm tốt trong thời gian qua.

Mong rằng, các địa phương đang quan tâm, sẽ tiếp tục quan tâm và quan tâm một cách phù hợp và đúng cách hơn để phát triển giáo dục và đào tạo, thông qua đó để phát triển kinh tế xã hội, phát triển vùng” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi gắm kỳ vọng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Tiên phong đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt là thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập và đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu và được chuẩn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của vùng và cả nước. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo với cơ cấu ngành nghề và trình độ hợp lý theo nhiều hình thức; giáo dục đại học phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng, quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện các địa phương phát biểu

Đại diện các địa phương phát biểu

Đi đầu về nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, các phòng thí nghiệm hiện đại dùng chung; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị trong giáo dục và đào tạo cho vùng. Gắn kết chặt chẽ giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Phát triển các chương trình đào tạo quốc tế. Tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, kế thừa từ các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Tăng cường năng lực và nâng cao vai trò công tác lập kế hoạch; tiến hành dự báo quy mô, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của đội ngũ lao động nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa của vùng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á” - Thứ trưởng nêu các mục tiêu cụ thể trong thời gian tới.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; Về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; Về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; Về chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.

Bài và ảnh: Mộc Trà