Phó hiệu trưởng trường THCS rất áp lực khi xếp thời khóa biểu môn tích hợp

22/04/2023 06:42
KIM OANH
GDVN- Không nên để tình trạng 1 môn học mà 2-3 giáo viên dạy, thậm chí môn Nội dung giáo dục địa phương chỉ có 35 tiết/ năm mà có tới 6 giáo viên đang giảng dạy.

Những môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ rối rắm, khó khăn đối với những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mà thầy cô là phó hiệu trưởng chuyên môn ở các trường trung học cơ sở cũng phải đối mặt với nhiều bất cập.

Trước đây, chỉ khi nào trong trường có giáo viên nghỉ hộ sản, hoặc sau kỳ nghỉ dài do bệnh tật trở lại giảng dạy thì phó hiệu trưởng mới điều chỉnh về phân công giảng dạy và sắp thời khóa biểu mới. Những trường không có giáo viên nghỉ thì thường phải hết học kỳ thời khóa mới thay đổi.

Thế nhưng, từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, những thầy cô là phó hiệu trưởng chuyên môn liên tục phải thực hiện việc phân công giảng dạy đối với giáo viên và thời khóa biểu tuần nào cũng phải làm lại.

Một tuần làm việc ở trên trường nhưng nhiều khi việc phân công, sắp thời khóa biểu cũng đã chiếm mất một lượng lớn thời gian có phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Vì thế, công việc quản lý, sát sao với tình hình giảng dạy trên lớp có khi bị chểnh mảng.

Môn học có nhiều phân môn được bố trí giảng dạy ở nhiều thời điểm dẫn đến khó khăn trong việc phân công, sắp thời khóa biểu hàng tuần (Ảnh minh họa: Hương Mai)

Môn học có nhiều phân môn được bố trí giảng dạy ở nhiều thời điểm dẫn đến khó khăn trong việc phân công, sắp thời khóa biểu hàng tuần (Ảnh minh họa: Hương Mai)

Mỗi trường học Trung học cơ sở hiện nay có mấy phó hiệu trưởng?

Theo hướng dẫn hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, định mức số lượng phó hiệu trưởng trong trường phổ thông cấp trung học cơ sở được bố trí như sau: “Trường trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 02 phó hiệu trưởng;

Trường trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng”.

Như vậy, chúng ta thấy rằng nếu ở những vùng có điều kiện bình thường thì những trường phải từ 28 lớp (trường loại I) trở lên mới được cơ cấu 2 phó hiệu trưởng. Những trường từ 27 lớp (trường loại II, loại III) trở xuống chỉ được cơ cấu 1 phó hiệu trưởng mà thôi.

Đối với những trường loại I, có 2 phó hiệu trưởng và sẽ chia ra 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, 1 phó hiệu trưởng phụ trách mảng ngoài giờ; phổ cập. Những trường loại II, loại III chỉ được cơ cấu 1 phó hiệu trưởng nên vị phó này vừa phải phụ trách chuyên môn; phụ trách ngoài giờ; phụ trách phổ cập.

Đồng thời, theo hướng dẫn hiện hành thì phó hiệu trưởng chuyên môn sẽ dạy theo định mức 4 tiết/ tuần. Một số trường phó hiệu trưởng còn kiêm nhiệm cả chức danh chủ tịch Công đoàn.

Tuy nhiên, trường loại I, loại II, hay loại III ở cấp trung học cơ sở hiện nay thì phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cũng đang gặp khó khăn vì tuần nào cũng bắt buộc phải xếp lại thời khóa biểu. Càng trường lớn, số lượng giáo viên đông, số lớp nhiều thì mức độ khó càng nhiều hơn.

Bởi lẽ, trước khi sắp thời khóa biểu cho nhà trường, bắt buộc phó hiệu trưởng chuyên môn phải tính toán xem phân môn nào đã hết trong tuần, phân môn nào sẽ dạy trong tuần tới vì cấp Trung học cơ sở hiện nay có nhiều môn tích hợp và yếu tố tích hợp.

Đó là: môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Hóa học, Sinh học, Vật lí; môn Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử và môn Địa lí; Nội dung giáo dục địa phương bao gồm có 6 phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; Giáo dục, Âm nhạc và Mĩ thuật; Công nghệ lớp 6 ở học kỳ II có 2 chủ đề giáo viên Văn dạy và có chủ đề giáo viên Vật lí dạy.

Trong khi, các trường trung học cơ sở đang thực hiện năm thứ 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và lớp 7 nên việc tính toán số tỉ lệ, số tiết cụ thể từng phân môn ở từng thời điểm phải có sự phối hợp của các tổ chuyên môn liên quan.

Vì thế, tuần nào phân môn nào dạy phải tính chính xác, nhớ chính xác để thời khóa biểu sắp xếp không bị lỗi, không xảy ra sự cố phân môn hết, phân môn bắt đầu dạy. Vì vậy, chỉ riêng tính toán cụ thể, phân công giáo viên nào dạy cũng mất nhiều thời gian và kéo theo những áp lực.

Phó hiệu trưởng chuyên môn đang gặp những khó khăn gì?

Khi chia sẻ về chuyện những môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở đang triển khai, một phó hiệu trưởng chuyên môn (đề nghị không nêu tên) đang công tác tại một trường trung học cơ sở ở miền Tây chia sẻ với chúng tôi rằng việc tính toán, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần rất mệt mỏi.

Cho dù bây giờ việc sắp thời khóa biểu của đơn vị đã được hỗ trợ từ phần mềm điện tử nhưng con người vẫn phải can thiệp trước khi cho phần mềm chạy, sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy mỗi tuần.

Gần như tuần nào cũng có thay đổi phân công vì phân môn này hết lại đến phân môn khác. Môn Khoa học tự nhiên lớp 6, 7 có 3 phân môn; môn Lịch sử và Địa lý có 2 phân môn; môn Nội dung giáo dục địa phương có 6 phân môn; môn Công nghệ lớp 6 có 2 phân môn khác nhau…

Vì thế, trong trường chỉ còn giáo viên Thể dục, Tiếng Anh, Toán là không chịu tác động với các môn học tích hợp. Còn lại, tổ chuyên môn nào cũng đang dạy ít nhất 1 môn chính và từ 1- 2 phân môn trong môn tích hợp.

Trong khi, chỉ cần 1 giáo viên thay đổi cũng đồng nghĩa cả trường phải thay đổi thời khóa biểu mà cấp trung học cơ sở đang thực hiện 2 khối lớp (lớp 6, lớp 7) theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên việc phân công, sắp xếp hàng tuần sẽ không tránh khỏi những khó khăn.

Thông thường, thứ Bảy hàng tuần, trường sẽ công bố thời khóa biểu mới cho tuần sau nhưng từ thứ Năm là phó hiệu trưởng đã phải nghĩ đến chuyện tuần tới phân môn nào hết, phân môn của môn nào dạy mới. Thứ Sáu cho phần mềm chạy thời khóa biểu, thứ Bảy công bố cho học sinh và giáo viên để dạy và học tuần sau.

Vậy nên, việc tính toán, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần đang mất rất nhiều thời gian của các phó hiệu trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Nếu những năm tới, Bộ, Sở không không có phương án khả thi hơn thì trường sẽ còn đối mặt thêm nhiều thử thách vì thêm lớp 8 trong năm học 2023-2024; lớp 9 ở năm học 2024-2025.

Từ những chia sẻ của phó hiệu trưởng chuyên môn và thực tế tại các nhà trường, chúng ta thấy bản thân họ cũng đang gặp rất nhiều áp lực- nhất là những phó hiệu trưởng ở trường loại II, loại III tức là nhà trường chỉ có 1 vị phó.

Bởi vì họ không đơn thuần là phụ trách chuyên môn mà có rất nhiều công việc trong trường mà hiệu trưởng phân công cho họ, giải quyết những thắc mắc, yêu cầu của giáo viên trong trường. Bên cạnh đó, phó hiệu trưởng cũng đang phải dạy theo định mức, họp hành liên miên…

Thiết nghĩ, chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học cơ sở đã và đang có phần rối rắm, bất cập vì có nhiều môn học tích hợp, gộp môn và đây mới là những năm đầu tiên thực hiện chương trình 2018. Chính vì thế, bộ phận chuyên môn từ Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xuống đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương cần tìm ra một phương án khả thi hơn, hiệu quả hơn cho thời gian tới.

Không nên để tình trạng 1 môn học mà 2-3 giáo viên dạy, thậm chí môn Nội dung giáo dục địa phương chỉ có 35 tiết/ năm mà có tới 6 giáo viên đang giảng dạy.

Mỗi khối học ở những trường loại I có trên dưới 10 lớp mà có môn học đang bị chia nhỏ ra như vậy không chỉ khổ người học, người dạy mà bản thân những người xây dựng kế hoạch giáo dục, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần là phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn cũng đang gặp quá nhiều bất cập.

KIM OANH