GV dạy môn tích hợp: Có thời điểm dạy trên 30 tiết/tuần, có tuần lại thảnh thơi

21/04/2023 06:44
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các môn học tích hợp ở cấp THCS đang gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối. Khó khăn không chỉ đến từ phía giáo viên mà ngay cả phó hiệu trưởng chuyên môn.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp Trung học cơ sở có những xáo trộn lớn nhất so với các cấp còn lại vì có thêm môn học tích hợp dẫn tới nhiều bất cập trong giảng dạy, phân công giảng dạy; giảng dạy trên lớp và sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần.

Có giáo viên mệt vì họ phải dạy những kiến thức mới không thuộc chuyên ngành đào tạo của mình nên phải chuẩn bị, đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và một phần vì đi học bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp theo hướng dẫn của Bộ. Nhiều thời điểm, số tiết dạy được đẩy lên quá định mức.

Phó hiệu trưởng chuyên môn ở các trường Trung học cơ sở cũng chẳng sung sướng gì hơn khi liên tục phải cùng với tổ trưởng chuyên môn tính toán số tiết của từng phân môn, lúc nào dạy phân môn nào để sắp xếp thời khóa biểu cho nhà trường.

Gần 2 năm thực hiện chương trình mới nhưng gần như “lối ra” của các môn học tích hợp vẫn chưa thấy đâu. Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh cấp Trung học cơ sở như đang lạc vào một “ma trận tích hợp” của chương trình mới.

Ảnh minh họa vtv.vn

Ảnh minh họa vtv.vn

Những thay đổi về chương trình, môn học ở cấp Trung học cơ sở trong 2 năm qua

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở có 10 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, đó là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Công nghệ; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Tin học; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Trong số 10 môn học ở cấp Trung học cơ sở có tới 5 môn học có yếu tố “tích hợp” nên mỗi môn học, nhà trường phải phân công từ 2 đến 6 giáo viên dạy chung với nhau trong từng lớp, đó là: Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Hóa học, Sinh học, Vật lí; môn Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử và môn Địa lí;

Môn Nghệ thuật có 2 phân môn là Âm nhạc và Mĩ thuật; Nội dung giáo dục địa phương bao gồm có 6 phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục, Âm nhạc và Mĩ thuật;

Hoặc ví như bộ môn Công nghệ lớp 6 ở học kỳ II có 2 chủ đề: “Trang phục và thời trang” (giáo viên Ngữ văn dạy) và “Đồ điện trong gia đình”(giáo viên Vật lí dạy).

Hiện nay, cấp Trung học cơ sở đang giảng dạy 2 chương trình song hành, đó là chương trình giáo dục 2006 đối với lớp 8 và lớp 9; chương trình giáo dục 2018 đối với lớp 6 và lớp 7. Chính vì thế, đối với giáo viên đang dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6,7 thì cũng có thể họ đang dạy những môn độc lập ở chương trình 2006, đó là: Vật lý; Hóa học hoặc Sinh học; Công nghệ ở lớp 8, lớp 9.

Những giáo viên đang dạy Lịch sử và Địa lý cũng có thể họ đang dạy môn Lịch sử, hoặc môn Địa lý ở lớp 8, lớp 9 và có những thời điểm một số thầy cô đang dạy phân môn Lịch sử; Địa lý trong môn Nội dung giáo dục địa phương lớp 6, 7.

Giáo viên Giáo dục công dân có thể dạy môn học độc lập này ở các lớp 6, 7, 8, 9 nhưng cũng có những thời điểm họ phải dạy phân môn Giáo dục công dân trong môn Nội dung giáo dục địa phương.

Những thầy cô dạy Âm nhạc, Mĩ thuật cũng đang dạy Nghệ thuật ở lớp 6, lớp 7; dạy môn độc lập Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 8, lớp 9 và có thời điểm dạy phân môn Nghệ thuật trong môn Nội dung giáo dục địa phương.

Thầy cô dạy Ngữ văn không chỉ dạy Ngữ văn ở các lớp 6, 7, 8, 9 mà cũng có một số thầy cô được phân công dạy Công nghệ lớp 6; hoặc phân công dạy phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương lớp 6, 7 với số lượng 9 tiết/ lớp/ năm.

Các môn tích hợp đang được phân chia ra sao?

Các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở hiện nay đang được chia tỉ lệ khác nhau đối với từng phân môn, môn Khoa học tự nhiên đang được chia mỗi năm có 140 tiết cho cả 3 phân môn, cụ thể như sau:

Đối với lớp 6, phân môn Hóa học (20%); Sinh học (38%); Vật lý (32%). Lên đến lớp 7: Hóa học (24%); Vật lý (28%); Sinh học (38%).

Đến lớp 8: Hóa học (31%); Vật lý (28%); Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%); Hóa học (31%); Sinh học (29%).

Môn Nội dung giáo dục địa phương mỗi lớp có 35 tiết/năm, được chia cho 6 phân môn như sau: phân môn Ngữ văn (9 tiết); Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (mỗi phân môn 6 tiết); phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật (mỗi phân môn 4 tiết/ năm).

Môn Công nghệ 6 ở học kỳ II có 2 chủ đề: “Trang phục và thời trang” (giáo viên Ngữ văn dạy) và “Đồ điện trong gia đình”(giáo viên Vật lí dạy)- mỗi phân môn có 7 tiết/năm.

Nhìn vào ma trận phân chia tỉ lệ của chương trình mới như vậy nên những khó khăn, bất cập trong phân công và giảng dạy là điều khó tránh khỏi.

Bởi lẽ, giáo viên vừa dạy chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới; dạy môn học chính, dạy phân môn trong môn tích hợp rõ ràng chúng ta thấy rối rắm và tất nhiên những người trong cuộc họ cũng chẳng sung sướng gì khi dạy các môn học tích hợp.

Có những thầy cô dạy phân môn trong môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7 có thời điểm dạy trên 30 tiết vì thời điểm phân môn Sinh, hoặc Lý hoặc Hóa dạy đều ở các lớp trong 1 khối. Nhưng, sau đợt cao điểm đó lại chỉ còn vài tiết đối với môn học độc lập ở lớp 8, lớp 9.

Thậm chí, có giáo viên Ngữ văn được phân công dạy Công nghệ 6 và dạy phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương có lúc cũng cận kề 30 tiết nhưng cũng có lúc chẳng có tiết nào, hoặc chỉ có vài tiết chủ nhiệm vì giữa học kỳ II thì môn Công nghệ 6 giao cho giáo viên Vật lý dạy về điện. Còn phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương cũng đã hết, nhà trường lại phân công cho giáo viên dạy các phân môn còn lại.

Ngoài ra, những thầy cô kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp còn phải dạy thêm môn Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp mỗi tuần 1-3 tiết; chủ trì sinh hoạt lớp; tham gia các hoạt động ngoài giờ của nhà trường.

Đó là chưa kể đến nhiều thầy cô đang được nhà trường điều động đi bồi dưỡng kiến thức tích hợp vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở khiến cho áp lực càng nhiều hơn.

Chính vì thế, dù giáo viên dạy chương trình nào cũng đang chịu tác động từ việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần. Nhiều giáo viên đang phải dạy cùng lúc 3- 4 giáo án khác nhau giữa các khối lớp, rất ít giáo viên dạy 2 giáo án.

Nhưng, đa phần số tiết dạy của giáo viên trong tuần không đều nhau, nhất là các môn học tích hợp hoặc có yếu tố tích hợp nhiều phân môn với nhau nên có lúc giáo viên dạy quá định mức rất nhiều tiết nhưng cũng có lúc thảnh thơi, mỗi tuần chỉ vài tiết mà thôi.

Gần hết năm thứ 2 áp dụng chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở nhưng những bất cập vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để. Các Công văn hướng dẫn của bộ phận chuyên môn cấp trên vẫn “giao quyền tự chủ cho nhà trường”.

Nhưng, các môn học tích hợp đã được chia nhỏ ra từng lát cắt như vậy nên dù nhà trường tự chủ thì cũng chẳng có thể nào có phương án khả thi. Vì thế, các môn học tích hợp, hoặc có yếu tố tích hợp đang gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối. Khó khăn không chỉ đến từ phía giáo viên mà ngay cả phó hiệu trưởng chuyên môn cũng đang áp lực vô cùng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH