Trong Quy chế tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông khi có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ như tiếng Anh (IELTS 4.0; TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm),...
Một số ý kiến cho rằng việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tại quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông này để miễn xét tốt nghiệp trung học phổ thông là không công bằng.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với chuyên gia nghiên cứu giáo dục, thầy Ngô Huy Tâm, chủ nhiệm chương trình hợp tác quốc tế, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của Trường phổ thông liên cấp Phenikaa về vấn đề này.
Theo thầy Tâm, Việt Nam đã xây dựng cho riêng mình khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo) với các kỹ năng: Kỹ năng tiếp nhận (Nghe, Đọc); (Nói tương tác, Viết tương tác; Kỹ năng sản sinh (Nói sản sinh, Viết sản sinh).
Tuy nhiên, bài thi môn Ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nước ta lại chưa đánh giá được năng lực ngoại ngoại ngữ của thí sinh theo các kỹ năng trên mà chủ yếu chỉ đánh giá được yếu tố ngữ pháp. Trong khi đó, IELTS lại là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế quan trọng và phổ biến nhất thế giới và đánh giá được thí sinh theo 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết nên phù hợp với đánh giá của khung năng lực ngoại ngữ mà Việt Nam đưa ra.
Cũng phải nói thêm rằng, việc kiểm tra được toàn diện các kỹ năng ngoại ngữ của học sinh với bài thi mang tính quy mô toàn quốc là một yêu cầu nặng nề, đòi hỏi nhiều nguồn lực và thời gian mới có thể thực hiện được.
Thầy Ngô Huy Tâm, chủ nhiệm chương trình hợp tác Quốc tế, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của Trường phổ thông liên cấp Phenikaa (Nguồn: Website nhà trường). |
Thầy Tâm chia sẻ, tại các nước phát triển giáo dục trên thế giới vốn đã đưa việc khảo thí về năng lực ngoại ngữ cho bên thứ 3 đánh giá.
Cũng theo thầy Tâm, nếu việc quy đổi này là xu hướng phi tập trung hóa, chuẩn hóa theo quốc tế sẽ rất hợp lý bởi nó phù hợp với xu thế chung của thế giới, vừa giảm tải cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa tránh quyền lực tập trung hóa, hạn chế được tối đa những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra.
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý, điều phối bên thứ 3 (đơn vị độc lập tổ chức khảo thí năng lực ngoại ngữ của thí sinh) theo những quy định pháp luật hiện hành nên vẫn sẽ đảm bảo vừa đánh giá được chính xác năng lực người học và vừa kịp thời với xu hướng chung bởi xu hướng của thế giới luôn thay đổi rất nhanh.
Hơn nữa, đây cũng không phải là quy định bắt buộc nên không làm mất đi cơ hội của các em học sinh. Những em học sinh nào không có chứng chỉ IELTS đủ điều kiện để nộp vẫn có thể tham gia thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngoại ngữ để lấy điểm xét tốt nghiệp.
Đây cũng là việc tạo thêm điều kiện cho những em đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đủ điều kiện có thể nộp, tránh việc phải thi 2 lần nên sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.
Ngoài ra, IELTS là một chứng chỉ sử dụng rộng rãi, với đa dạng các mục tiêu sử dụng, do đó, sau khi đạt 4.0 IELTS đủ điều kiện để nộp xét 10 điểm tốt nghiệp, các em có thể tiếp tục học tập, ôn luyện với số điểm cao hơn để phục vụ cho yêu cầu công việc trong tương lai.
Trước nhiều ý kiến tranh cãi rằng số điểm bao nhiêu mới đủ để quy đổi sang điểm 10 môn Ngoại ngữ xét tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Tâm cho rằng, nếu nhìn về góc độ chuyên môn, việc quy đổi này chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi bởi đây là 2 kỳ thi khác nhau nên rất khó để quy đổi.
Thế nhưng, nếu nhìn về mặt chính sách, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra số điểm 4.0 IELTS này chắc hẳn đã tính đến tính khả thi và tương đồng, tương quan nhất với điểm 10 tốt nghiệp trung học phổ thông so với các số điểm khác qua các khảo sát như khảo sát đầu vào đại học của người học trên phạm vi toàn quốc.
Và 4.0 IELTS này theo mô tả của kỳ thi này khá tương đồng với mô tả của Bộ Giáo dục về trình độ đầu ra B1 là “Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,... Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình” (Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Do vậy, mức 4.0 IELTS này là khả thi trong thời điểm hiện tại. Nếu lấy tới 5.0 IELTS để quy đổi thì mô tả lại vượt quá yêu cầu với trình độ này và nếu chúng ta đưa một số điểm cao hơn như vậy còn phản khoa học hơn.
Nếu muốn tính đến công bằng, vậy chúng ta phải nhìn lại xem liệu điểm 10 xét tốt nghiệp được quy đổi từ điểm 4.0 IELTS có ảnh hưởng đến cơ hội tốt nghiệp của các con hay không rồi hãy bàn đến chuyện công bằng.
“Đã rất nhiều năm, chúng ta thường nói đến việc nhiều học sinh Việt Nam có ngữ pháp nhưng lại không vận dụng được trong các tình huống thực tế cũng như trong công việc. Do vậy, đó cũng là lý do tại sao nước ta đang hướng tới kỳ thi chuẩn hóa quốc tế để đánh giá được khả năng dụng ngữ của học sinh”, thầy Tâm nhấn mạnh.
Quy đổi 4.0 IELTS sang 10 điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông công bằng với cả học sinh vùng khó
Cũng về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thúy Huỳnh, giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại địa bàn khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho rằng, với các em học sinh tại một số tỉnh, thành phố lớn, việc đạt được số điểm 4.0 IELTS có thể là đơn giản.
Tuy nhiên, với những học sinh thuộc miền núi, vùng sâu vùng xa như địa phương cô đang giảng dạy, việc tiếp cận với những chứng chỉ quốc tế như IELTS không phải dễ dàng. Để đến được điểm thi gần nhất, các em di chuyển đến hơn 100km, nhưng 01 năm cũng chỉ có khoảng 3 lần tổ chức thi, do vậy, có những em phải đến các điểm thi ở Thành phố Hồ Chí Minh, cách nơi sống đến hơn 300km.
Hơn nữa, việc tiếp cận ngoại ngữ, đặc biệt là với các chứng chỉ quốc tế trên những địa bàn miền núi cũng còn hạn chế nên các em học sinh sinh sống ở những khu vực này phải rất cố gắng và nỗ lực để đạt được chứng chỉ IELTS như mong muốn.
Do đó, việc quy đổi 4.0 IELTS thành 10 điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông tương đối là công bằng với học sinh và mức 4.0 với thời điểm hiện tại cũng là phù hợp và ở mức chấp nhận được.
Mặt khác, nhìn nhận từ thực tế, chương trình phổ thông của nước ta hiện nay khá nặng về ngữ pháp, trong khi nếu đi làm hay thậm chí là du học, các em cần phải có kỹ năng đồng đều và được toàn diện hơn.
Học sinh đạt điểm 10 bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngoại ngữ chưa chắc có thể giao tiếp được một số câu thông thường, hội thoại thông thường với người nước ngoài nhưng các bạn có 4.0 IELTS có thể làm được.
Bên cạnh đó, các bạn học sinh đạt 10 điểm đó có thể có ngữ pháp rất tốt nhưng chưa chắc có thể có kỹ năng viết được như bạn đạt 4.0 IELTS. Bởi ở trình độ các bạn đạt được 4.0 IELTS, các bạn đã viết được cả bài phân tích biểu đồ và bài luận về vấn đề.
Cũng theo cô Thúy Huỳnh, việc quy đổi này cũng góp phần cải thiện khả năng và khơi nguồn học ngoại ngữ cho học sinh. Bởi hiện nay, có tình trạng nhiều sinh viên Việt Nam không ra được trường do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.