Qua 2 năm triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, bước đầu đã có tín hiệu tích cực đối với công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định này, nên chưa thực sự hiệu quả.
Để tìm hiểu về những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116 ở địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
Phóng viên: Thưa ông Phạm Duy Hưng, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm?
Ông Phạm Duy Hưng: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm góp phần thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với việc xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay và kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên cục bộ; khuyến khích, quan tâm, hỗ trợ cho người học tham gia đào tạo ngành giáo viên, đặc biệt là đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thế Đại. |
Phóng viên: Xin ông hãy chia sẻ về thực tiễn triển khai Nghị định 116 tại Bắc Kạn, tính đến thời điểm hiện tại?
Ông Phạm Duy Hưng: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thông báo nhu cầu đào tạo giáo viên (theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP) của tỉnh Bắc Kạn; thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ để các em học sinh được biết, đăng ký kịp thời, đúng theo quy định.
Đồng thời, tuyên truyền và khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đối với học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai rà soát nhu cầu giáo viên đối với từng cấp học, môn học để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ 2023 đến 2025 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:
Tổng số mã ngành có nhu cầu đăng ký tuyển sinh, đào tạo: 13 mã ngành.
Tổng số nhu cầu đăng ký tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu các năm từ 2023 đến 2025: 347 chỉ tiêu.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 16/01/2023 về đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ theo nhu cầu của tỉnh Bắc Kạn (giai đoạn 2022-2025); Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 03/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Hội đồng xét chọn sinh viên đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (giai đoạn 2022-2025).
Phóng viên: Thực tế việc triển khai thực hiện Nghị định 116 trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc. Những khó khăn, rào cản đối với Bắc Kạn trong triển khai Nghị định này là gì, thưa ông?
Ông Phạm Duy Hưng: Thứ nhất, việc xác định đáp ứng nhu cầu: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, việc phối hợp để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cần căn cứ vào số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, việc sinh viên lựa chọn chỉ tiêu của địa phương nào hay tham gia tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên nào thì cả địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên không thể xác định được.
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Bắc Kạn cơ bản thiếu giáo viên giảng dạy các môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.
Một giờ học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Bắc Kạn. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. |
Tuy nhiên, trong những năm tới, thực hiện việc tinh giản biên chế theo phương án của tỉnh Bắc Kạn (Công văn số 6780/UBND-NCPC ngày 12/10/2022) nên sẽ khó khăn trong việc xác định số lượng người làm việc được giao (biên chế viên chức), do đó sẽ khó để xác định nhu cầu đăng ký.
Ngoài việc thực hiện đăng ký nhu cầu theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có các sinh viên đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có việc làm sẽ tiếp tục đăng ký tham gia tuyển dụng theo quy định.
Thứ hai, việc tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của địa phương: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP có quy định về “Thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức”. Do vậy, các sinh viên thuộc đối tượng được đặt hàng sẽ phải tham gia tuyển dụng đồng thời với các sinh viên khác.
Bên cạnh đó, về bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của địa phương: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp 02 lần thời gian đào tạo tính từ ngày tuyển dụng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Như vậy, sinh viên sư phạm do tỉnh Bắc Kạn đặt hàng có thể công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh khác (khó xác định nơi công tác), từ đó việc tính bồi hoàn kinh phí sẽ khó thực hiện khi chưa rõ ràng về đơn vị thực hiện tính toán, thu hồi tiền bồi hoàn.
Phóng viên: Đã 2 năm triển khai nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo ít nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ phía địa phương. Về phía tỉnh Bắc Kạn, điều địa phương còn băn khoăn trong công tác đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên là gì, thưa ông?
Ông Phạm Duy Hưng: Việc các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên là mong muốn, kỳ vọng giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên một số bộ môn không có nguồn tuyển dụng, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, việc ràng buộc các sinh viên tham gia đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của các địa phương chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Do đó, sau khi tốt nghiệp ra trường các sinh viên đó có thể sẽ không trở về các địa phương đã chi trả kinh phí theo chỉ tiêu đặt hàng, đặc biệt là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Bắc Kạn, mà sẽ tham gia công tác tại các địa phương khác có điều kiện thuận lợi hơn.
Mục tiêu của Nghị định 116 là nhằm đáp ứng giữa cung và cầu trong đào tạo giáo viên và thu hút người giỏi vào công tác trong ngành giáo dục. Đây là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước và phù hợp với thực tế của các địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 116, việc tuyển dụng với người học thuộc các đối tượng của Nghị định lại theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức, do đó các địa phương không có thẩm quyền tiếp nhận và phân công công tác đối với các sinh đã được đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của địa phương.
Đồng thời, nhu cầu đặt hàng ở các địa phương là rất cụ thể theo từng ngành, nhưng số sinh viên trúng tuyển của ngành đó có thể không đủ hoặc không muốn chọn chế độ đặt hàng của các địa phương; hoặc các cơ sở đào tạo đặt hàng không đảm bảo đủ chỉ tiêu đối với ngành đó do có nhiều địa phương cùng đặt hàng.
Do đó, việc triển khai, thực hiện để đảm bảo nhu cầu giáo viên của các địa phương sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu tham gia đặt hàng của sinh viên, chỉ tiêu đặt hàng của các cơ sở đào tạo, nhu cầu đăng ký tuyển dụng của sinh viên, cũng như năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của sinh viên.
Phóng viên: Theo ông, công tác bồi hoàn kinh phí khi thực hiện Nghị định 116 cần phải lưu tâm đến những vấn đề gì?
Ông Phạm Duy Hưng: Đối với công tác bồi hoàn kinh phí khi thực hiện Nghị định 116 còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, việc phối hợp giữa địa phương đã hỗ trợ kinh phí theo chỉ tiêu đặt hàng và địa phương nơi cư trú của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thứ hai, sinh viên đã rất cố gắng tham gia tuyển dụng, nhưng sau 2 năm không trúng tuyển hoặc 2 năm sau khi tốt nghiệp tại các địa phương không có kế hoạch tuyển dụng đối với chuyên ngành đào tạo của sinh viên (do không có nhu cầu hoặc không được giao biên chế viên chức).
Thứ ba, việc sinh viên tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng nhưng không liên tục, không cố định tại một địa phương (ví dụ, 03 tỉnh, thành phố khác nhau) thì địa phương nào sẽ phải thực hiện thu hồi chi phí bồi hoàn.
Thứ tư, cơ quan, đơn vị nào ở địa phương sẽ thực hiện thu hồi chi phí bồi hoàn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. |
Phóng viên: Từ những khó khăn ấy, ông có góp ý, đề xuất gì để Nghị định 116 đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, đặc biệt là không gây khó khăn cho địa phương cũng như cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai?
Ông Phạm Duy Hưng: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định về định mức giáo viên để đảm bảo thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó quan tâm đối với giáo viên các môn học mới.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến, tham mưu với Chính phủ xây dựng cơ chế tuyển dụng đối với các sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng của các địa phương.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể về địa phương, đơn vị thực hiện thu hồi chi phí bồi hoàn của sinh viên.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!