Nhiều địa phương không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116

26/12/2021 07:03
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn nhận định: “Trong tương lai, nhiều địa phương có thể vẫn sẽ không đặt hàng đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm vì nhiều lý do”.

Sáng ngày 25/12, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”.

Tham dự chương trình có bà Nguyễn Việt Hà - đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo của các trường sư phạm, các trường có ngành đào tạo giáo viên cùng các thầy cô trưởng, phó các phòng ban, trung tâm khoa đào tạo giáo viên, các thầy cô cố vấn học tập của các trường.

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong từng thời điểm lịch sử khác nhau, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên trong từng giai đoạn cụ thể.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn phát biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn phát biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Ngày 25/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, nhiều điểm mới trong Nghị định 116/NĐ-CP được đánh giá cao.

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục Việt Nam cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc chuẩn bị một nghị định hiệu quả là một vấn đề trên bình diện khoa học và trên bình diện pháp lý. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đòi hỏi có sự tham gia của các địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các trường đào tạo giáo viên cũng như người học và các bên liên quan.

“Tọa đàm là không gian để các trường cùng trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm, nêu các đề xuất trình lên cơ quan chủ quản, các bên có liên quan để thực hiện Nghị định 116 có hiệu quả.

Quan trọng hơn, các cơ sở đào tạo giáo viên phải nhận thức được trách nhiệm của mình, phải thay đổi bộ máy vận hành để triển khai Nghị định 116 đúng hướng, đảm bảo đáp ứng đội ngũ giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình mới trong thực tiễn”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nhận định.

Chương trình thảo luận về các nội dung: Tác động của Nghị định 116 đối với công tác tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên; Mô thức phối hợp với các bên liên quan trong việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên; Kinh nghiệm triển khai cho sinh viên đăng ký các nguyện vọng hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116; Đối sánh về chính sách hiện hành và Nghị định 116 đối với sinh viên các ngành đào tạo giáo viên; Công tác tổ chức đào tạo đảm bảo tiến độ theo chương trình đào tạo, quy định thời hạn hỗ trợ của chính sách theo Nghị định 116.

Sức hút của ngành sư phạm tăng cao trong năm 2021

Chia sẻ về tác động của Nghị định 116 đối với công tác tuyển sinh trong năm 2021, các trường đều nhận định những tín hiệu tích cực từ chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.

Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 20 ngành đào tạo giáo viên đều tuyển sinh đủ chỉ tiêu, bên cạnh đó có cả những ngành mới đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, năm 2020, trường chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu của các ngành đào tạo giáo viên, 4 ngành không thể mở ngành đào tạo. Tuy nhiên, với chính sách mới, năm 2021, trường chỉ có duy nhất ngành sư phạm công nghệ không thể mở ngành, các ngành đào tạo giáo viên khác đều tuyển đủ chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký cao gấp hai lần so với năm 2020.

Tiến sĩ Từ Quang Tân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái nguyên cho biết, so với 3 năm trước, năm 2021 nhà trường tuyển sinh hoàn thành chỉ tiêu, vượt 10% so với chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Một số ngành như sư phạm vật lý, sư phạm hóa học trước đây khó tuyển sinh thì nay tỷ lệ thí sinh đăng ký đã tăng lên cao.

Đại diện lãnh đạo các trường sư phạm đều nhận định, sức hút của ngành sư phạm đã tăng lên nhờ chính sách hỗ trợ mới theo Nghị định 116. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành tăng cao, nhiều ngành “kén chọn” đã tuyển sinh được, các trường đạt mức chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn, đồng thời chất lượng đầu vào của các trường sư phạm cũng có sự cải thiện được thể hiện rõ qua điểm chuẩn năm 2021.

Tuy nhiên, năm nay cũng là năm đầu tiên các trường thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo Nghị định 116, thực tiễn triển khai vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc . Bên cạnh đó, nhận thức của học sinh, sinh viên, phụ huynh về quyền lợi, trách nhiệm của người học theo quy định mới vẫn chưa đầy đủ, thống nhất.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PM)

Thạc sĩ Lê Phan Quốc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Nghị định 116 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PM)

Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để Nghị định 116 được thực hiện hiệu quả, trong bối cảnh hiện nay, các trường cần có sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh; tăng nguồn lực và đảm bảo chất lượng để có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh; tăng mức độ cạnh tranh thông qua đảm bảo chất lượng như cam kết đầu ra, sinh viên ra trường đúng thời hạn,... Ngoài ra, các trường cần phối hợp của địa phương trong tổ chức đào tạo, nhất là thực hành, thực tập sư phạm với mô hình giám sát cụ thể, đảm bảo đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh về trách nhiệm, quyền lợi của người được đào tạo.

Băn khoăn về cơ chế đặt hàng, tuyển dụng và bồi hoàn kinh phí sau đào tạo

Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các trường sư phạm cũng đặt ra nhiều vấn đề vướng mắc, những trăn trở khi thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San – Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho biết, ban đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng về sau một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành sư phạm công nghệ, tuy nhiên ngành học này nhà trường không mở được. Như vậy, năm 2021, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng, sinh viên nhận hỗ trợ học phí bằng nguồn nhu cầu xã hội.

Theo thầy San, vấn đề đặt ra là chưa tìm thấy khớp nối giữa nhu cầu đào tạo và tuyển dụng, đặc biệt hoạt động tuyển dụng ở các thành phố lớn luôn thu hút nhân lực nên địa phương không có nhu cầu đặt hàng. Vì vậy, phải có sự nhất quán giữa các địa phương khi tham gia đặt hàng theo tinh thần Nghị định 116.

Buổi tọa đàm kết nối các trường sư phạm và các trường đại học có ngành đào tạo giáo viên trên cả nước. (Ảnh: PM)

Buổi tọa đàm kết nối các trường sư phạm và các trường đại học có ngành đào tạo giáo viên trên cả nước. (Ảnh: PM)

Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cũng cho biết, năm nay, nhà trường nhận được đơn đặt hàng của một địa phương với 6 chỉ tiêu nhưng sau đó cũng không nhận được phản hồi của địa phương đó.

“Trong tương lai, nhiều địa phương cũng có thể không đặt hàng vì nhiều lý do.

Thứ nhất, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn, từ kinh phí chi trả, theo dõi quá trình học tập của sinh viên đến việc tuyển dụng, thu hồi kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành giáo dục.

Thứ hai là nguồn tuyển của các địa phương không thiếu, một địa phương có thể tuyển dụng giáo viên mà địa phương khác đã bỏ kinh phí đào tạo. Nguồn tuyển sinh của địa phương không chỉ là khóa sinh viên tốt nghiệp trong năm đó mà còn cả những sinh viên đã tốt nghiệp ở nhiều năm trước”, Tiến sĩ Tuấn phân tích.

Bài toán tuyển dụng sau khi đào tạo theo Nghị định 116 cũng là vấn đề các thầy cô trăn trở. Theo Tiến sĩ Từ Quang Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, nhà trường có 2 địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đặt hàng với 124 chỉ tiêu nhưng chỉ có 43 sinh viên đăng ký về địa phương làm việc. Bởi lẽ, nhiều em lo ngại sau này bị phân công dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có tỷ lệ sinh viên học tập lớn tại trường trong nhiều năm qua lại không đặt hàng.

Đại diện Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nhiều địa phương gửi văn bản tới trường chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên, trong khi 2 địa phương đặt hàng hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên.

Bên cạnh đó, việc thu hồi kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành giáo dục cũng là băn khoăn của nhiều trường đào tạo giáo viên hiện nay. Cụ thể là vấn đề thu hồi kinh phí đối với sinh viên bỏ học giữa chừng, với sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí hay sinh viên có nhu cầu công tác trong ngành nhưng không xin được việc làm; trách nhiệm thu hồi kinh phí khi sinh viên nhận hỗ trợ từ Bộ Giáo dục thuộc về ai?… Theo các trường, những nội dung này vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.

Một số trường cũng đặt ra vấn đề, nhiều sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm không đăng ký nhận hỗ trợ kinh phí theo Nghị định 116 do lo lắng về vấn đề bồi hoàn về sau.

Cũng theo các lãnh đạo các trường đại học, để Nghị định 116 đi vào thực tiễn, cần đối sánh về chính sách hiện hành và Nghị định 116/2020/NĐ-CP đối với sinh viên các ngành đào tạo giáo viên; tiếp tục đảm bảo cho người học các quyền lợi theo đúng mục tiêu nhân văn và hiệu quả của Nghị định này cũng như các văn bản khác vẫn còn hiệu lực. Đồng thời, Công tác tổ chức đào tạo cần đảm bảo tiến độ theo chương trình đào tạo và quy định thời hạn hỗ trợ của chính sách theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Nghị định 116 cũng cần được truyền thông nội bộ, cần chuyên biệt hóa việc triển khai với trách nhiệm của Tổ Công tác thông qua các kế hoạch, hệ thống dữ liệu, các kết nối với địa phương lâu dài.

Chia sẻ trước những băn khoăn của các trường đào tạo giáo viên, Bà Nguyễn Việt Hà - Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vấn đề quyết toán kinh phí đã được quy định rõ trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Theo đó, nếu sinh viên đặt hàng giao nhiệm vụ đấu thầu thì nguồn kinh phí này địa phương phải trả theo chế độ hợp đồng; Sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội và cam kết công tác trong ngành giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp kinh phí cho các trường để nhà trường cấp hỗ trợ cho sinh viên; Sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội mà không cam kết công tác trong ngành thì tự nguyện học và không nhận hỗ trợ; Sinh viên đặt hàng theo doanh nghiệp thì do cá nhân và tổ chức chi trả kinh phí cho các trường sư phạm.

Sinh viên nhận hỗ trợ và có cam kết nhưng ra trường không làm việc trong ngành giáo dục mới phải bồi hoàn kinh phí. Trách nhiệm thu hồi kinh phí thuộc về Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Cơ sở đào tạo có nhiệm vụ cấp phép đúng kinh phí theo quy định của Nghị định này, thông báo cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh danh sách học sinh bỏ học, thôi học, không công tác theo đúng cam kết để địa phương thực hiện thu hồi kinh phí.

Bà Nguyễn Việt Hà cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, các trường có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định 116 có thể gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ cùng chia sẻ và giải quyết.

Ngày 25/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm hướng đến mục tiêu:

- Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng các địa phương thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm gắn với trách nhiệm của các địa phương trong quá trình đào tạo và bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

- Sử dụng hiệu quả cho ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành sư phạm.

- Xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học.

- Thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội, thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

Phạm Minh