Có một thực tế, nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết nhưng khi đề bạt, bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng thì lại từ chối, có người sau bổ nhiệm xong lại từ chức, xin thôi chức,…dẫn đến một số trường học khuyết vị trí phó hiệu trưởng, một số lại bổ nhiệm người…không giỏi.
Phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng nhưng nếu người không giỏi được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng thì sẽ làm hiệu quả hoạt động khó đạt mong muốn.
Theo người viết dưới đây là các nguyên nhân mà khó thu hút và giữ chân các phó hiệu trưởng giỏi.
Ảnh minh họa. |
Thứ nhất, công việc hiện nay khá vất vả, áp lực
Theo quy định của Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Điều lệ trường học, phó hiệu trưởng tuy là giúp việc cho hiệu trưởng nhưng nhiệm vụ của phó hiệu trưởng khá vất vả và nặng nề.
Theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP, quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập không quá 2 phó hiệu trưởng.
Tuy nhiên, đa số các địa phương theo phân cấp quản lý, và tinh gọn bộ máy quản lý nên hầu hết các trường dưới 27 lớp (loại 2, 3) chỉ bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng, trường từ 28 lớp trở lên có thể bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tại các trường, phó hiệu trưởng vất vả bội phần, ở cấp tiểu học, trung học cơ sở các môn tích hợp khiến phó hiệu trưởng chỉ 1, 2 tuần phải đổi thời khóa biểu, ở cấp trung học phổ thông với việc môn lựa chọn, môn chuyên đề cũng khiến phó hiệu trưởng vô cùng vất vả.
Phó hiệu trưởng gần như phải nắm vững chuyên môn của tất cả các môn học, duyệt tất cả các đề kiểm tra của bộ môn, được hiệu trưởng giao nắm các mảng phong trào, thi đua, hiện nay tại nhiều địa phương phó hiệu trưởng còn kiêm luôn chủ tịch công đoàn,…nên vất vả bội phần.
Thứ hai, thời gian làm việc theo giờ hành chính, không được nghỉ hè
Theo quy định hiện nay, giáo viên phổ thông giảng dạy và làm việc theo định mức tiết dạy như bậc tiểu học 23 tiết/tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần; giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/tuần,…và thực hiện các công việc khác theo phân công, các công việc quy đổi định mức tiết dạy,…nếu giảng dạy vượt số tiết định mức thì có thể được hưởng tăng giờ theo quy định.
Tức, giáo viên chỉ cần giảng dạy đủ định mức tiết dạy, mặc dầu còn nhiều công việc khác như chấm trả bài kiểm tra, công tác chủ nhiệm,…nhưng sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, có thể làm việc tại nhà.
Tuy nhiên, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý phải làm việc giờ hành chính 8h/ngày, 40 giờ/tuần và hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều việc phải xử lý cả ban đêm và khó được chi trả tăng giờ, tăng buổi.
Giáo viên được nghỉ 2 tháng hè theo quy định, phó hiệu trưởng thì xuyên thời gian hè phải làm việc vất vả, không được nghỉ hè.
Thứ ba, chế độ phụ cấp chức vụ phó hiệu trưởng chưa tương xứng
Hiện nay, phó hiệu trưởng rất vất vả, áp lực, thời gian làm việc nhiều nhưng chế độ phụ cấp chức vụ được nhận hàng tháng còn thấp, chưa tương xứng.
Phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông hàng tháng được nhận phụ cấp chức vụ từ 0,25-0,55 tùy theo loại trường (hiện nay khoảng 350.000 -800.000 đồng mỗi tháng).
Hàng tháng chỉ nhận được phụ cấp chức vụ như trên là chưa tương xứng với tính chất, mức độ và thời gian làm việc của phó hiệu trưởng hiện nay.
Thứ tư, khó làm thêm, dạy thêm
Có thể nói giáo viên công việc cũng vất vả, áp lực, thu nhập chưa tương xứng tuy nhiên vẫn có thời gian nghỉ ngơi, nghỉ hè, vẫn có thể sắp xếp làm thêm, dạy thêm để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống.
Nhưng phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, nên làm việc giờ hành chính, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ, lễ,…nên gần như không còn thời gian rảnh thực hiện công việc gia đình, khó làm thêm và cũng gần như khó sắp xếp thời gian để dạy thêm.
Một thực tế là hiện nay, các giáo viên các bộ môn có thể dạy thêm được như Toán, Văn, Ngoại ngữ,…dù giỏi chuyên môn, quản lý,…nhưng nhiều người lại không đồng ý quy hoạch và bổ nhiệm vào chức vụ phó hiệu trưởng, vì làm giáo viên họ có thể dạy thêm kiếm được nhiều nguồn tiền hợp pháp hơn là công việc vất vả, áp lực như phó hiệu trưởng.
Thứ tư, khó được xét khen thưởng, dễ bị kỷ luật
Vì quản lý nhiều công việc nên thường dễ có sai sót, nên khi xét thi đua, khen thưởng, phó hiệu trưởng thường thiệt thòi, dễ bị cắt thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, rất dễ bị kỷ luật khi mắc sai sót chuyên môn, nghiệp vụ vì phải nắm rất nhiều văn bản pháp luật, không có bộ phận tham mưu, kiểm tra văn bản chính quy.
Thứ năm, trên đe dưới búa
Hiện nay, phó hiệu trưởng cấp trên ngoài hiệu trưởng, còn chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã/phường, phòng giáo dục, phòng nội vụ, tài chính, thuế, Sở giáo dục,…
Phó hiệu trưởng được thủ trưởng giao quản lý tổ trưởng chuyên môn, tổ chuyên môn, giáo viên, các bộ phận thư viện, thiết bị,…
Nên có thể nói, để giải quyết hài hòa giữa cấp trên, cấp dưới là điều rất khó, phải chịu cảnh “trên đe, dưới búa”.
Công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay đang trong giai đoạn quyết liệt, phó hiệu trưởng hiện nay đang vất vả bội phần, nếu không có những chính sách phù hợp sẽ có nhiều giáo viên giỏi không đồng ý quy hoạch, bổ nhiệm phó hiệu trưởng, sẽ có có phó hiệu trưởng từ chức, xin thôi chức vì áp lực công việc, thu nhập chưa tương xứng.
Rất mong trong thời gian tới khi thực hiện lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW, lương, phụ cấp của phó hiệu trưởng trường học được quan tâm đúng mức, được chi trả tương xứng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi được quan tâm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.