Vì sao rất khó cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa?

18/03/2023 06:40
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc cấm giáo viên công lập dạy thêm cho học sinh chính khóa sẽ khó khả thi và hàng chục năm qua nó vẫn đang diễn ra một cách âm thầm.

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về dạy thêm, học thêm trong các cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định lại quy định nghiêm cấm giáo viên tổ chức lớp dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa .[1]

Thế nhưng, việc giáo viên công lập dạy thêm cho học sinh chính khóa vẫn tồn tại dù muốn hay không. Phần nhiều những giáo viên có dạy thêm hiện nay đang dạy cho học sinh chính khóa của mình bởi vì muốn dạy thêm cho những học sinh không phải là học sinh chính khóa phải là những nhà giáo thực sự giỏi, có tiếng tăm.

Vì thế, việc cấm giáo viên công lập dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình sẽ khó khả thi và hàng chục năm qua dù muốn hay không nó vẫn đang diễn ra. Vì thế, chuyện cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa thực tế mới dừng lại trên văn bản, còn thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa rất khó thực hiện (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa rất khó thực hiện

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Bộ cấm nhưng ai quản việc dạy thêm cho học sinh chính khóa?

Ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT hướng dẫn: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;

Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Quy định là vậy nhưng việc dạy thêm hiện nay vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện kinh tế phát triển và khu vực đô thị.

Học sinh tiểu học vẫn học thêm như thường- kể cả khi chương trình 2018 triển khai ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Lịch trình, có ngày sau khi học sinh học buổi 2, phụ huynh đón về ăn nhẹ rồi đi học thêm nhà cô, thầy, hoặc giáo viên chủ nhiệm sẽ đưa luôn về nhà mình (nếu phụ huynh yêu cầu) cho ăn nhẹ rồi học thêm. Sau buổi học, khoảng 7 h tối thì phụ huynh đến đón.

Học sinh đang học chương trình 2006 thì học 1 buổi ở trường, 1 buổi học thêm ở nhà thầy cô giáo, hoặc thầy cô giáo bao luôn việc đưa đón, ăn trưa, ăn xế và dạy thêm…

Học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên dạy thêm ít bao ăn mà chỉ tổ chức việc dạy thêm tại nhà hoặc 1 trung tâm gần trường mà một nhóm giáo viên thuê với nhau.

Bây giờ, không chỉ dạy thêm mà nhiều trung tâm còn bao thêm khâu trả bài, soạn bài, miễn là phụ huynh có tiền thì nhiều gói dịch vụ sẽ được đáp ứng.

Mỗi giáo viên dạy cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông dạy thì môn nhiều tiết nhất hiện nay là Ngữ văn lớp 9 có 5 tiết/ tuần, các môn còn lại ít hơn nên giáo viên nào ít nhất cũng được nhà trường phân công dạy từ từ 4 lớp trở lên.

Vì vậy, học sinh chính khóa sẽ là “nguồn” cơ bản để giáo viên kéo học sinh đến nhà, hoặc trung tâm của mình dạy thêm.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT chỉ cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa khi “chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên” nhưng giáo viên làm đơn xin dạy thêm, hiệu trưởng ký có gì là khó.

Khi làm đơn, đa phần giáo viên sẽ nói không dạy thêm cho học sinh chính khóa, nhưng không dạy thêm cho học sinh chính khóa giáo viên lấy đâu ra nguồn để dạy? Hứa thì giáo viên làm đơn xin dạy thêm vẫn hứa nhưng họ dạy cho đối tượng học sinh nào, mấy ai quản lý, kiểm tra được.

Chẳng có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nào dám đến nhà giáo viên dạy thêm để kiểm tra, giám sát- đó là một thực tế. Các cấp ở địa phương lại càng khó kiểm soát hoạt động này nếu như không có đơn thư phản ánh. Vì vậy, việc cấm dạy thêm cho học sinh chính khóa chỉ dừng lại ở văn bản của Bộ và tuyên truyền của Ban giám hiệu nhà trường. Còn thực tế diễn biến muôn hình vạn trạng.

Vì sao khó cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa?

Với thực tế hiện nay, chuyện dạy thêm và học thêm sẽ rất khó có thể cấm, hay hạn chế được bởi nó có nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau.

Thứ nhất: nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh hiện nay luôn muốn trang bị thêm kiến thức cho con em mình để cải thiện kết quả học tập, nhằm hướng tới danh hiệu học tập và có khả năng thi đậu vào các trường chuyên, trường đại học lớn là yếu tố kích thích cho việc dạy thêm, học thêm ngày một nhiều.

Thời nay, phụ huynh nào cũng chỉ có từ 1-2 đứa con nên đa phần chấp nhận đầu tư tiền bạc, thời gian đưa đón, thậm chí đảm nhận hết công việc gia đình để con em mình có điều kiện học tập được tốt nhất.

Bên cạnh đó là “hiệu ứng đám đông”, học sinh này đi học thêm thì học sinh khác cũng sẽ tham gia đi cùng. Nhiều học sinh chủ động đi học thêm để lấy kiến thức mà cũng không ít học sinh đi học thêm chỉ là cách để được ra khỏi nhà, có thời gian vui chơi cùng bạn bè, còn chuyện học chỉ là yếu tố phụ.

Thứ hai: nhu cầu dạy thêm của một bộ phận giáo viên hiện nay là có thật- nhất là giáo viên dạy những môn có thể dạy thêm được để tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống. Đồng lương giáo viên hiện nay còn thấp mà dạy thêm được, thu nhập hàng tháng có thể gấp nhiều lần lương chính nhận ở trường.

Vì thế, nhiều giáo viên sẵn sàng vất vả thêm một chút, bớt vui chơi đi một chút để mở lớp dạy thêm nhằm có thêm thu nhập và tích lũy cho tương lai.

Khi đã mở lớp dạy thêm thì càng nhiều học sinh học thêm càng tốt. Giáo viên càng nhẹ nhàng, ít nghiêm khắc thì học sinh càng thích và sẽ có nhiều học sinh tham gia học thêm.

Việc kiểm tra thường xuyên trong tầm tay của giáo viên. Ngay cả kiểm tra định kỳ cũng nằm trong tầm tay của giáo viên dạy thêm- cho dù họ không được phân công ra đề nhưng các thầy cô này sẽ có nhiều cách để có được đề kiểm tra trước. Và, giáo viên dạy thêm càng ôn “trúng đề” càng có uy tín với học sinh và phụ huynh.

Vì thế, học sinh đã đi học thêm dù giỏi hay dở nhưng học với thầy cô đang dạy chính khóa sẽ có rất nhiều cái lợi, trong đó là điểm số, sự đối xử trên lớp là điều hiển nhiên không thể bàn cãi.

Không có giáo viên nào dạy thêm cho học trò cả năm mà cuối năm lại tổng kết cho học trò loại yếu- kém bao giờ. Làm vậy, khác gì lấy tay chọc vào mắt; tự mình đạp đổ nồi cơm của mình.

Thứ ba: việc dạy thêm, học thêm hiện nay đang được quản lý khá lỏng lẻo. Vì thế, việc dạy thêm, học thêm là những thỏa thuận miệng giữa giáo viên và phụ huynh hoặc giáo viên với học sinh, không ai ngăn cấm chuyện này.

Thứ tư: hiện nay, các trường và đội ngũ nhà giáo đang thực hiện theo hướng dẫn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như tinh thần tập huấn của chương trình mới.

Vì thế, các hoạt động dạy học hiện nay được thực hiện theo các bước cơ bản: giáo viên giao nhiệm vụ học tập- học sinh chuẩn bị bài ở nhà- đến lớp báo cáo- học sinh nhận xét và giáo viên chốt lại vấn đề. Nhưng, học sinh đã học đâu mà chuẩn bị? Vậy nên, chuyện học sinh “chuẩn bị” ở lớp dạy thêm cũng là cách để đáp ứng được yêu cầu từ Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH .

Hơn nữa, cấp quản lý nào cũng muốn kết quả tổng kết, tỉ lệ học sinh giỏi, khá, tỉ lệ học sinh đậu tuyển sinh 10, đậu tốt nghiệp, đậu đại học…nên nhiều khi họ cũng sẵn sàng lờ đi chuyện dạy thêm, học thêm ở trường mình, địa bàn mình.

Chính vì thế, việc giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa, học sinh học thêm với thầy cô của mình đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều cấp học, nhiều địa phương. Cũng vì vậy mà Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT được ban hành từ hơn 10 năm nhưng rất khó thực hiện triệt để.

Tài liệu tham khảo:

https://tienphong.vn/bo-gddt-cam-giao-vien-day-them-chinh-hoc-sinh-cua-minh-post1516117.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG