Tổ chức nhân sự quản lý trường học hiện nay có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tùy bậc học, hạng trường, mà số lượng phó hiệu trưởng được biên chế khác nhau.
Nhưng ít nhất, mỗi trường được biên chế 01 phó hiệu trưởng, công việc của phó hiệu trưởng có vất vả lắm không, chế độ đãi ngộ đã đáp ứng với cống hiến của họ chưa, bài viết này người viết chỉ bàn đến phó hiệu trưởng trường trung học.
Nhiệm vụ của phó hiệu trưởng
Khoản 2 Điều 11 Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Phó hiệu trưởng
a) Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.
b) Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này và theo quy định của pháp luật.
c) Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng trường trung học là 05 năm. Sau mỗi năm học phó hiệu trưởng được viên chức, người lao động trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định.
d) Nhiệm vụ và quyền của phó hiệu trưởng
- Điều hành công việc được hiệu trưởng phân công phụ trách hoặc ủy quyền;
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với phó hiệu trưởng;
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.[1]
Theo Khoản 6 Điều 1 Thông tư Số 15/2017/TT-BGDĐT: Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.[2]
Ảnh minh họa |
Công việc của phó hiệu trưởng có vất vả không
Để khách quan, người viết đã trao đổi với 5 phó hiệu trưởng đương nhiệm và 03 phó hiệu trưởng đã nghỉ hưu với câu hỏi làm phó hiệu trưởng có vất vả không.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, đang công tác ở một tỉnh phía nam chia sẻ, có nhiều điểm chung, nên người viết trích dẫn minh chứng cho ý kiến của phó hiệu trưởng đương nhiệm. Theo thầy Hùng: “Khách quan mà nói, công việc của phó hiệu trưởng nhàn hơn giáo viên, nhưng trách nhiệm nặng nề hơn.
Nếu làm phó hiệu trưởng mà vất vả hơn giáo viên, chẳng ai nhận nhiệm vụ chưa nói là thi tuyển để làm phó hiệu trưởng.
Thực tế, có phó hiệu trưởng “ngộ nhận” năng lực của mình nên nhận nhiệm vụ, va vào thực tế, không giải quyết được nhiệm vụ của mình, nên từ chức.
Tôi làm phó hiệu trưởng hơn 20 năm, chưa thấy người nào có năng lực, phẩm chất tốt thực sự mà từ chức cả.
Người có năng lực, phẩm chất tốt thực sự lại không thể dễ dàng từ chức được vì sự ràng buộc của tổ chức, không phải anh thích thì làm, không thích thì thôi.
Ngày trước chưa có máy tính, vất vả nhất của phó hiệu trưởng là xếp thời khóa biểu. Với công nghệ hiện nay, xếp thời khóa biểu nhẹ nhàng, có dữ liệu phân công chuyên môn rồi, chỉ cần vài cú kích chuột.
Còn các hoạt động chuyên môn trong trường học gần như đã có “barem”, “lối cũ ta về”, cái hơn nhau chính là phương pháp điều hành, quản lý, khích lệ được “nội lực” của giáo viên, để anh em cống hiến vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục”.
Thầy Nguyễn Hữu Hải đang là hội viên hội Cựu giáo chức ở Bà Rịa – Vũng Tàu, có thâm niên 37 năm dạy học, hơn 30 năm làm phó hiệu trưởng, chia sẻ cũng có nhiều điểm tương đồng với hai cựu phó hiệu trưởng khác.
Thầy Hải cho biết: “Vất vả hay không là do năng lực của mỗi người, cảm nhận của mỗi người.
Phó hiệu trưởng làm việc theo giờ hành chính, không có nghĩa là anh phải có mặt 8 giờ/ngày ở trường, nếu anh có suy nghĩ như thế thì vất vả là phải rồi, vì anh không có năng lực, phẩm chất quản lý.
Nếu vì chế độ ưu đãi thấp, anh thấy vất vả, thì làm sao anh làm gương cho giáo viên? Khi anh không xứng đáng là tấm gương cho giáo viên noi theo, chắc chắn tâm lý đó của anh sẽ làm vai anh nặng, đầu anh rối rắm, vất vả là phải rồi.
Người quản lý tốt, thân thiện, phải điều hành hoạt động của nhà trường bằng uy tín của mình, khi mình có mặt và vắng mặt đều như nhau, giáo viên đều tự giác, tự tôn trọng bản thân mà làm, chứ không phải cán bộ quản lý đang nhìn mới làm.
Phó hiệu trưởng có chuyên môn tốt, có năng lực quản lý tốt, biết đặt mình vào vị trí giáo viên để làm việc, sẽ thấy nhẹ nhàng, phó hiệu trưởng là người bạn tốt của giáo viên, của học trò, mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui, nhẹ nhàng, hạnh phúc”.
Như vậy, qua ý kiến khách quan của phó hiệu trưởng đương nhiệm và đã nghỉ hưu, ta thấy công việc của phó hiệu trưởng dường như nhẹ nhàng hơn giáo viên.
Thực tế, không ít địa phương thiếu giáo viên, có thể thiếu hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, nên trường học chỉ có một cán bộ quản lý làm chung cho công việc hai người, nhưng nhà trường vẫn hoạt động tốt.
Điều đó phản ánh trung thực một thực tế khách quan, cần xem xét xác định lại vị trí quản lý trong trường học.
Từ thực tế, người viết đề nghị giảm chức danh phó hiệu trưởng với trường loại 2, loại 3; trường loại 1 chỉ cần 01 phó hiệu trưởng.
Giảm biên chế quản lý, tăng biên chế với giáo viên, đó mới là giải pháp hợp lý trong tinh giảm biên chế nhưng nâng cao chất lượng giáo dục, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-15-2017-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-341252.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.