Xây dựng trường học hạnh phúc: thầy Hiệu trưởng xin được làm bạn với học sinh

15/10/2021 06:36
TIẾN LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo quan điểm của thầy giáo Đinh Hồng Tiệp, để xây dựng trường học hạnh phúc, mọi hoạt động phải thiết thực và luôn hướng về đúng chủ thể.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cuộc vận động xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Các nhà trường trên khắp cả nước dựa trên tiêu chí yêu thương, an toàn, tôn trọng để đưa ra nhiều cách làm sáng tạo nhằm lan tỏa giá trị hạnh phúc, mang tới niềm vui, sự thấu hiểu tới học trò và các thầy, cô giáo.

Bày tỏ quan điểm tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Hải Phòng) chia sẻ: “Trường học hạnh phúc là một phạm trù rộng lớn. Chỉ với hai từ “hạnh phúc” nhưng vô vàn cách làm và không có khái niệm, định nghĩa tuyệt đối.

Theo tôi, khi đến trường, mỗi học trò đều có quyền học tập, được yêu thương, chia sẻ và tôn trọng.

Còn giáo viên có quyền được làm việc, yêu thương, chia sẻ, được tôn trọng và được chia sẻ tiếng nói riêng.

Vậy làm sao để đảm bảo quyền lợi của học trò và giáo viên trong môi trường học đường?”.

Theo Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, trong môi trường các cơ sở giáo dục, người đứng đầu có tác động rất lớn tới không khí, hòa khí trong đơn vị.

Người đứng đầu phải biết lắng nghe, thấu hiểu và có tầm nhìn chiến lược mới có thể đảm bảo quyền lợi của học sinh, giáo viên.

Thầy giáo Đinh Hồng Tiệp cho biết: “Để đảm bảo học sinh được yêu thương, chia sẻ và tôn trọng, mọi hoạt động của nhà trường đều phải hướng về chủ thể.

Từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực đối với học sinh như nhà xe của trường hiện nay được lắp thêm quạt, ổ điện và có cả nhạc bật vào đầu giờ, cuối giờ học.

Theo đó, khi học sinh lấy xe, nóng đã có quạt mát, tối có điện sáng, xe hết điện có ngay ổ để sạc, phát nhạc giúp tạo không khí hào hứng và học sinh có thể thư giãn trước và sau giờ học.

Ở đây, tôi muốn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến những điều nhỏ nhất của học sinh thông qua việc làm thực tế.

Tôi xin được trở thành bạn với học sinh!

Về quan hệ giao tiếp, tôi khuyến khích giáo viên thể hiện sự bình đẳng, dân dã, dùng những ngôn ngữ giản dị, trong sáng và dễ hiểu đối với học trò.

Thực tế, bản thân tôi hay giáo viên nhà trường đều có thể thoải mái trò chuyện, tâm sự hoặc tham gia các hoạt động thể thao với học trò.

Ngược lại, khi đến trường học trò cũng không ngại bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của bản thân trực tiếp với tôi”.

Theo thầy giáo Đinh Hồng Tiệp, mọi hoạt động trong nhà trường phải hướng về đúng chủ thể (Ảnh: HT)

Theo thầy giáo Đinh Hồng Tiệp, mọi hoạt động trong nhà trường phải hướng về đúng chủ thể (Ảnh: HT)

Về việc đảm bảo quyền được học tập của học sinh, thầy giáo Đinh Hồng Tiệp chia sẻ: “Nhà trường tổ chức học tập phù hợp, dựa trên cơ sở nguyện vọng của học sinh.

Để tổ chức việc dạy và học hiệu quả, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có tính chiến lược để phân tích, định hướng cho học sinh.

Khi học sinh hiểu thế mạnh học tập của bản thân, nhà trường sẽ tổ chức dạy học phù hợp và có tính định hướng và phân luồng hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, áp dụng hiểu biết về xu thế phát triển của xã hội để phân tích cho học sinh hiểu và có nguyện vọng học tập trên cơ sở một bao quát chung (đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng trong chương trình mà học sinh nào cũng phải đạt được).

Ngoài ra, tôi phân tích điều mà lớp trẻ ngày nay cần, xã hội cần và nhà trường cần chăm lo cho học trò những gì. Từ đó,nhà trường lựa chọn hướng đi và các giải pháp thực hiện giúp học trò thành công đáp ứng mục tiêu mà trường học hạnh phúc cần đạt được.

Cũng theo thầy Đinh Hồng Tiệp, học sinh hạnh phúc khi đến trường thì phụ huynh cũng cảm nhận được điều đó.

Học sinh vui vẻ, hào hứng khi được đến trường và đạt được nguyện vọng trong tương lai chính là sự hồi đáp của nhà trường đối với sự tin tưởng gửi gắm của phụ huynh nhà trường.

Không riêng đối với học sinh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong còn quan tâm, đồng hành và có sự động viên kịp thời để tạo môi trường làm việc thân thiện, hạnh phúc cho cán bộ, giáo viên và nhân viên.

“Tập thể lãnh đạo nhà trường luôn ghi nhận và động viên kịp thời những thành tích, sự đóng góp của cán bộ, giáo viên và điều đó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong trường học hạnh phúc.

Trong hoạt động giảng dạy tôi luôn đồng hành, chia sẻ với giáo viên thực hiện công tác đổi mới phương pháp giảng dạy.

Làm sao để mỗi giờ học luôn trở nên nhẹ nhàng và thân thiện với học trò với phương châm “Biến khó thành dễ, biến phức tạp thành đơn giản”.

Bài học luôn hướng về giáo dục toàn diện cho học sinh, kết hợp “vừa dạy chữ vừa dạy người”.

Mỗi thầy, cô giáo cần biết chia sẻ và đặt mình vào vị trí của học trò trong mỗi bài giảng để biết những khó khăn của các em.

Từ đó, động viên, giúp đỡ các em và tìm giải pháp thực hiện bài giảng để tháo gỡ những khó khăn của các em khi đó mỗi bài giảng vừa chứa đựng kiến thức và tính nhân văn” thầy giáo Đinh Hồng Tiệp nói.

TIẾN LINH