Học chứng chỉ CDNN theo hạng cấp sau 30/6/2022, GV ngậm ngùi mất tiền oan?

13/05/2023 06:42
Sơn Quang Huyến
GDVN- Giáo viên nói riêng, viên chức nói chung, bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Sự kiện này được giáo viên mong đợi, đón chờ, mong Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sẽ khắc phục được những bất cập trong chùm thông tư 01-04 trước đây.

Điều mà rất nhiều giáo viên đồng cảm đó là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng của giáo viên, từ nay giáo viên chỉ còn 01 chứng chỉ duy nhất gọi là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khoản 3 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ghi rõ: Điều khoản thi hành

3. Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên trung học cơ sở đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên trung học phổ thông đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư này.[1]

Thực tế, sau ngày 30/6/2022 vẫn có cơ sở đào tạo tuyển sinh bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo các hạng III, II, I và không ít giáo viên vẫn tham gia học, có chứng chỉ chứng danh nghề nghiệp theo hạng cấp sau ngày 30/6/2022.

Bài viết: “GV có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được cấp sau 30/6/2022 băn khoăn, lo lắng” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh tâm trạng của không ít giáo viên.

Cô giáo Lê Thị Thùy Trang ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Sau khi trúng tuyển viên chức giáo dục trong đợt thi tuyển năm học 2022 – 2023, tôi đã tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp do trường 1 trường đại học tổ chức.

Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều giáo viên khác cũng tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của trường này, để lấy được chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III tôi đã mất hơn một tháng lương.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ban hành, chúng tôi giật mình, vì chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III của chúng tôi cấp ngày 29/12/2022.

Vậy chúng tôi có mất oan hơn tháng lương để học chứng chỉ chức danh nghiệp giáo viên hạng III không?”.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III do giáo viên cung cấp

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III do giáo viên cung cấp

Tại sao giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức: Bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp

b) Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Điểm b khoản 3 Điều 33 Luật Viên chức: Chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức

3. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm:

b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;[2]

Như vậy giáo viên nói riêng, viên chức nói chung, bắt buộc phải có chứng chỉ Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên không thể muốn bãi bỏ là làm được, hợp lý hơn khi có thể thể lồng ghép vào chương trình đào tạo giáo viên, mỗi sinh viên sư phạm ra trường đều đã được cấp chứng chỉ này sẽ thuận lợi trong tuyển dụng và bổ nhiệm sau này.

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 mới đáp ứng theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP?

Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021.

Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ghi rõ: Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

2. Các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại khoản 6 Điều 1 Nghị định này phải ban hành chương trình trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

3. Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.[3]

Như vậy Chính phủ đã có lộ trình cho Các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại khoản 6 Điều 1 Nghị định này phải ban hành chương trình trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bãi bỏ bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng, mỗi cấp học chỉ còn một chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp này phải tham chiếu theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

Theo Khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đã phải công bố trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Hay nói cách khác, kể từ 30/6/2022, các cơ sở đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không đào tạo theo chương trình cũ mà phải đào tạo theo chương trình mới được công bố ban hành, chứng chỉ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên được cấp không phải theo hạng mà theo cấp học.

Vì thế, các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên theo các hạng III, II, I cấp sau ngày 30/6/2022 là không phù hợp theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

Những giáo viên học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng sau ngày 30/6/2022 phải chăng đã mất tiền oan? Người viết mong Bộ có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền lợi của nhóm giáo viên này.

Sự việc giáo viên tham gia học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng sau ngày 30/6/2022 cũng phản ánh một thực tế, các cơ sở giáo dục đang còn sơ sài trong việc tuyên truyền, giới thiệu chính sách pháp luật đến người lao động.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-08-2023-tt-bgddt-sua-doi-quy-dinh-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-pho-thong-119230416104910129.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-vien-chuc-2010-115271.aspx

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-89-2021-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-101-2017-ND-CP-boi-duong-can-bo-cong-vien-chuc-447475.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến