GV vẫn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy cô đừng vội mừng

16/04/2023 07:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên mỗi cấp học không còn phải lo học 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây.

Sau bao ngày chờ đợi Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm các Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có rất nhiều điểm mới so với chùm Thông tư năm 2021 trước đây. Đặc biệt, giáo viên mỗi cấp học không còn phải lo học 3 chứng chỉ tương ứng với 3 hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây mà trong toàn cấp học, các thầy cô giáo chỉ cần học một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là đủ.

Nhiều giáo viên đã mất khoản tiền lớn khi học chứng chỉ nghề nghiệp sai hạng chức danh

Tôi đã có một số đồng nghiệp hiện đang có trong tay ít nhất 2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Có người cũng đã kịp tranh thủ lấy đủ 3 chứng chỉ của 3 hạng chức danh. Khi được hỏi vì sao lại học nhiều chứng chỉ trong cùng thời gian, người đồng nghiệp đã trả lời: "Do mỗi người tư vấn mỗi kiểu, bản thân lại sợ lỡ cơ hội khi xét thăng hạng nếu không có chứng chỉ thì rất phí. Vậy là học để sẵn khi cần là có ngay".

Một đồng nghiệp khác mới ra trường, do có bằng đại học nên nhầm tưởng sẽ được xét vào giáo viên tiểu học hạng II nên tranh thủ đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II.

Học xong mới biết mình chỉ là giáo viên tiểu học hạng III, nên phải đi học bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III. Mỗi chứng chỉ nghề nghiệp tốn gần 3 triệu đồng.

Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng

Khoản 3, Khoản 4, Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định rõ:

"3. Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV;

Giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên trung học cơ sở đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III;

Giáo viên trung học phổ thông đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II, hạng III;

Theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 20022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng trong khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại thông tư này.

4. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự. Giáo viên tuyển dụng mới nhưng không phải thực hiện chế độ tập sự thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được tuyển dụng.

Tính đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành các trường hợp còn dưới 01 năm (một) thực hiện chế độ tập sự thì phải bổ sung chứng chỉ trong thời hạn 01 năm (một) kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành".

Giáo viên vẫn tốn tiền đi học chứng chỉ

Ngay sau khi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT được ban hành, không ít giáo viên nhầm tưởng bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng là không cần phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nữa.

Sự thật là, mỗi giáo viên muốn trụ hạng hoặc thăng hạng đều phải học một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Trong thực tế cho thấy, không có tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì giáo viên vẫn giảng dạy tốt. Việc bỏ ra một khoản tiền gần một tháng lương đối với những giáo viên mới ra trường để đổi lấy một tấm chứng chỉ chức danh cho đủ thủ tục quả là lãng phí và không thật sự cần thiết.

Vì thế, đại bộ phận các nhà giáo đều mong Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Nếu không, nội dung học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cần được đưa vào các trường sư phạm xem như một học phần để sinh viên học và tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ như nhiều học phần khác.

Tránh việc thầy cô ra trường đi dạy lại vẫn phải tham gia đi học vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, vừa tốn một khoản tiền trong khi đời sống các nhà giáo vẫn còn khó khăn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết